Ngày 27-11, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ và các đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Ngũ Hành Sơn tiếp xúc cử tri tại 2 phường Khuê Mỹ và Mỹ An. Cùng ngày, các đại biểu HĐND thành phố: Mai Đức Lộc, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố; Hoàng Giang Yên Thủy tiếp xúc cử tri 2 phường Nam Dương và Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với cử tri phường Mỹ An. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Cần minh bạch công tác bố trí tái định cư
Hiện nay, quận Ngũ Hành Sơn là địa phương có nhiều dự án giải tỏa, bố trí tái định cư để mở rộng không gian đô thị, trong đó phường Khuê Mỹ tập trung nhiều dự án di dời, giải tỏa. Cử tri Vũ Tấn Tài bày tỏ bức xúc về công tác áp giá đền bù, bố trí tái định cư chưa thỏa đáng và công bằng. Còn cử tri Huỳnh Ngọc Tân cho rằng, cần giải quyết vấn đề tái định cư sao cho cuộc sống của dân phải tốt hơn trước; không để tình trạng thiếu hoặc chậm bố trí, hoàn thiện các công trình hạ tầng dân sinh như điện, hệ thống thoát nước… Cử tri Phan Minh Đông bày tỏ bức xúc vì chính quyền địa phương triển khai các phương án quy hoạch nhưng bản thân ông nằm trong diện giải tỏa, đền bù chưa nắm rõ; đề nghị cần công khai, minh bạch mọi thông tin, chính sách về công tác giải tỏa, đền bù và tái định cư cho người dân; đồng thời kiến nghị cần thanh tra, kiểm tra công tác bố trí tái định cư trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn.
Cử tri Trần Phước Thiện cho rằng đơn kiến nghị về trường hợp cưỡng chế của ông chưa được xem xét thấu đáo. Do vậy, cử tri mong các ban, ngành, địa phương cần lắng nghe và giải quyết tâm tư, nguyện vọng của dân; trong đó, cần giải quyết đúng quy định của pháp luật và thấu tình, đạt lý đối với các trường hợp bắt buộc phải cưỡng chế. Một số cử tri khác kiến nghị chính quyền địa phương cần kịp thời xem xét, giải quyết các trường hợp hộ dân sống dưới khu vực hành lang đường dây điện, gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe; việc xử lý ô nhiễm môi trường, hoàn thiện hệ thống thoát nước trong các khu dân cư vẫn còn chậm. Đặc biệt, khẩn trương bảo tồn khu di tích lịch sử K20. Cử tri cũng đề nghị trả lời dứt khoát việc có hay không chủ trương bố trí nhà họp dân cho từng tổ dân phố và trả lời các thắc mắc tại các buổi tiếp dân, không để tình trạng nhận đơn rồi chuyển lòng vòng.
Tại phường Mỹ An, đa số ý kiến cử tri kiến nghị những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường tại cầu Trần Thị Lý, việc không khớp nối hệ thống cống thoát nước gây ngập, sạt lở trong khu dân cư. Bên cạnh đó, cử tri đề nghị nên công khai và thông tin rộng rãi các chính sách khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Phụ nữ thành phố. Cử tri Đặng Văn Hiệp đề nghị xem xét thực trạng xuống cấp, ô nhiễm đoạn đường Võ Như Hưng. Cử tri Hồ Sỹ Hoàng nêu tình trạng mặt đường bê-tông xuống cấp tại các tuyến đường từ An Thượng 6 đến An Thượng 9. Cử tri Phan Nguyệt Hà kiến nghị về hình thức cấp chứng nhận thu phí xe mô-tô gây trở ngại cho dân khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hành chính.
Giải quyết thấu đáo nguyện vọng của dân
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của cử tri 2 địa phương. Những kiến nghị liên quan đến các chính sách bố trí tái định cư cho dân, Bí thư Thành ủy Trần Thọ yêu cầu các cấp, ngành có liên quan tích cực xem xét, giải quyết thấu đáo; đồng thời nhắc nhở các đơn vị chức năng cần thiết nên kiểm tra, rà soát lại lần nữa để bảo đảm giải quyết chặt chẽ, cặn kẽ, chu đáo nguyện vọng của nhân dân trên tinh thần khách quan, công tâm theo đúng quy định của pháp luật. Bí thư Thành ủy khẳng định, chính sách giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư của thành phố phát huy hiệu quả rất lớn, góp phần mở rộng và phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị hiện đại, văn minh như hiện nay. Đối với những chính sách đúng và trúng thì thành phố sẽ tiếp tục phát huy, triển khai trong thời gian đến; những cơ chế, chính sách chưa hợp lý, thành phố sẽ xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp. Đối với các trường hợp buộc phải cưỡng chế, gây lo lắng, băn khoăn cho các hộ dân, Bí thư Thành ủy khẳng định đây là giải pháp cuối cùng, bất khả kháng. “Nếu chính quyền ra quyết định không đúng quy định của pháp luật thì người dân có quyền kiến nghị, đề xuất để các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, khi quyết định cưỡng chế đúng pháp luật thì mong người dân nên chấp hành chủ trương để công tác bố trí tái định cư bảo đảm tiến độ, kế hoạch đề ra”, Bí thư Thành ủy Trần Thọ nhấn mạnh.
Đối với các trường hợp xin thuê chung cư, Bí thư Thành ủy đề nghị người dân thuộc diện theo quy định nộp đơn tại số 44 đường Bạch Đằng. Sau khi xem xét, kiểm tra chặt chẽ, thông tin người thuê hoặc mua chung cư được công khai đăng tải trên Báo Đà Nẵng, Báo Công an Đà Nẵng và Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng. Về vấn đề cây xanh ngã, đổ sau bão, Bí thư Thành ủy Trần Thọ khẳng định sẽ yêu cầu đưa ra giải trình cụ thể tại kỳ họp HĐND thành phố sắp đến. Riêng về nhà họp tổ dân phố, sẽ xem xét, nghiên cứu để nhiều tổ dân phố được bố trí một nhà họp cộng đồng, chứ không phải mỗi tổ dân phố được bố trí một nhà họp.
Quan tâm đến đổi mới giáo dục
Cử tri Huỳnh Tuyền (phường Nam Dương) cho rằng, hiện nay người cao tuổi chưa được ưu tiên khi đến khám tại các trung tâm y tế mà phải chờ đợi lâu làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố vẫn chưa có chuyên khoa Lão. Việc triển khai khám sàng lọc cho người cao tuổi còn sơ sài, chưa đi sâu vào bệnh lý. Tuy thành phố đã có chính sách bảo trợ cho người cao tuổi nhưng những người cao tuổi có BHXH và hưu trí chưa được hưởng chế độ này. Ông Tuyền cũng đề nghị cần có chính sách giảm giá vé tham quan du lịch và đi lại. Trong khi đó, cử tri Nguyễn Hồng Chí (phường Hòa Thuận Đông) cho rằng, BHXH không dính dáng gì đến chế độ chính sách của người cao tuổi, nên những người cao tuổi có BHXH và hưu trí không được hưởng tiền bảo trợ người cao tuổi là không công bằng.
Liên quan đến giáo dục, cử tri Dương Tôn Lê (phường Nam Dương) đề nghị trong kỳ họp HĐND thành phố tới cần quan tâm đến đổi mới giáo dục, tận dụng được nguồn học sinh giỏi của địa phương, chú trọng đào tạo giáo viên cơ hữu cho thành phố và đầu tư hơn nữa cho khoa học cơ bản. Cử tri Lê cũng cho biết, hiện nay trên địa bàn quận Hải Châu còn thiếu 135 phòng học cho học sinh tiểu học và đề nghị thành phố sớm giải quyết tình trạng học sinh quá tải. Cử tri Nguyễn Thị Mai Hương (phường Nam Dương) đề nghị Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố tập trung kiểm tra, giám sát nhiều hơn nữa việc dạy thêm, học thêm ở các trường THCS bởi hiện nay tình trạng này vẫn còn nhiều.
Các cử tri phường Hòa Thuận Đông cũng bày tỏ bức xúc trước quốc nạn tham nhũng hiện nay. Cử tri Nguyễn Hồng Chí (phường Hòa Thuận Đông) cho rằng việc chống tham nhũng nói thì nhiều nhưng làm thì chưa có kết quả bao nhiêu và đề nghị Thanh tra Chính phủ cũng như Ban Nội chính ở địa phương phải làm quyết liệt để bài trừ tệ nạn tham nhũng. Một số cử tri Hòa Thuận Đông cũng phản ánh cách trả lương hưu qua ngân hàng và bưu điện còn bất cập; tình trạng quá tải ở chợ Mới… Ngoài ra, một số cử tri phường Nam Dương bày tỏ bức xúc trước việc cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm trong giải quyết đơn thư của người dân về vấn đề liên quan đến kiệt 11 Lê Đại Hành; việc đặt ghế đá chưa phù hợp ở khu vực đường Bạch Đằng, đặc biệt là thiếu ghế đá ở đoạn gần cầu Rồng nhưng thừa ở đoạn từ cầu Sông Hàn đến cầu Thuận Phước…
Đại biểu Mai Đức Lộc trả lời và giải đáp những bức xúc của cử tri 2 phường nêu, đồng thời hứa sẽ báo cáo với Thường trực HĐND thành phố.
VIỆT DŨNG - ĐOÀN LƯƠNG