.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

"Phải đảm bảo an toàn cho người dân vùng bão"

.

(ĐNĐT) - "Cần khẩn trương sắp xếp các tàu cá neo đậu vào khu vực an toàn cũng như đảm bảo tài sản của ngư dân; đồng thời, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, nếu ngư dân không chấp hành thì dùng biện pháp cưỡng chế" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại buổi kiểm tra công tác phòng chống bão số 14 tại Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) vào chiều 9-11.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kiểm tra công tác phòng chống bão tại Âu thuyền Thọ Quang
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kiểm tra công tác phòng chống bão tại Âu thuyền Thọ Quang

Đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền

Theo báo cáo từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng, hiện nay thành phố không còn tàu, thuyền nằm trong khu vực nguy hiểm trên biển. 1.838 tàu, thuyền đã neo đậu an toàn tại khu trú bão Thọ Quang và vịnh Mân Quang, hơn 140 tàu thuyền trên sông Hàn cũng về nơi trú tránh an toàn.

Ngoài ra, Ban Quản lý cảng cá Âu thuyền Thọ Quang cũng yêu cầu tất cả các chủ tàu không được để bình gas trên boong tàu để tránh va chạm, dẫn đến tình trạng cháy nổ; đồng thời, vận động ngư dân lên bờ tránh bão tại khu nhà chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng của thành phố Đà Nẵng, bằng mọi giá không để người ở lại trên tàu, nếu ngư dân không chấp hành thì dùng biện pháp cưỡng chế.

Dự kiến, các tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Phú Yên sơ tán 182.369 hộ/629.716 người ở 69 huyện, thị không an toàn; trong đó, Đà Nẵng di dời nhiều nhất với 45.920 hộ/162.388 người, Quảng Nam 43.768 hộ/146.476 người.

Theo báo cáo từ UBND thành phố Đà Nẵng, đến 17 giờ chiều nay (9-11), tất cả các quận, huyện trên địa bàn đã hoàn thành sơ tán dân vùng xung yếu đến nơi an toàn và người dân Đà Nẵng cũng rất ý thức trong công tác phòng, chống bão. Ngoài ra, lực lượng Quân khu 5 cũng chuẩn bị 2 máy bay trực thăng để sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Cũng trong chiều 9-11, Ban chỉ đạo tiền phương đối phó bão Haiyan (bão số 14) đã họp khẩn tại Đà Nẵng do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo tiền phương cho biết, hiện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm gửi Đại sứ quán các nước Trung Quốc, Philippines, Indonesia và Malaysia; Đại sứ quán Việt Nam tại các nước tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân và tàu thuyền Việt Nam vào trú tránh để được hỗ trợ trong trường hợp tai nạn.

Ban Quản lý cảng cá Âu thuyền Thọ Quang yêu cầu tất cả các chủ tàu không được để bình gas trên boong tàu để tránh va chạm, dẫn đến tình trạng cháy nổ.
Ban Quản lý cảng cá Âu thuyền Thọ Quang yêu cầu tất cả các chủ tàu không được để bình gas trên boong tàu để tránh va chạm, dẫn đến tình trạng cháy nổ.

Không chủ quan trước và sau bão

Trước tình trạng mưa lũ diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của bão số 14, Ban chỉ đạo tiền phương cho hay, hiện từ Thanh Hóa đến Phú Yên có 114 hồ chứa có hiện trạng yếu cần lưu ý về an toàn, trong đó có nhiều hồ có đập bị thấm mạnh, tràn xả lũ xuống cấp như hồ Đồng Bể (Thanh Hóa), Khe Sặt, Thanh Thủy (Nghệ An ), Đập Họ, Vực Rồng (Hà Tĩnh), Tôn Dung, Đá Bàn (Quảng Ngãi), Kim Sơn, Mỹ Đức, Hội Khánh (Bình Định).

Các tỉnh Tây Nguyên và Tổng công ty Cà phê có 51 hồ chứa hiện trạng yếu, trong đó nhiều hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, như: Đắk Hnia, Đắk Hniêng (Kon Tum), Đội 4, Hà Tam (Gia Lai), Đội 14 (Đắk Lắk), Thôn  (Lâm Đồng).

Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khẩn trương dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước 19 giờ ngày 9-11; hướng dẫn tàu thuyền về đúng nơi quy định, kiên quyết đưa ngư dân ra khỏi tàu, cưỡng chế hành chính nếu cần thiết để bảo vệ tính mạng ngư dân, kể cả công nhân, sinh viên. Tiếp tục chằng chống nhà cửa, kho tàng các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Việc đặt Ban chỉ đạo tiền phương tại Quân khu 5 và các địa phương trực tiếp theo dõi, kịp thời chỉ đạo cụ thể ứng phó với bão trên tinh thần 4 tại chỗ. Nhưng đồng thời, các lực lượng cần chủ động sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết, chuẩn bị sẵn phương tiện và con người để cứu dân, nếu để chết dân do chủ quan là trách nhiệm của chúng ta".

Phó Thủ tướng cho rằng, thường sau bão là lũ, với hoàn lưu lớn thế này thì lũ lụt sẽ rất lớn, vấn đề an toàn hồ đập, xả lũ cần quản lý chặt chẽ, phải có quy trình vận hành hồ kết hợp địa phương, chủ động thông tin kịp thời để người dân chủ động. Vì vậy, việc quản lý dân đi lại sau bão lũ rất quan trọng, bởi thường thì trong bão ít người chết nhưng sau đó chết rất nhiều.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng không để dân đói, bệnh tật, "màn trời chiếu đất" và đặc biệt, các ngành chức năng cần có phương án chủ động khắc phục sau bão, nhất là hệ thống điện, thông tin liên lạc, nước, nếu cần thì kiến nghị để Chính phủ kịp thời hỗ trợ. Các địa phương nơi chịu ảnh hưởng của bão số 14 phải thường xuyên trực, báo cáo, xử lý ở mọi cấp, ngành để kịp thời chỉ đạo trong mọi tình huống. Hiện bão số 14 đang di chuyển rất phức tạp, vì vậy, đơn vị nào, tỉnh thành nào chủ quan để bão gây thiệt hại sẽ bị xử lý nghiêm.

Hoàn thành di dời dân vùng xung yếu đến nơi an toàn

Cũng trong chiều 9-11, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ và Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đã kiểm tra các công trình trọng điểm của thành phố nhằm bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống bão số 14; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Tại công trình Trung tâm Hành chính thành phố, Bí thư Thành ủy Trần Thọ ghi nhận những nỗ lực của đơn vị thi công trong công tác chằng chống, gia cố các vị trí xung yếu có thể thiệt hại nặng nếu siêu bão Haiyan đổ bộ vào Đà Nẵng. Bí thư Thành ủy đề nghị UBND thành phố đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công bảo đảm an toàn hệ thống kính bao quanh tòa nhà. Đặc biệt, sơ tán người dân vùng có thể bị ảnh hưởng gần khu vực Trung tâm Hành chính thành phố.

Kiểm tra các công trình cao ốc văn phòng lớn đang thi công trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành ủy yêu cầu đơn vị thi công phải hạ thấp độ cao các cẩu tải; có biện pháp cảnh báo người dân không đi lại những vùng nguy hiểm có thể gây tai nạn ngã đổ trong quá trình bão đổ bộ vào thành phố.

Tiếp đó, Bí thư Thành ủy đến UBND phường Nại Hiên Đông và Mân Thái, quận Sơn Trà kiểm tra công tác di dời dân.

Tối 9-11, Bí thư Thành ủy đến kiểm tra công tác di dời dân trên địa bàn quận Liên Chiểu. Theo báo cáo của lãnh đạo quận Liên Chiểu, đến 17 giờ ngày 9-11, tất cả người dân vùng xung yếu được đưa đến nơi an toàn. Các nhu yếu phẩm như nước uống, mì tôm, thuốc men… được bố trí đầy đủ để sẵn sàng hỗ trợ cho người dân, sinh viên, công nhân sống tại các khu nhà trọ. Trong số những điểm được bố trí sơ tán trên địa bàn quận Liên Chiểu, hiện tại Trung tâm dạy nghề thành phố đang có hơn 1.000 dân được đưa đến sơ tán. Công tác phục vụ dân được tiến hành chu đáo, tận tình.

Theo báo cáo nhanh của các quận, huyện, đến 17 giờ ngày 9-11, công tác chuẩn bị, sơ tán dân, kêu gọi tàu, thuyền vào nơi trú ẩn an toàn tại Âu thuyền Thọ Quang được hoàn tất. Công tác phòng, chống lụt bão của Đà Nẵng được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao. Đặc biệt là huy động toàn hệ thống chính trị để phòng, chống siêu bão Haiyan, nâng cao ý thức người dân và cơ quan chức năng. Hầu hết người dân thành phố đã chủ động chằng chống nhà cửa; các cơ quan, công sở, doanh nghiệp bố trí người trực để phòng chống, hạn chế thiệt hại do siêu bão Haiyan gây ra.

 

Việt Dũng - Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.