Thiên tai ngày càng khó dự báo, cực đoan và khốc liệt hơn. Vì vậy, các nước trong khu vực ASEAN phải liên kết và xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến đối phó với thảm họa của thiên tai.
Sự phá hủy tàn khốc của siêu bão Haiyan đã chỉ ra cho các nước cần thể hiện sự thống nhất thành một sức mạnh chung để đối phó với thiên tai. Trong ảnh: Siêu bão Haiyan tàn phá thành phố Tacloban, đảo Leyte (Philippines). Ảnh: Reuters |
Đây là vấn đề được các đại biểu nêu ra tại hội nghị “Đối tác nhằm thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER) do Bộ NN&PTNT phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức tại Đà Nẵng ngày 28-11.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: Với tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu, thiên tai đang có xu hướng khó dự báo hơn, cực đoan và ngày càng tàn khốc hơn. Chỉ trong thập niên qua trên thế giới và khu vực đã xảy ra những biến cố về thiên tai quá mức dự báo của con người, như bão Nargis đổ bộ vào Myanmar năm 2008 làm làm chết 90.000 người và hơn 56.000 người mất tích, động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) làm chết hơn 70.000 người; lũ lụt ở Thái Lan năm 2011, động đất và sóng thần ở Nhật Bản tháng 3-2011 làm hàng chục nghìn người thiệt mạng. Mới đây nhất, siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippines làm chết, mất tích hơn 4 nghìn người, hàng triệu người mất nhà cửa. Cách đây hơn 10 ngày, sau cơn bão số 15, trận lũ lịch sử đã nhấn chìm hàng trăm làng mạc tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam trong biển nước làm 46 người chết và mất tích… “Hậu quả của thiên tai làm xáo trộn cuộc sống của hàng trăm triệu người trong khu vực, nhất là vùng nông thôn, vượt qua khả năng ứng phó của mỗi quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Thực tế đó, đòi hỏi các nước trong khu vực ASEAN nói riêng, trên thế giới nói chung phải liên kết và xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến đối phó với thảm họa của thiên tai”, ông Diệu khuyến nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, sự phá hủy tàn khốc của siêu bão Haiyan tại Philippines đã chỉ ra cho các nước ASEAN cần thể hiện sự thống nhất thành một sức mạnh chung, một tiếng nói chung để huy động các nguồn lực đặt dưới sự điều hành của Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo và ứng phó khẩn cấp ASEAN (Trung tâm AHA) và Ban Thư ký ASEAN. Bên cạnh đó, cần phải củng cố hơn nữa các cơ chế đối thoại với các quốc gia, các đối tác trong khu vực và trên thế giới để có sự phối hợp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, khi thiên tai thảm họa xảy ra tại quốc gia nào đó trong khu vực.
Được các quốc gia thành viên ASEAN thông qua năm 2009, Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER) góp phần rất lớn trong hợp tác, điều phối, hỗ trợ kỹ thuật và huy động mọi nguồn lực hỗ trợ nhân đạo cho các nước thành viên bị thiên tai tàn phá. Giai đoạn 1 của chương trình đã đạt nhiều kết quả rất lạc quan. Bước vào giai đoạn 2 của chương trình các nước đều cam kết tăng cường hơn nữa năng lực của các quốc gia thành viên ASEAN trong các lĩnh vực của quản lý thiên tai, từ đánh giá rủi ro, cảnh báo sớm, giám sát, giảm thiểu rủi ro thiên tai đến phòng ngừa thảm họa, ứng phó và hồi phục sau thiên tai. Từ hội nghị lần này, ASEAN đề nghị các quốc gia thành viên và các đối tác tiếp tục có sự hỗ trợ thiết thực nhằm giúp làm nhẹ bớt nỗi đau khổ của các cộng đồng bị thiên tai tàn phá thời gian qua, sớm ổn định đời sống.
Tham gia hội nghị có đại diện 35 quốc gia trên thế giới, trong đó có Australia, Canada, Ủy ban châu Âu, Nhật Bản, New Zealand, Mỹ, Anh… và đại biểu các tổ chức xã hội dân sự, Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ thế giới, Trung tâm Phòng chống thiên tai châu Á, Trung tâm thiên tai Thái Bình Dương và các tổ chức của Liên Hợp Quốc. Trung Quốc là nước được mời nhưng không có đại biểu tham dự. Trước khi khai mạc, hội nghị đã dành một phút mặc niệm các nạn nhân ở Philippines bị thiệt mạng do siêu bão Haiyan. |
NGUYỄN CẦU