.

Quyết định hợp lòng dân

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, với những nội dung bổ sung sửa đổi quan trọng, thay thế cho các Quyết định số 63 và 65/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản ban hành từ năm 2010. Có thể xem đây là những điều chỉnh chính sách tích cực, tháo gỡ một cách căn bản những vướng mắc, tác động trực tiếp đến việc nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất nông nghiệp, biểu hiện sự quan tâm đến lợi ích thiết thực của người nông dân.

Theo quy định trước đây, để được hưởng thụ chính sách ưu đãi (hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn trong hai năm đầu/50% trong năm thứ ba) các hợp tác xã/tổ hợp tác/người nông dân phải mua các loại máy móc thiết bị nằm trong chủng loại, danh mục được phép, với tỷ lệ nội địa hóa 60%. Điều kiện này trên thực tế rất khó đáp ứng, gây lúng túng cho cả người đi vay và ngân hàng cho vay, vì vậy kết quả triển khai những năm vừa qua còn nhiều hạn chế. Mặt khác, chất lượng máy móc thiết bị chế tạo trong nước còn kém nhiều mặt về tính năng và độ bền, không thực sự hấp dẫn đối với người sản xuất. Theo quyết định mới, đối tượng mua sắm máy móc thiết bị được mở rộng thông thoáng cả về chủng loại và phạm vi, bao gồm “các loại máy, thiết bị mới, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố theo quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa”, kể cả hướng mục tiêu hỗ trợ đến những lĩnh vực công nghệ mới, bảo vệ môi trường, như hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp…

Quyết định 68 được xem như là cơ hội mới cho ngành sản xuất nông nghiệp, bao gồm lĩnh vực ngành khai thác đánh bắt thủy sản, đang cần đến nguồn lực tài chính với quy mô lớn để đầu tư đổi mới trang thiết bị, nâng cấp trình độ cơ giới hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giảm tổn thất trước, trong và sau quá trình sản xuất. Nâng cao hiệu quả làm kinh tế là con đường căn bản nhất góp phần tăng mức sống và thu nhập cho người nông dân, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Chính sách này cần được phối hợp triển khai đồng bộ với chủ trương hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn, hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá do UBND thành phố Đà Nẵng ban hành mới đây, cần có sự vào cuộc thực sự của các ban, ngành có liên quan, các cấp chính quyền và hội đoàn thể, xây dựng những dự án, mô hình sản xuất hiệu quả cao, quy hoạch ổn định, phù hợp với đặc thù phát triển nông nghiệp hiện đại của thành phố Đà Nẵng.

Quyết định 68 chắc chắn sẽ mang lại những động lực mới trên lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng quá trình điều chỉnh chính sách hỗ trợ trong thời gian qua diễn ra quá chậm chạp. Mặc dù những chủ trương ban hành trước đó không thực sự đi vào cuộc sống, không hợp lòng dân, nhưng việc cập nhật chỉnh sửa, bổ sung phải mất gần 3 năm. Thời gian vốn dĩ là vàng bạc, âu quả vấn đề đáng suy ngẫm!  

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.