Ngày 4-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có văn bản giải trình ý kiến đại biểu Huỳnh Nghĩa (Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng) trong phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội ngày 31-10-2013 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Báo Đà Nẵng xin đăng tải nội dung giải trình này.
1- Về ý kiến của đại biểu “Đề nghị cần phải xóa bỏ trần lãi suất. Chuyển hệ thống lãi suất sang cơ chế lãi suất thị trường”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải trình: Trong nền kinh tế thị trường, các tổ chức tín dụng được chủ động trong hoạt động kinh doanh, lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng thực hiện theo cơ chế lãi suất thỏa thuận phù hợp với cơ chế quản lý và pháp luật của Nhà nước.
Trong điều kiện kinh tế vĩ mô chưa ổn định, thị trường tiền tệ có nhiều biến động thì Nhà nước cần có biện pháp hành chính nhằm kiểm soát, định hướng mặt bằng lãi suất theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thực tế cho thấy vào cuối năm 2010, do thanh khoản của các tổ chức tín dụng ở mức thấp, nhiều tổ chức tín dụng đua nhau tăng lãi suất huy động vốn để giải quyết khó khăn về thanh khoản, giành thị phần, gây xáo trộn thị trường tiền tệ và đẩy mặt bằng lãi suất cho vay cao.
Trước tình hình đó, để ổn định thị trường tiền tệ, được sự chấp thuận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã áp dụng trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ phát triển lĩnh vực này. Việc thực hiện giải pháp điều hành lãi suất này có vai trò quan trọng trong việc ổn định mặt bằng lãi suất thị trường trong những thời điểm thanh khoản của các TCTD gặp khó khăn, từng bước giảm mặt bằng lãi suất thị trường theo mục tiêu đề ra.
Từ đầu năm 2012 đến nay, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là diễn biến lạm phát và thị trường tiền tệ, NHNN đã điều chỉnh giảm mạnh đồng bộ các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất cho vay VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên; đối với trần lãi suất huy động bằng VND bên cạnh được điều chỉnh giảm phù hợp với diễn biến thị trường, còn từng bước được nới lỏng phạm vi áp dụng (tháng 6-2012 không áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, từ cuối tháng 6-2013 không áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên).
Đến nay, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND là 9%/năm được áp dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên đã hỗ trợ tích cực hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực này. Lãi suất huy động tối đa bằng VND ở mức 7%/năm chỉ áp dụng cho tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, phù hợp để TCTD có thanh khoản tốt có thể ấn định lãi suất thấp so với mức trần, TCTD có nhu cầu huy động vốn lớn có thể ấn định lãi suất huy động trong phạm vi mức trần.
Như vậy, mặc dù cơ chế trần lãi suất hiện nay đã từng bước được nới lỏng và tạo điều kiện thuận lợi cho TCTD áp dụng, nhưng trong điều kiện thanh khoản của các TCTD còn chưa đồng đều, một số ngân hàng nhỏ và yếu vẫn có nhu cầu huy động với lãi suất cao thì vẫn cần tiếp tục duy trì cơ chế trần lãi suất này. Trong thời gian tới, khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ổn định ở mức thấp, thanh khoản của hệ thống TCTD cải thiện đồng bộ, thị trường tiền tệ ổn định thì NHNN sẽ xem xét bỏ cơ chế trần lãi suất theo lộ trình và vào thời điểm phù hợp.
2- Về ý kiến của đại biểu:“Đánh giá khả năng tăng dư nợ tín dụng 12% năm nay và mức tăng cao hơn trong năm 2014”.
Chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng 12% cho cả năm 2013 được NHNN đưa ra trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm. Trong chỉ đạo, điều hành, NHNN không đặt ra nhiệm vụ cho các TCTD phải tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá mà yêu cầu các TCTD mở rộng tín dụng phải đi đôi với bảo đảm chất lượng, hiệu quả tín dụng.
Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các TCTD thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Kết quả cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu hồi phục, tồn kho hàng hóa giảm, tín dụng ngân hàng đang có xu hướng tăng dần trở lại. Đến cuối tháng 10-2013, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt mức 7,02%, thấp hơn so với chỉ tiêu 12% trong năm 2013 nhưng cao hơn so với mức của cùng kỳ năm 2012 (chỉ tăng 3,54%).
Qua theo dõi trong những năm gần đây, tín dụng thường tăng trưởng mạnh trong quý 4 (quý 4-2010 là 9,13%, quý 4-2011 là 5,44%, quý 4-2012 là 6,01%). Trên cơ sở kết quả đạt được trong những năm vừa qua, đặc biệt là trong năm 2012, cùng với các giải pháp đã và đang được hệ thống ngân hàng tích cực triển khai, thì NHNN có cơ sở để tin tưởng rằng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cuối năm 2013 sẽ đạt khoảng 11 - 12%.
Bên cạnh đó, để việc tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm không gây áp lực lên lạm phát, thời gian vừa qua, trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ, NHNN đã điều hòa lượng tiền trong lưu thông một cách hợp lý. Hiện nay, NHNN đang dự trữ một số vốn tương ứng để sẵn sàng cho việc tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm, do vậy không ảnh hưởng đến kế hoạch cung tiền của NHNN, nhờ đó sẽ kiềm chế được gia tăng của lạm phát nếu tín dụng có tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
Sang năm 2014, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; dự báo kinh tế trong nước sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, như sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, vấn đề bội chi ngân sách, nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ tăng... sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động và khả năng mở rộng tín dụng của hệ thống ngân hàng; về khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2014, NHNN sẽ nghiên cứu, phân tích kỹ tình hình và dự báo tình hình năm 2014 để điều hành tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp trong tổng thể điều hành chính sách tiền tệ, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế-xã hội.
(Còn nữa)