Bên cạnh vùng nông thôn rộng lớn huyện Hòa Vang chìm sâu trong đợt lũ lụt vừa qua, quận Cẩm Lệ cũng là địa phương gánh chịu nhiều thiệt hại. Lũ đi qua, những bất cập về thiết kế hạ tầng cần được nghiên cứu và kế hoạch đầu tư cải thiện hạ tầng đô thị đang được đặt ra.
Do tắc nghẽn thoát nước cống Lò Vôi trên đường Cách mạng Tháng Tám, khu vực UBND phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ vốn có cao trình tần suất lũ P5% bị chìm trong biển nước. |
Ông Trần Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, cho biết trận lụt ngày 15 và 16-11 vừa qua ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sinh hoạt của người dân và công tác phòng chống lụt bão ở địa phương. Đây là trận lụt lớn, đột ngột, lần đầu xuất hiện sau nhiều năm quận Cẩm Lệ đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng đô thị. Do đó, địa phương chưa có kịch bản để đối phó mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm ứng phó trước thiên tai, lũ lụt.
Tại quận Cẩm Lệ, có 5/6 phường chìm trong nước lụt và trong số này có nhiều phường lân cận vùng trung tâm thành phố. Toàn quận có 470 hộ với 1.634 nhân khẩu phải di dời tránh lụt. Nặng nhất là khu vực phường Hòa Thọ Đông với 18 tổ dân phố, 240 hộ và 600 nhân khẩu bị ngập lụt; phường Hòa Thọ Tây có 145 hộ, 703 nhân khẩu; phường Hòa Xuân có 69 hộ với 265 nhân khẩu chạy lụt. Tại các phường Hòa Phát, Hòa An, lụt diễn ra cục bộ nhưng cũng ảnh hưởng đến 16 hộ dân.
Tình trạng ngập lụt diễn ra ở phường Hòa Xuân được cải thiện đáng kể nhờ việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới Hòa Xuân. 69 hộ bị ngập lụt tại các thôn Cẩm Nam, Tùng Lâm, Cồn Dầu, Cẩm Chánh, Trung Lương, Lỗ Giáng thuộc diện di dời giải tỏa nhưng hiện người dân chưa bàn giao mặt bằng, còn sinh sống trên khu vực quy hoạch.
Bất cập về thiết kế hạ tầng
Ông Trần Anh Đức phân tích, tình trạng ngập lụt ở quận Cẩm Lệ là do bất cập từ thiết kế và đầu tư hạ tầng giao thông. Khu vực các phường Hòa Thọ Đông, Hòa Phát và Hòa An không chịu tác động của thủy điện xả lũ mà vẫn bị ngập bởi nguyên nhân trên. Khu vực Hòa An có tuyến kênh Yên Thế - Bắc Sơn thoát nước ra khu vực Đa Cô bị tắc nghẽn, các phường Hòa Phát và Hòa Thọ Đông bị tắc tuyến thoát qua cống Lò Vôi trên đường Cách mạng Tháng Tám ra kênh Bình Thái.
Hai tuyến cống trên được thiết kế theo dạng cống hộp với các thanh chống chịu lực, tạo vật cản và đùn rác làm giảm tác dụng thoát nước. Khi mưa lớn trên diện rộng, các lưu vực nước thoát từ Phước Tường, sân bay Đà Nẵng dồn về gây ngập cho các khu vực dân cư. Phía hạ lưu tuyến kênh 16 mét Bình Thái, phường Hòa Thọ Đông, mức nước thoát qua kênh rất thấp, có nơi cao từ 1- 1,5 mét. Rõ ràng thiết kế hệ thống cống thoát trên đường Tôn Đức Thắng và đường Cách mạng Tháng Tám không bảo đảm khả năng tiêu thoát nước.
Ở phía huyện Hòa Vang, việc đầu tư xây dựng tuyến đường 14B và đường ADB5 Hòa Tiến - Hòa Phong có cao trình cao nhưng thiếu thiết kế tuyến cống nên ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thoát nước, gián tiếp gây lũ lụt ở nhiều khu dân cư. Việc xói lở 12.000m3 trên đường Hòa Tiến - Hòa Phong đã được cảnh báo trước bởi năm 2011 đã bị sạt lở nghiêm trọng. Sở Giao thông vận tải đã đề xuất phương án hạ cao độ mặt đường tại 3 đoạn: Km 1+820 – Km 1+930 (dài 110m), Km 2+570 – Km 2+680 (dài 110m) và Km 3+770 – Km 3+880 (dài 110m) để xây dựng đường tràn bằng bê-tông, cao trình đường tràn thấp hơn cao trình mặt đường hiện trạng từ 0,8 – 1,0m. Trận lũ vừa qua đã vượt quá tần suất thiết kế của tuyến đường Hòa Tiến - Hòa Phong.
Những bất cập từ quy hoạch thiết kế hạ tầng đô thị, trong đó có hạ tầng giao thông và thoát nước, cần sớm được điều chỉnh và có phương án đầu tư nâng cấp để bảo đảm cho yêu cầu phát triển bền vững của thành phố.
Ông Nguyễn Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng, Sở Xây dựng: Việc thiết kế cao độ cốt nền trong đầu tư phát triển hạ tầng đô thị ở thành phố đảm bảo được cao trình chống ngập lụt. Tại khu đô thị Hòa Xuân, UBND thành phố đã cho phép thiết kế cốt nền theo cao trình đỉnh lũ 5% tương ứng với khả năng ngập lũ 20 năm mới diễn ra một lần. Trận lụt vừa qua, các khu dân cư mới tại Hòa Xuân vẫn dưới ngưỡng lũ, xóa tình trạng ngập lụt mà những năm trước luôn diễn ra. Các điểm ngập vừa qua do chưa san lấp mặt bằng để đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Xây dựng, việc thiết kế hạ tầng đô thị thực hiện ở thiết kế cao trình lũ từ 1 - 3% tương ứng 100 năm và 33 năm mới xảy ra ngập lụt. Nếu áp dụng theo quy định này, thành phố sẽ hình thành những quả núi, các khu dân cư cũ lại chìm sâu”. |
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG