.

Nâng cao đạo đức công vụ theo tinh thần "5 xây", "3 chống"

.

(ĐNĐT) - Ngày 1-11, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 20-10-2003 về việc tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống; kiên quyết chống các hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, cửa quyền, hách dịch đối với nhân dân của cán bộ, công chức các cấp; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 14-4-2004 về việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Đồng chí Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì hội nghị.

6 bài học kinh nghiệm

Hội nghị đã đánh giá: Quá trình thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU và Nghị quyết 09-NQ/TU diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố có những chính sách quan trọng, đột phá để thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đà Nẵng đã có thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống nhân dân thành phố.

Bí thư Thành ủy Trần Thọ phát biểu tại hội nghị
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đóng góp vào những thành tựu đó, thành phố được ghi nhận là địa phương có nhiều chủ trương, cách làm mới, sáng tạo và đạt hiệu quả trong công tác CCHC, chất lượng phục vụ công dân và tổ chức, doanh nghiệp ngày càng được cải thiện rõ rệt. Các mục tiêu quan trọng đã đạt được:

Thứ nhất, đã thiết lập thể chế pháp lý phù hợp, huy động được sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính trị vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo định hướng Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo cơ chế năng động để thành phố phát triển nhanh.

Thứ hai, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, cải tiến lề lối làm việc; chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ngày càng được nâng cao; chính quyền các cấp vững mạnh, đủ sức bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành và chất lượng phục vụ nhân dân, tạo được sự đồng thuận cao.

Thứ ba, các mục tiêu về xây dựng một bộ máy hành chính chuyên nghiệp và hiện đại cũng đã đạt nhiều kết quả bước đầu khá quan trọng làm tiền đề cho những nỗ lực tiếp theo.

Từ những thành công này, Đà Nẵng đã đúc rút bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, sự quan tâm của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành, đôn đốc kiểm tra thường xuyên của lãnh đạo các cấp. Ở đâu, người đứng đầu gương mẫu, thể hiện quyết tâm cao và có giải pháp thiết thực thì ở đó các hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm của đảng viên, CBCCVC được đẩy lùi, hiệu quả CCHC được nâng cao, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Thứ hai, thường xuyên nghiên cứu triển khai giải pháp mới để từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của bộ máy nhà nước. Ở đâu, tinh thần, thái độ và cung cách phục vụ nhân dân tốt, công tác CCHC, chống quan liêu, tiêu cực trong đội ngũ CBCCVC mang lại nhiều chuyển biến tích cực thì ở đó trình độ, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, CBCCVC được thể hiện rõ nhất.

Thứ ba, CCHC, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong CBCCVC phải gắn liền với Quy chế thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị, địa phương; phát huy được sức mạnh tập thể, tạo sự đồng thuận cao cùng thực hiện, giám sát, kiểm tra, góp ý hoàn thiện hơn; các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, tiêu cực dần được khắc phục, tạo được sự đồng tình, ủng hộ trong nhân dân.

Thứ tư, CCHC, chống quan liêu, tiêu cực trong đội ngũ CBCCVC phải gắn với thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, lặp đi lặp lại tại từng đơn vị để tạo kết quả chuyển biến thực sự và rõ nét về kỷ luật, kỷ cương, năng lực quản lý, điều hành và chất lượng phục vụ.

Thứ năm, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan thông tấn báo chí cũng đã góp phần rõ nét vào kết quả thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU.

Thứ sáu, CCHC, chống quan liêu, tiêu cực trong đội ngũ CBCCVC là sự phấn đấu kiên trì, có sự đầu tư cả về quyết tâm, ý thức trách nhiệm, thời gian và các điều kiện vật chất, kinh phí cần thiết; quan tâm đến công tác cán bộ; xây dựng và có chính sách phù hợp với đội ngũ CBCCVC năng động, sáng tạo trong quá trình thực thi nhiêm vụ.

Bí thư Thành ủy Trần Thọ tặng Bằng khen cho 17 tập thể có thành tích xuất sắc
Bí thư Thành ủy Trần Thọ tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thực hiện "5 xây", "3 chống"

Hội nghị đã nghe trình bày và góp ý vào dự thảo chỉ thị mới nhằm tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ nhân dân. Theo đó, dự thảo gồm các nội dung và giải pháp trọng tâm: Xây dựng và phát triển đội ngũ CBCCVC các cấp; nâng cao hơn nữa đạo đức công vụ theo tinh thần "5 xây" và "3 chống".

Nội dung “5 xây” gồm:

Trách nhiệm: Xây dựng tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp trong thực thi công vụ, trách nhiệm đối với nhân dân của CBCCVC, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trên cơ sở quy định rõ, công khai quy trình, cơ chế trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm cá nhân trong mối quan hệ với tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, trong việc phối hợp thực hiện hoạt động công vụ và tổ chức có hiệu quả thanh tra công vụ.

Chuyên nghiệp: Xây dựng đội ngũ CBCCVC có kiến thức chuyên môn sâu, kỹ năng làm việc thành thạo, hiệu quả, gắn với từng vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của CBCCVC. Nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp, đảm bảo tuyển dụng công chức, viên chức phải trên cơ sở cạnh tranh, thực tài, bố trí cán bộ trên cơ sở yêu cầu tiêu chuẩn chức danh; chú trọng khâu đánh giá năng lực, kết quả làm việc của CBCCVC đảm bảo chính xác, khách quan; có cơ chế phát huy động lực làm việc, tạo môi trường làm việc, khuyến khích sự sáng tạo, cống hiến.

Trung thực: CBCCVC hình thành thói quen và trách nhiệm tự đánh giá bản thân, đánh giá và báo cáo tình hình công tác chuyên môn đúng bản chất sự việc, không nói quá, nói tránh dữ liệu, số liệu, kết quả so với thực tiễn; cung cấp thông tin chính xác, khoa học và có cơ sở tin cậy cho nhân dân và cấp có thẩm quyền khi có yêu cầu. Các cơ quan, đơn vị đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin chuyên ngành; xây dựng cơ chế công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động quản lý; áp dụng các biện pháp quản lý và giám sát tính trung thực trong việc thông tin, báo cáo; nâng cao năng lực tổng hợp, dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch sát với thực tiễn.

Kỷ cương: Xây dựng thói quen, nền nếp tuân thủ kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện tốt phương châm “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối, tác phong làm việc của CBCCVC. Người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải quan tâm và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc CBCCVC tuân thủ kỷ luật, kỷ cương, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế hoạt động của cấp uỷ đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, qua đó phát hiện, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm.

Gương mẫu: Mỗi CBCCVC phải là người tiên phong, gương mẫu, đi đầu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu cấp uỷ đảng, cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng, phát huy các điển hình tiêu biểu, gắn với hình thành, nhân rộng các mô hình hiệu quả, thiết thực trong thực thi công vụ; có hình thức tuyên dương, khen thưởng xứng đáng các tập thể, cá nhân gương mẫu, tiêu biểu.

Nội dung “3 chống"gồm:

Chống quan liêu: Mỗi CBCCVC, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp phải quán triệt sâu sắc, nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của CBCCVC là “công bộc của nhân dân”, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, mệnh lệnh hành chính, xa rời quần chúng và thực tế công việc; nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống biểu hiện thờ ơ, vô cảm khi tiếp xúc, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân và trước khó khăn của nhân dân. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát, tạo chuyển biến rõ nét về tác phong, thái độ của đội ngũ CBCCVC trong thực thi công vụ, nhất là trên các lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực.

Chống tiêu cực: CBCCVC khi thi hành công vụ tuyệt đối không được có hành vi tiêu cực, tham nhũng, hối lộ, lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, nhũng nhiễu nhân dân; đồng thời không tiếp tay, bao che các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Cấp uỷ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo tăng cường các hình thức tiếp nhận và xử lý dứt điểm, công khai kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị.

Chống bệnh hình thức: Tập trung đấu tranh, chống bệnh hình thức, phô trương, lãng phí trong mọi hoạt động công vụ; kiên quyết xoá bỏ các biểu hiện chạy theo thành tích, không quan tâm đầy đủ, toàn diện đến hiệu lực, hiệu quả và tác động của các chính sách quản lý, điều hành của Nhà nước; đặc biệt chống các biểu hiện của bệnh hình thức, tuỳ tiện trong thực thi pháp luật, xử lý vi phạm, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức các phong trào thi đua, các ngày kỷ niệm, hội nghị, hội thảo, tiếp khách, đi nước ngoài.

Mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi CBCCVC, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần thay đổi nhận thức, có thái độ nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá đúng thực tế, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc
Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phải tự soi rọi mình

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ khẳng định, trong 10 năm qua, những thành tựu rất lớn và rất rõ nét trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở Đà Nẵng với những cách làm sáng tạo, linh hoạt, nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân và được Bộ Chính trị đánh giá, ghi nhận. Kết quả đó xuất phát từ chính sự nỗ lực, đoàn kết, phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ CBCCVC của thành phố. Đó là điều đáng quý nhất và cũng tự hào nhất.

Bí thư Thành ủy cho biết, mặc dù còn gặp khó khăn, tuy nhiên thành phố đã luôn quan tâm đến công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức cho cán bộ các cấp của thành phố. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính đặc biệt được quan tâm, đạt nhiều kết quả rất lớn. Đà Nẵng là một trong những địa phương dẫn đầu về cải cách thủ tục hành chính với những cách làm mới, hiệu quả, mang lại sự hài lòng cao trong nhân dân….

Tuy vậy, bên cạnh những cán bộ gương mẫu, thật sự tận tụy, tận tâm và tâm huyết hết mình với công việc thì còn số ít cán bộ có những biểu hiện tha hóa, lệch lạc trong nhận thức và hành động. Thái độ chưa chuẩn mực với dân. Công tác cải cách thủ tục hành chính cần phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng lòng mong mỏi của người dân. Đây là điều cần đánh giá, nhìn nhận và chấn chỉnh kịp thời trong thời gian đến. Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp, các ngành, từng địa phương; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tự soi rọi mình. Đặc biệt, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo phải nêu cao tính gương mẫu. Vừa nghiêm túc thực hiện đúng tinh thần thượng tôn pháp luật nhưng cũng phải tích cực kiểm tra, giám sát cấp dưới để phát hiện, chấn chỉnh, uốn nắn những sai phạm trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Để thực hiện tốt điều đó, Bí thư Thành ủy đề nghị cần tiếp tục triển khai Chỉ thị "Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới". Trong đó, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tốt các nội dung và giải pháp trọng tâm; tập trung giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ CBCCVC các cấp, nâng cao hơn nữa đạo đức công vụ theo tinh thần “5 xây”, “3 chống”. Chú trọng quán triệt và phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong cải cách hành chính, quản lý CBCCVC thuộc quyền, gắn với thực hiện tốt Quy định số 5946-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy "Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp".

S.Trung - V.Dũng

;
.
.
.
.
.