.

Công nhân tự mua chổi quét rác

.

Những công nhân vệ sinh môi trường “một nắng hai sương” âm thầm quét rác làm sạch đẹp đường phố mỗi ngày. Cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhiều lần họ phải bỏ cả tiền túi của mình ra mua từng cây chổi quét đường. Nguyên nhân chính của tình trạng này, theo các công nhân, do nguồn kinh phí công ty cấp cho việc mua chổi quét rác là quá thấp.

Công nhân vệ sinh môi trường làm việc vất vả nhưng số tiền hỗ trợ cho công việc của họ còn quá thấp.
Công nhân vệ sinh môi trường làm việc vất vả nhưng số tiền hỗ trợ cho công việc của họ còn quá thấp.

Hằng ngày, trên các tuyến đường phố Đà Nẵng, từ sáng sớm đến đêm khuya, đi đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh những người công nhân cần mẫn thu gom rác trên các tuyến đường. Trên tay họ với đầy đủ các dụng cụ chổi, xúc rác thoăn thoắt quét và gom đổ vào xe đẩy rác. Dù nắng, dù mưa nhưng họ vẫn bám trụ với công việc quét rác bởi theo họ đó đã là “nghiệp” ăn sâu vào suốt cuộc đời của họ. Vất vả là vậy nhưng khi hỏi họ cũng không ca thán gì nhiều, chỉ cười rồi bảo: “Mỗi người một việc, công việc của chúng tôi là thu gom rác mỗi ngày trên các tuyến đường đã được phân công. Làm thì mệt thật đó nhưng lâu dần cũng quen”.

Duy chỉ có một điều vẫn khiến các công nhân trăn trở là tiền hỗ trợ cho các dụng cụ vệ sinh hằng ngày do công ty cấp quá ít ỏi. Một công nhân (đề nghị giấu tên) bức xúc: “Chổi ngoài thị trường tùy loại hiện nay có giá từ 8.000 - 10.000 đồng. Tuy nhiên, do chổi mua ở chợ thường nhỏ và yếu không đảm bảo cho công việc nên để quét sạch rác trên các tuyến đường đa số anh chị em chúng tôi phải mua 2-3 cây chổi gộp lại mới quét được. Gộp chổi lại vậy đó nhưng có hôm do rác nhiều chúng tôi quét chưa hết ngày đã mòn 1 cây chổi”. “Tính ra, để có được 1 cây chổi quét đường chúng tôi phải mất 16.000 - 20.000 đồng, trong khi đó công ty chỉ trả cho chúng tôi 8.000 đồng/cây chổi/1 công quét. Như vậy, số tiền trả cho chúng tôi là quá thấp, đã rất nhiều lần chúng tôi phải bỏ cả tiền túi của mình ra để mua, nếu không sẽ không kịp hoàn thành công việc”, một công nhân khác cho biết thêm.

Ngoài tiền chổi quét, nhiều công nhân còn cho biết tiền độc hại công ty trả 1 ngày 8.000 đồng cũng là rất ít. Bởi lẽ 1 ngày họ uống 1 hộp sữa tươi thôi cũng đã mất 8.000 đồng rồi và như vậy là không thỏa đáng. Một số công nhân còn cho rằng, chiếc áo phản quang hằng ngày họ đang mặc được công ty cấp 1 năm 1 cái là không đủ. Để cho chúng tôi thấy rõ hơn, một công nhân cởi chiếc áo phản quang mặc ngoài ra, lấy tay chỉ các đường may đã sứt chỉ, những viền màu vàng trên áo đã bong tróc và rách ra thành từng mảng. Khi chúng tôi đặt câu hỏi, tại sao các anh chị không kiến nghị cùng công ty những vấn đề trên thì nhận được câu trả lời: Chúng tôi cũng nói miết rồi nhưng công ty nói ngân sách chỉ cấp chừng đó, có gì họ sẽ xem xét lại nhưng rồi “đâu lại vào đấy”.

Cấp theo định mức

Đem những trăn trở của công nhân, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đỡ, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng. Ông Đỡ cho biết: “Những vấn đề công nhân phản ánh chúng tôi cũng đã nghe rồi nhưng chúng tôi chỉ cấp theo định mức chứ không thể cấp vượt định mức. Nếu chi phí gì công nhân kêu chúng tôi cũng nâng lên thì lấy tiền đâu ra mà trả?”. “Theo quy định trước đây, mỗi công quét chúng tôi chỉ trả cho công nhân khoảng 5.000 đồng tiền chổi. Nhưng giá cả thị trường luôn biến động, chúng tôi cũng đã có những thay đổi linh hoạt để đảm bảo đời sống cho công nhân. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay công ty tăng giá chổi cho công nhân từ 5.000 đồng lên 8.000 đồng/1 công quét (cho hơn 6.000m2 diện tích). Rồi các khoản khác như lương cũng tăng từ 90.000 đồng lên 120.000 đồng/ngày, tiền ăn ca cũng tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/người... Công nhân không hiểu hết nên cứ kêu chứ trong điều kiện ngân sách hạn chế như hiện nay, không thể tăng tất cả các loại chi phí cùng một lúc được”, ông Đỡ nói tiếp.

Để giải thích rõ hơn, ông Lê Thanh Nhã, Phó phòng Kế hoạch-Đầu tư, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng, cho biết thêm: Trước đây kinh phí phục vụ vệ sinh đô thị do thành phố đặt hàng được áp dụng theo định mức cũ theo Thông tư 17/2005/TT-BXD năm 2005 của Bộ Xây dựng. Trong đó, quy định mức chi phí chung tính bằng 62% trên chi phí nhân công trực tiếp. Từ năm 2008, Bộ Xây dựng ra Thông tư 06/2008/TT-BXD hướng dẫn quản lý dịch vụ công ích đô thị. Trong đó, quy định chi phí chung không quá 70% trên chi phí nhân công trực tiếp. Tuy nhiên, tại Đà Nẵng, các công trình phục vụ vệ sinh đô thị chỉ được tính chi phí chung là 55% (năm 2008) và 50% (năm 2009 đến nay). Theo đơn giá cũ, phần hao phí công cụ dụng cụ được tính vào chi phí vật liệu trực tiếp. Tuy nhiên, khi áp dụng đơn giá mới theo Quyết định 10641/QĐ-UBND ngày 22-12-2008 của UBND thành phố Đà Nẵng, phần hao phí công cụ dụng cụ được tính vào phần chi phí chung nên công ty phải cân đối chi trả cho phù hợp chứ cũng không thể nâng lên vượt định mức được. “Công ty cũng đã có công văn đề nghị thành phố xem xét phê duyệt mức chi phí chung trong dự toán đặt hàng lên 60% từ năm 2014 trở đi. Nếu thành phố duyệt thì công ty sẽ cân đối chi trả hỗ trợ tăng thêm cho người lao động với các khoản ăn giữa ca, bồi dưỡng độc hại và các khoản chi phí phụ trợ khác không nằm trong chi phí trực tiếp”, ông Nhã nói.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.