.

Đèo Hải Vân trên hành trình Quảng Nam mở cõi

.

Đèo Hải Vân là một cái mốc quan trọng trên hành trình Quảng Nam mở cõi.

Cuộc hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân nước Đại Việt với vua Chế Mân nước Chămpa khởi sự từ năm Tân Sửu - 1301 mà mãi đến năm Bính Ngọ - 1306 mới chính thức được cử hành. Có thể lý giải sự chậm trễ này theo nhiều cách và cũng đã có người từng liên tưởng đến đèo Hải Vân: cuộc nam chinh ngàn dặm của công chúa Huyền Trân chưa thể bắt đầu khi triều đình hai nước chưa đồng thuận trong việc xác định biên giới giữa Đại Việt với Chămpa sau-hôn-nhân sẽ nằm ở đâu, ở phía nam hay ở phía bắc đèo Hải Vân?

Đỉnh đèo Hải Vân. Ảnh: Huy Đằng
Đỉnh đèo Hải Vân. Ảnh: Huy Đằng

Lịch sử cho thấy câu hỏi này chỉ có thể tìm được câu trả lời sau nhiều tranh cãi trong suốt 5 năm: quà sính lễ của vua Chế Mân là một vùng đất kéo dài từ bờ nam sông Hiếu đến bờ bắc sông Thu Bồn - nghĩa là biên giới giữa Đại Việt với Chămpa sau-hôn-nhân ở phía nam đèo Hải Vân, nói khác đi đèo Hải Vân hiểm trở như một phên giậu tự nhiên từ đây thuộc về Đại Việt. Nhờ vậy, người Việt đã rút ngắn được rất nhiều thời gian và trở lực để có thể sớm đi đến tận chót mũi Cà Mau trên hành trình Quảng Nam mở cõi.

Hải Vân quan

Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà trên đỉnh đèo Hải Vân lại có cửa ải tên là Hải Vân quan và cũng không phải ngẫu nhiên đôi khi người Việt gọi tắt Hải Vân bằng cái tên Ải Vân đầy sắc thái biên cương. Xây ngay từ đời Trần, cửa ải này được trùng tu vào năm Minh Mạng thứ 7-1826, cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ Hải Vân Quan, cửa trông xuống Quảng Nam đề Thiên hạ đệ nhất hùng quan (danh hiệu do Lê Thánh Tông phong tặng khi nhà vua dừng quân ở vịnh Đồng Long/vũng Thùng vào năm Canh Thìn - 1470).

Hải Vân quan có lối kiến trúc như những thành quách khác: thành xây theo lối vuông vức, cổng theo lối vòm. Cùng với cửa Hàn và sông Vĩnh Điện, Hải Vân quan đã được vua Minh Mạng cho khắc lên Dụ đỉnh (một trong 9 cái đỉnh được đúc năm Minh Mạng thứ 17-1836). Điều đáng nói là dẫu có bề dày lịch sử hoành tráng không một cửa ải nào có được, nhưng đến nay Hải Vân quan đang có nguy cơ trở thành một phế tích, nhất là trong bối cảnh hầm đường bộ Hải Vân ngày càng phát huy ưu thế về rút ngắn khoảng cách và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ. Đã từng có bài báo đăng trên VOV online nhan đề Hoang phế Hải Vân quan nghe rất nao lòng.

Thực tế đường đèo Hải Vân đầy hiểm trở - và trở nên hấp dẫn nhờ cái hiểm trở ấy - vẫn đang là địa chỉ du lịch thu hút nhiều du khách thích phiêu lưu. Đó mới chính là lý do vì sao du khách vẫn tìm đến với cái hoang phế của Hải Vân quan - như một kết hợp hợp lý của kịch bản vượt đèo tìm cảm giác mạnh, chứ người ta không đến với Hải Vân quan như đến với một di tích lịch sử từng có lần mang danh là Thiên hạ đệ nhất hùng quan.

Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để tự thân Hải Vân quan có thể trở thành điểm tham quan đủ sức thỏa mãn đòi hỏi của du khách đang muốn tìm hiểu thấu đáo về một công trình kiến trúc không chỉ gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta từ đầu thế kỷ 14 đến nay, mà còn là nguồn thi hứng của các nhà thơ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là làm thế nào để Hải Vân quan một mặt không còn hoang vắng, thậm chí không còn hoang phế - thành cổ thành... cỏ, nhưng mặt khác vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ cổ kính, không nên trùng tu tôn tạo theo kiểu hiện đại hóa công trình kiến trúc gần 200 năm tuổi, làm di tích cấp quốc gia Hải Vân quan từ chỗ mới có nguy cơ trở thành phế tích đến chỗ thực sự nhất khứ bất phục phản - một đi không trở lại, như cách nói của Thôi Hiệu trong bài thơ Hoàng Hạc lâu.

Thị trấn sôi động mà tĩnh lặng trong tương lai

Vượt qua hăm mốt cây số đường đèo mới thấm thía lý do vì sao ông cha xưa lại đặt tên những rặng núi thuộc dãy Trường Sơn vươn ra sát biển là Hải Vân: sóng biển luôn vỗ dưới chân đèo và trên đỉnh đèo thì mây mù bao phủ quanh năm suốt tháng. Đèo Hải Vân còn được xem như một ranh giới tự nhiên tạo nên sự khác biệt về khí hậu giữa bên này đèo với bên kia đèo… Thật ra sự khác biệt về khí hậu giữa bên này đèo với bên kia đèo đang ngày càng mờ nhạt, cũng có khác nhau nhưng không đáng kể.

Tương tự, dẫu đỉnh đèo Hải Vân từng là địa giới hành chính giữa Thuận Hóa với Quảng Nam ngày xưa, giữa Thừa Thiên - Huế với Đà Nẵng ngày nay nhưng suy đến cùng thì cả bên này đèo lẫn bên kia đèo đều nằm chung trong tầm nhìn vĩ mô toàn cục của chúa Trịnh Kiểm: Đèo Hải Vân bền vững như chiếc khóa vàng là chỗ đầu não của non sông, chỗ yết hầu của miền Thuận Quảng. Vì vậy, nhà báo Trương Điện Thắng do được gợi ý từ mô hình thành phố Texarkana nằm giữa biên giới hai tiểu bang Texas và Arkansas ở miền tây nam nước Mỹ, đã hình dung một thị trấn Hải Vân Quan sôi động mà tĩnh lặng trong tương lai - nằm giữa hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng… Thị trấn Hải Vân Quan do chính quyền quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) và huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cùng quản lý, tại sao không thể?    

Về phía Đà Nẵng vừa có những động thái đáng chú ý. Mới đây, Viện Quy hoạch xây dựng thành phố đã tiến hành khảo sát hiện trạng sử dụng đất khu vực đỉnh đèo Hải Vân, trên cơ sở đó lập quy hoạch và thiết kế kiến trúc cho khu vực này.

Theo quy hoạch đã được UBND thành phố thông qua với mức đầu tư gần 11 tỷ đồng, trên phần diện tích 6.258m2 - đương nhiên là chỉ thuộc địa phận Đà Nẵng - sẽ sử dụng 670 m2 để làm 10 ki-ốt bán hàng lưu niệm, giải khát; điểm nhấn của kiến trúc khu vực sàn cảnh quan rộng 1.740m2 làm sàn vọng cảnh để du khách ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Đà Nẵng. Sàn cảnh quan được thiết kế nhiều tầng bằng chất liệu gỗ rộng 4 mét. Tổng thể khu vực đèo còn có bãi đỗ xe, lối đi dạo và sử dụng gần 2.000m2 để trồng cây xanh bóng mát, vườn hoa, cây cảnh. Việc tôn tạo và thiết kế cảnh quan cho di tích Hải Vân quan cũng được chú trọng với giá trị đầu tư 350 triệu đồng. Nếu có sự liên kết phát triển giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế trong tầm nhìn thị trấn Hải Vân Quan nêu trên và nhất là trong tư duy trùng tu di sản thật sự khoa học, thấm đẫm chất văn hóa, sức hấp dẫn của đèo Hải Vân từ cả hai hướng lên đèo - Nam Ô và Lăng Cô - và của Hải Vân quan chắc chắn sẽ được nhân đôi!

Nhà văn Hồ Trung Tú trong bài báo Đi tìm ý nghĩa thực của đám cưới Huyền Trân đăng trên Tạp chí Sông Hương số đặc biệt năm 2013 cho rằng, một trong những sai lầm của vua Chămpa Chế Mân là “đã chọn sông Thu Bồn làm biên giới thay vì là đèo Hải Vân (…). Chế Mân đã không biết rằng sông chỉ tốt khi là phòng tuyến quân sự chứ với các di dân thì sông lại là nơi quần cư (…). Sông Thu Bồn làm ranh giới chỉ tồn tại được đúng 100 năm để sau đó phải lùi vào đến Trà Khúc”.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một bút ký nhan đề Đèo Hải Vân đăng trên Tạp chí Sông Hương cũng từng viết: “Sử cũ chép rằng vào năm 1402, khi nhà Hồ chiếm được đất Chiêm Động, bèn chia làm bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; ai ở châu nào thì khắc tên vào cánh tay châu ấy, hàm ý giữ đất đến cùng. Đất Nam Ô phía đèo Hải Vân (phía Nam châu Ô) có lẽ cũng được gợi ý từ việc này chăng? Thế mới biết quyết tâm giữ đèo của người Việt. Về phía người Chàm, từ đời Đông Hán, trải qua 1.000 năm Bắc thuộc, người Chàm đã dời đổi biên giới của quốc gia nhiều lần; nhưng nghĩ cho kỹ, thì biên giới phía Bắc của nước Chiêm Thành chưa bao giờ lùi quá bến Ôn Công, tức là mũi Chân Mây (phía Bắc đèo Hải Vân, thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế). Cả phía Chàm và phía Việt, ai cũng muốn chiếm lấy đèo Hải Vân. Thế mới thấy tính chiến lược của đèo Hải Vân. Sách Ô Châu cận lục (viết giữa thế kỷ XVI) nhắc lại lời Nguyễn Hoàng cho biết rằng chính Trịnh Kiểm đã nhìn thấy vai trò chiến lược này. Trịnh Kiểm cho rằng: Đèo Hải Vân bền vững như chiếc khóa vàng là chỗ đầu não của non sông, chỗ yết hầu của miền Thuận Quảng”.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.