.

Lũ vượt mốc lịch sử

.

Theo thống kê sơ bộ từ Trung tâm Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn khu vực miền Trung- Tây Nguyên, đến sáng 17-11, toàn khu vực đã có 53 ngôi nhà bị sập, trôi; hơn 120.000 ngôi nhà bị ngập (chưa tính tỉnh Quảng Nam); 1.062 ha lúa bị ngập, 691 ha hoa màu bị hư hại; hàng chục tuyến đường bị sạt lở, một số tuyến bị cắt đứt hoàn toàn…

Đường bê-tông tại thôn 1, xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) bị lũ cắt đứt hoàn toàn.  Ảnh: NGUYỄN CẦU
Đường bê-tông tại thôn 1, xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) bị lũ cắt đứt hoàn toàn. Ảnh: NGUYỄN CẦU

Cả vùng rộng lớn, bao gồm nhiều xã, phường của huyện Hòa Vang, các quận Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn... chìm trong biển nước.

Ngày 17-11, lũ ở Hòa Vang đã rút. Tuy vậy, hàng chục thôn vẫn bị cô lập hoàn toàn. Việc đi lại của người dân tại các thôn bị cô lập chỉ có thể bằng thuyền.

Trên chiếc thuyền nhỏ, cùng lãnh đạo thôn Bắc An (xã Hòa Tiến), chúng tôi đến ngôi nhà của ông Nguyễn Gia, bị sập do lũ lúc 0 giờ 5 phút ngày 17-11. Tại hiện trường, bức tường đầu hồi của ngôi nhà cấp 4 khá chắc chắn bị lũ đánh sập, kéo đổ phần lớn mái nhà; gạch, ngói, gỗ ngổn ngang. Chưa hết bàng hoàng, ông Gia kể lại: Lũ lên quá nhanh, trở tay không kịp. Khi nước ập vào nhà, vợ chồng chỉ kịp leo lên gác. Thế rồi, khoảng nửa đêm, phía đầu hồi nhà rung lắc, sau đó sập đổ ầm ầm. “May mà nhà chỉ sập có vậy, chứ sập thêm nữa chắc hai vợ chồng trôi ra sông có khi không ai biết”. Ông Nguyễn Văn Trình, Bí thư Chi bộ thôn Bắc An cho biết, cả thôn có 86 nhà đều bị ngập hết. Có nhà nước ngập sâu hơn 2m. Nước rút, thấp hơn hôm trước hơn 1m, song nhiều nhà vẫn bị ngập chìm trong lũ.

Xói lở nghiêm trọng

Sáng 17-11, đường ADB5 từ xã Hòa Tiến đi Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang hết ngập, để lộ nhiều đoạn phía bờ ta-luy âm bị lũ gây xói lở rất nghiêm trọng. Nhiều đoạn bị xói lở vào tận nền đường nhựa. Hàng chục trụ đèn chiếu sáng dọc đường này đã nằm dưới nước. Cầu Đá trên đường ADB5, đoạn qua thôn La Bông bị sập mố, ô-tô không thể lưu thông. Ông Nguyễn Đình Anh, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết: Lũ đợt này lớn hơn lũ năm 2010 rất nhiều. Toàn xã có 7 thôn bị ngập hoàn toàn, ít nhất hơn 3.000 ngôi nhà bị ngập từ 1 đến hơn 2m. Xã đã chủ động sơ tán khoảng 500 hộ vùng thấp trũng đến nơi an toàn.   

Xã Hòa Nhơn cũng là một trong các địa phương bị ngập nặng trong đợt lũ này. Ông Nguyễn Tấn Phát, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có 928 nhà bị ngập, trong đó nhiều nhà bị ngập hơn 2m, xã đã sơ tán kịp thời cho 400 hộ.

Sáng 17-11, trên địa bàn xã Hòa Ninh mưa khá to. Nước trên các con suối chảy cuồn cuộn. Đường bê-tông tại thôn 1 bị lũ cuốn trôi 2 đoạn, tổng chiều dài khoảng 200m, cắt đứt hoàn toàn lối đi vào của 25 hộ ở tổ 3. Ông Huỳnh Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết: Đường bê-tông được đơn vị bộ đội làm rất chắc chắn, phía bờ suối được gia cố các rọ đá, thế mà lũ đổi dòng cuốn trôi đường. Nếu không khắc phục kịp thời, nhất là chỉnh lại dòng chảy của suối, chắc chắn tình trạng sạt lở vào khu dân cư sẽ rất nghiêm trọng. Tại xã Hòa Phú, đất trên núi sạt lở khoảng hơn 100m3 tấp đầy đường ĐT 604. Cơ quan chức năng đã huy động xe cơ giới san ủi, đến sáng 17-11 đã tạm lưu thông.

Trao đổi về công tác chống lũ của địa phương, ông Huỳnh Văn Thới, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) huyện Hòa Vang cho rằng, lũ lên rất nhanh và lớn hơn đợt lũ năm 2009 và 2010. Tuy vậy, nhờ chuẩn bị chu đáo, triển khai chống lũ kịp thời của địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”, nên tuyệt đối an toàn về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản. Ít nhất hàng trăm héc-ta hoa màu bị hư hỏng, hàng chục héc-ta ao hồ nuôi trồng thủy sản bị mất trắng. Huyện đang triển khai phương án khắc phục hậu quả, với phương châm lũ rút đến đâu khắc phục đến đó. Trong đó, đặc biệt chú trọng khâu vệ sinh, thu dọn bùn rác tại các trường học, sớm đưa việc dạy học trở lại bình thường. Huyện cũng đã có văn bản đề nghị các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang về giúp dân khắc phục hậu quả lũ.

Ngập nặng nhiều khu vực

Do nước lũ trên sông Cẩm Lệ dâng cao và lượng mưa lớn, từ 1-2 giờ ngày 16-11, nhiều khu vực dân cư ở quận Cẩm Lệ và vùng ven sân bay Đà Nẵng thuộc quận Thanh Khê, Hải Châu ngập nặng, nhiều nhà dân bị ngập sâu đến 1m.

Nước sông Cẩm Lệ dâng lên đạt đỉnh lúc 13 giờ ngày 16-11 với mức 2,67m, cao hơn báo động 3 là 0,17m đã làm ngập nhiều nhà dân, lán trại ven sông.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Nước sông Cẩm Lệ dâng lên đạt đỉnh lúc 13 giờ ngày 16-11 với mức 2,67m, cao hơn báo động 3 là 0,17m đã làm ngập nhiều nhà dân, lán trại ven sông. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tại quận Cẩm Lệ, lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 15-11 đến 7 giờ ngày 16-11 lên đến 232mm. Từ 2 giờ ngày 16-11, tuyến quốc lộ 14B đoạn qua cống Lò Vôi (đường Cách mạng Tháng Tám) gần cầu vượt Hòa Cầm ngập sâu, khiến các phương tiện giao thông qua lại khó khăn. Trong lịch sử, đường Cách mạng Tháng Tám chỉ ngập sâu đoạn khoảng 50m xung quanh cống Lò Vôi, nhưng nay dù cống Lò Vôi và cống ngang qua đường Nguyễn Nhàn đã được mở rộng khẩu độ, vẫn bị ngập sâu vào kéo dài khoảng 400m đoạn từ đường Lê Kim Lăng đến cầu vượt Hòa Cầm (lúc 12 giờ ngày 16-11) do mưa lớn. Lượng mưa đo được tại Cẩm Lệ từ 7 giờ đến 14 giờ ngày 16-11 là 210mm và nước sông Cẩm Lệ dâng lên, đạt đỉnh lúc 13 giờ ngày 16-11 với chiều cao 2,67m, trên mức báo động 3 là 0,17m.

Nước cũng tràn tuyến kênh Phong Bắc gây ngập sâu đường Nguyễn Nhàn. Các tuyến đường kiệt liên tổ 5 đến tổ 7, tổ 9 đến tổ 10A, phường Hòa Thọ Đông đã bị ngập sâu 1,5m, nhiều nhà dân bị ngập sâu hơn 1m và phải di dời lên nơi cao ráo tránh ngập lụt từ lúc 2 giờ ngày 16-11. Người dân trong khu vực cho rằng, đây là trận ngập lụt lịch sử, bởi từ trước đến nay, dẫu mưa lớn đến cỡ nào thì các tuyến đường kiệt nói trên cũng chỉ bị ngập sâu đến tối đa 0,7m. Mặc dù trời tạnh mưa từ 14 giờ ngày 16-11, nhưng đến 10 giờ ngày 17-11, các tuyến đường kiệt vẫn còn ngập sâu từ 0,3-0,6m.

Ở phường Hòa Thọ Tây, với sự giúp sức của 30 dân quân thường trực, 200 hộ dân ở ven sông Túy Loan và khu vực thấp trũng thuộc các tổ 4, 5, 6, 7, 8 và 9 đã được di dời đến nơi cao ráo từ 1 giờ ngày 16-11. Hàng chục hộ dân bị ngập sâu hơn 1m ở khu vực Cẩm Nam, phường Hòa Xuân cũng phải di dời đến nơi cao ráo.

Do trời mưa lớn và phải nhận lượng nước khổng lồ chảy ra từ sân bay Đà Nẵng làm ngập sâu từ 0,3-0,6m khoảng 20 nhà dân bên bờ kênh Phần Lăng 2 thuộc tổ 98, phường An Khê, quận Thanh Khê từ lúc 2 giờ ngày 16-11. Đến rạng sáng, sau khi UBND quận Thanh Khê và phường An Khê thuê xe múc vớt hết cỏ bèo, củi mắc lại dưới chân cầu Gió Bay (cầu qua đường Nguyễn Công Hãng), nước mới rút về phía đường Điện Biên Phủ, nhưng nhiều nhà vẫn lội bì bõm.

Nước cũng tràn kênh Phần Lăng 1 làm ngập các tuyến đường như: Cù Chính Lan, An Xuân 1, An Xuân 2, Nguyễn Đình Tựu, Hà Huy Tập… Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cùng các đơn vị chức năng đã huy động nhân lực, xe máy tiến hành vớt cỏ, bèo, rác đang làm tắc nghẽn dòng chảy của tuyến kênh Phần Lăng 1, Khe Cạn, khu vực Hồ Tây thuộc quận Thanh Khê, khơi thông dòng chảy về sông Phú Lộc.

Trong khi đó, ở đường kiệt 642 Trưng Nữ Vương (thuộc phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu), nước từ dưới tuyến cống hộp thoát nước từ sân bay Đà Nẵng ra tuyến cống hộp Tây Nam Hòa Cường tràn lên (qua các hố thu nước mưa từ khu vực dân cư xuống cống) gây ngập sâu đường kiệt từ 0,4-0,7m và làm ngập nhiều nhà dân.

Hôm nay, học sinh vùng lũ đi học trở lại

Chiều 17-11, Phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang cho biết, toàn huyện có 6 trường mầm non, 5 trường tiểu học và 2 trường THCS bị ngập, không có thiệt hại về người và tài sản. Theo ông Lê Văn Phước, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang, sau khi thấy mưa lớn và có khả năng xảy ra lũ, ngày 15-11, Phòng GD-ĐT đã nhanh chóng chỉ đạo các trường học trên địa bàn tiến hành dọn dẹp, kê các trang thiết bị dạy học, sách… lên cao nhằm tránh hư hỏng. Sau khi nước lũ rút, sáng 17-11, khoảng 150 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội phối hợp cùng ban giám hiệu các trường học trên địa bàn dọn dẹp bùn non, vệ sinh trường lớp.

Đến chiều 17-11, ban giám hiệu các trường phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn tiến hành phun thuốc khử trùng, xử lý môi trường bảo đảm cho học sinh đến trường trở lại trong sáng nay, thứ hai (18-11).

Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố cho hay, có khoảng 70% các trường học nằm ở địa bàn huyện Hòa Vang bị ngập, nhưng không có trường hợp nào bị thiệt hại về người và tài sản. Ngay sau khi lũ rút, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường học bị ảnh hưởng lũ nhanh chóng khắc phục hậu quả để tổ chức dạy học trở lại trong ngày 18-11.

NGỌC ĐOAN

NGUYỄN CẦU - HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.