Nhiều tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên đang đối mặt với đợt lũ lịch sử. Nhiều tuyến đường bị chia cắt, hàng ngàn hộ dân đang bị cô lập. Riêng Bình Định đã có 13 người chết và mất tích.
Bình Định: Sập cầu, 2 người bị cuốn trôi
Vào khoảng 7 giờ 16-11, dòng nước đổ về chảy xiết, xoáy rất mạnh vào chân cầu Bình Định (thị xã An Nhơn) đã làm đứt gãy một đoạn cầu dài khoảng.
Hai người đi qua đây bị nước lũ cuốn trôi, 1 người may mắn bám trụ vào cây trứng cá phía dưới chân cầu đã được lực lượng cứu hộ cứu sống, người còn lại bị nước lũ cuốn trôi, đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Cầu Bình Định bị đứt gãy |
Cầu sập khiến hệ thống giao thông tê liệt trên tuyến QL 1A bị tê liệt.
Tính đến 10h sáng 16-11, theo thống kê ban đầu trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có 13 người chết, mất tích; trong đó, thị xã An Nhơn có 4 người chết và 3 người mất tích, huyện Tây Sơn có 3 người chết, huyện Hoài Ân 1 người chết, Vân Canh 1 người mất tích và TP Quy Nhơn có 1 người mất tích.
Trên tuyến QL 1A, do nước lũ chia cắt tại khu vực đầu cầu Tân An (địa phận giáp ranh giữa thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước), hệ thống giao thông bị tê liệt hoàn toàn; tình trạng phương tiện nối dài nằm ùn ứ kéo dài hơn 6 cây số diễn ra hơn 10 giờ đồng hồ.
Cũng trong sáng 16-11, 120 cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Duyên hải Nam Trung bộ điều động 4 ca nô, cấp tốc cứu hộ hàng chục hộ dân sinh sống tại các khu vực Gò Ké, thôn Quảng Tín và thôn Phú Mỹ 1, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) bị nước lũ chia cắt, cô lập.
Nước lũ tiếp tục dâng cao |
Tại Quảng Ngãi, ông Phạm Trường Thọ, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tới thời điểm hiện tại đã có 3 người chết và 3 người mất tích vì lũ. Mực nước trên nhiều sông lớn như sông Vệ, sông Trà Cầu dâng cao từ chiều qua hiện đã rút nhưng chậm. Nhiều huyện vẫn bị nhấn chìm trong biển nước, trong đó 54 thôn thuộc các xã huyện Nghĩa Hành bị cô lập hoàn toàn. Nhiều huyện miền núi như Ba Tơ, Đức Phổ, Mộ Đức... bị sạt lở, các tuyến đường bị hư hỏng nặng vẫn chưa thể tiếp cận được. Thiệt hại về cơ sở vật chất vẫn chưa thể thống kê.
Mưa lớn kéo dài từ 13h hôm qua đến 9h sáng nay đã khiến cho huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) tan hoang. Sạt lở núi nghiêm trọng gây tắc nghẽn giao thông trên quốc lộ 24. Tuyến giao thông từ Quảng Ngãi đi tỉnh Kon Tum cũng bị ách tắc nhiều ngày do nhiều điểm sạt lở núi kéo theo đất, đá chắn ngang đường.
Hiện có khoảng 4.000 hộ với hơn 16.000 người dân vẫn còn bị cô lập do lũ cuốn trôi cầu bắc ngang qua sông Liêng, sông Tô và nhiều tuyến đường bị tắc nghẽn giao thông. Nhiều cầu, cống, cơ sở hạ tầng, nhà cửa nhân dân bị lũ gây sạt nặng; hàng nghìn gia súc, gia cầm cũng bị cuốn trôi trong dòng nước lũ.
Ông Huỳnh Thương, Phó chủ tịch huyện Ba Tơ cho biết, do nước lũ dâng quá nhanh, chiều tối qua, người dân trong huyện chỉ biết tháo chạy, toàn bộ tài sản gần như bị cuốn trôi hết. Thiệt hại về vật chất ước tính lên gần 100 tỷ đồng.
Nhiều hộ dân sống trong vùng nguy hiểm đã được di dời khẩn cấp trong đêm. Mặc dù mưa nhỏ lại nhưng nhiều tuyến đường như Quốc lộ 24 và các tuyến đường về các xã bị sạt lở mạnh. Các xã như Ba Chùa, Ba Cung, Ba Giang... vẫn chưa thể liên lạc được. Nhiều trụ điện bị đổ, toàn huyện mất điện từ ngày hôm qua.
"Nếu tiếp tục mưa, tình trạng ngập lụt sẽ kéo dài, nhiều người dân sẽ phải nhịn đói", ông Huỳnh Thương nói. Địa phương đánh giá, thiệt hại từ cơn lũ dữ dội chưa từng có này không thể tính "ngày một, ngày hai" mà phải mất nhiều tháng mới có thể khắc phục.
Suốt từ chiều 15 đến tối 16-11, lũ lớn dâng cao vượt đỉnh lịch sử tràn sang QL1A khiến giao thông ách tắc nhiều giờ. |
Phú Yên: Người chết, nhà sập, lúa mùa ngập úng
Sáng ngày 16-11, nhiều người dân quanh vùng đến thăm viếng, chia buồn với người thân gia đình ông Đỗ Văn Lanh ở thôn Từ Nham (xã Xuân Thịnh, TX Sông Cầu).
Trước đó, sáng ngày 15-11 khi đang dùng thúng chai hành nghề mành tôm ông bị sóng lớn đánh lật úp, ngay lập tức người dân lặn tìm phát hiện đưa xác nạn nhân lên bờ.
Thống kê của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên, lũ lớn bất ngờ có 13 nhà bị sập, trong đó TX Sông Cầu 10 nhà, huyện Đồng Xuân 1 nhà; Tuy An 2 nhà.
Riêng tại huyện Tuy An có 42 ngôi nhà ở các xã An Cư, An Định, An Ninh Đông bị ngập nước, hơn 120ha lúa vụ mùa ở xã An Hòa, An Hiệp ngập úng hư hại nặng. Ngoài ra có 2.500m2 tôm thẻ chân trắng nuôi hồ cao triều được 2 tháng tuổi bị sốc nước ngọt chết trên 2,5 tấn thiệt hại 250 triệu đồng. Hơn 4 vạn con ốc hương nuôi bị vỡ bờ chết sạch thiệt hại 10 triệu đồng.
Ông Cao Văn Tiên, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: Do mưa to, gió lớn kết hợp với thủy triều lên, các khu vực xã An Cư, An Định, An Nghiệp, bị cô lập chia cắt và bị thiệt hại nặng.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, tuyến đường ĐT 641 từ huyện Tuy An lên huyện Đồng Xuân bị ngập, chia cắt giao thông, huyện Đồng Xuân bị cô lập.
Nhiều tuyến đường thuộc các xã Xuân Lãnh, Xuân Long và Xuân Sơn Bắc (Đồng Xuân) cũng bị nước lũ chia cắt.
Nước lũ làm hư hỏng với tổng chiều dài 155,974km, trong đó đất đào đắp18.230m3; nhựa đường 5.400m3; bê tông: 40m2; Bê tông nhựa: 20m2 . Tổng thiệt hại 3, 9 tỉ đồng.
Sáng ngày 16-11, hơn 717 hộ với 2.235 khẩu ở vùng rốn lũ huyện Đồng Xuân, TX Sông Cầu đang về nơi ở cũ.
Tuy nhiên, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên cho biết, hiện nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đang xả lũ với lưu lượng 3.700 m3/giây nhưng theo Trung tâm khí tượng thủy văn Nam Trung bộ dự báo trong 24 giờ tới lưu lượng nước đổ về hồ thủy điện sẽ đạt khoảng 7.000 m3/giây. Đo đó, có khả năng nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ sẽ nâng lưu lượng xả lên 5.000 m3/giây, dẫn đến nước trên sông Ba sẽ tiếp tục dâng nên vùng hạ du cần đề phòng.
Ông Đặng Văn Tuần, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ cho biết, nếu đạt đỉnh lũ, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ sẽ nâng lưu lượng xả lũ lên 5.000 m3/giây, dẫn đến nước trên sông Ba sẽ tiếp tục dâng, vùng hạ du cần đề phòng lũ quét.
Quảng Nam: Lũ chia cắt, đã có 1 người thiệt mạng
Mưa lớn liên tục trong 2 ngày qua tại địa bàn các huyện miền núi Quảng Nam, nước lũ thượng nguồn đổ về, hàng loạt hồ chứa thủy điện đồng loạt xả lũ với lưu lượng lớn khiến vùng hạ du bắt đầu ngập chìm trong nước…
Người dân phải đi lại bằng thuyền |
Mưa lũ đã gây chia cắt và cô lập hoàn toàn các huyện miền núi Nam - Bắc Trà My, Phước Sơn, Đông, Tây Giang và Nam Giang. Các tuyến đường về các huyện bị sạt lở đất và nước lũ chia cắt cục bộ.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Phước Sơn, trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn quyện dài hơn 100 km đã bị sạt lở hàng trăm điểm khiến giao thông trên tuyến đường này bị tê liệt từ tối hôm qua.
Đến sáng hôm nay (16-11), hàng trăm phương tiện giao thông bị ác tắc tại các đoạn km 1403+600,1385+ 400, 1363+600…
Tại địa bàn thị trấn Khâm Đức có gần 200 phương tiện xe ô tô, với hơn 800 khách vãng lai bị mắc kẹt không lưu thông được, các nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn tại địa bàn Phước Sơn trong tình trạng cháy phòng.
Tuyến đường đi 5 xã vùng cao của Phước Sơn đã bị cô lập hoàn toàn.
Mưa lớn nước thượng nguồn đổ về các hồ chứa thủy điện đồng loạt xả lũ khiến các huyện đồng bằng dọc theo sông Vu Gia - Thu Bồn nước dâng cao.
Rạng sáng 16-11, nước lũ bắt đầu dâng cao gây ngập nhà dân ở các huyện Nông Sơn, Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, TP Hội An…
Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Văn Hòa cho biết bắt đầu từ tối 15 đến sáng hôm nay (16-11) đã gây ngập hơn 1500 nhà dân tại địa bàn 7 xã của huyện từ 0,7 đến 1 mét nước.
Ngay trong đêm hôm qua huyện đã bắt đầu di chuyển 1.500 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu sống trong vùng bị ngập lụt sâu, nước chảy xiết, ven sông đến nơi cao ráo trú ẩn an toàn.
Hiện nước lũ đã và đang tấn công vào đô thị cổ Hội An. Các tuyến đường trong khu đô thị cổ gần sông Hoài nước dâng cao gây ngập nhiều nơi hơn 1 m nước.
Chủ tịch UBND TP. Hội An Lê Văn Giảng cho biết hơn 1000 hộ dân ở vùng thấp lụt các phường dọc ven sông đã được di chuyển đến nơi an toàn.
Tại Quảng Nam đã có 1 người thiệt mạng tại huyện Nông Sơn. Nạn nhân là bà Ngô Thị Chí (68 tuổi) thôn Dùi Chiêng 1, xã Phước Ninh bị nước lũ cuốn trôi vào chiều tối hôm qua (15-11) khi bà trên đường trở về nhà. Người dân đã phát hiện và vớt được xác bà Chí ngay sau đó.
Gia Lai, Kon Tum: Nhiều nơi bị ngập và chia cắt
Chiều 15-11, 2 cô giáo bị lũ cuốn trôi đã xác định được rõ danh tính. Hiện thi thể 1 cô giáo vẫn chưa được tìm thấy.
Tại địa bàn tỉnh Kon Tum, một trường hợp cũng bị lũ cuốn trôi trên đường đi làm về.
Quốc lộ 24 nối Kon Tum với Quảng Ngãi bị sạt lở khiến giao thông bị chia cắt. |
Theo báo cáo nhanh của Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng-chống lụt bão tỉnh Gia Lai, mưa lớn kéo dài trong suốt 2 ngày qua khiến mực nước các sông suối trên địa bàn dâng cao.
Đặc biệt tại các huyện phía đông nam tỉnh, mực nước đã lên đến mức báo động. Các hồ, đập thủy điện, thủy lợi đã tiến hành xả lũ.
Tại thị xã An Khê, toàn bộ các tuyến đường đi về các xã đến chiều 15-11 đã bị chia cắt hoàn toàn.
Tại đèo An Khê, nơi giáp ranh với tỉnh Bình Định (thuộc QL19) bị sạt lở nặng gây ách tắc giao thông từ trưa 15-11.
Trên địa bàn các huyện Kbang, Phú Thiện, Ia Pa, tị xã An Khê, Ayun Pa vẫn còn tiếp tục mưa rất to. Sáng 15-11, hồ thủy điện An Khê, hồ Ka Nát đã tiến hành xả lũ với lưu lượng lớn khiến cầu sông Ba trên QL19 có nguy cơ bị ngập.
Chiều tối ngày 15-11, QL19, đoạn qua thị xã An khê có nhiều nơi đã bị ngập và chia cắt. Các phương tiện tham gia giao thông không thể đi lại. Tuyến đường đi vào huyện Kbang cũng đã bị chia cắt hoàn toàn do ngập cầu suối Vôi.
Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão thị xã An Khê đang khẩn cấp di dời các hộ dân ở các xã, phường có nguy cơ bị ngập đến nơi an toàn. Các huyện Kbang, an Khê đã có nhiều thiệt hại về tài sản và hoa màu.
Tình hình mưa lớn vẫn đang kéo dài, đập thủy lợi Ayun Hạ đến tối 15-11 cũng đã thông báo xả lũ.
Theo nhận định của cơ quan chức năng tỉnh, tình hình mưa lớn kéo dài trong suốt 2 ngày qua, cùng với việc xả lũ với lưu lượng lớn từ các hồ, đập thì rất có khả năng mực nước sẽ dâng cao hơn cây bão lịnh sử cuối năm 2009.
Cho đến hiện tại, đã xác định được danh tính của 2 cô giáo bị nước lũ cuốn trôi khi đang trên đường đi dạy tại xã Kon Lơng Khơng (Kbang) vào sáng sớm ngày 15/11. Cô Nguyễn Thị Hằng Nga (SN 1991, trú tại, thị trấn Kbang, là giáo viên mẫu giáo) đã được tìm thấy xác.
Cô Nguyễn Thị Yến (SN 1980, cùng trú tại thị trấn Kbang, đang là giáo viên tiểu học) vẫn đang được các cơ quan chức năng khẩn trương tổ chức tìm khiếm. Chiều cùng ngày, chiếc xe máy của cô Yến đã được tìm thấy gần vị trí xảy ra sự cố.
Theo báo cáo mới nhất của Ban phòng chống lụt bảo tỉnh Kon Tum, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thiệt hại do mưa lũ. Cho đến chiều 15-11, đã xảy ra một trường hợp bị lũ cuốn trôi.
Nạn nhân là chị Y Hiên, trú tại xã Đăk Nên, huyện Kon Plông đã bị nước lũ cuốn trôi (chiều 15-11) trong khi trên đường đi làm về qua suối. Thi thể của nạn nhân đã được tìm thấy sau vài giờ.
Lượng mưa trên đia bàn tỉnh này cũng kéo dài trong 2 ngày qua với cường độ rất lớn. Mực nước các sông, suối trên địa bàn đang dâng rất cao. Tại các huyện Kon Plông, Kon Rẫy, Đăk Glei nhiều tuyến đường như tỉnh lộ, đường Đông trường sơn, đường Hồ Chí Minh, QL24… bị sạt lở, ngập nước chia cắt, gây ách tắt giao thông. Nhiều cầu, cống bị nước cuốn trôi.
Một số trường học bị ngập nước. Nhiều công trình nước sinh hoạt đã bị hư hỏng nặng.
Vietnamnet/VnExpress