(ĐNĐT) – “Mỗi lần nghe có bão, cả khu dân cư ở đây lại lo mất ăn, mất ngủ. Nhà nhà đi xúc cát, người người đổ xô đi mua dây thép để cột lại nhà cẩn thận; tốn sức, tổn của cũng nhiều lắm nhưng chẳng ăn thua với sức tàn phá của bão lớn. Bây giờ gia đình tôi bớt lo rồi vì nhà được xây dựng “chắc cú” nhờ có nguồn vốn vay hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Đà Nẵng” – chị Hoài ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng vui mừng nói.
“Nhà xây kiểu này thì sợ chi bão”
Những cơn bão mạnh liên tiếp đổ bộ vào Đà Nẵng trong thời gian qua đã đánh sập và làm tốc hàng nghìn căn nhà. Thế nhưng, gần 250 ngôi nhà cấp 4 được xây dựng từ nguồn vốn vay hỗ trợ của Hội LHPN thành phố Đà Nẵng lại không hề hấn gì.
Trong ảnh: Người dân ra biển xúc cát về chằng chống nhà cửa |
Ghé nhà chị Lê Thị Hoài ở phường Mân Thái, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy căn nhà cấp 4 của gia đình chị không bị hư hỏng gì khi Đà Nẵng vừa phải hứng chịu liên tiếp các cơn bão dữ. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới, chị Hoài chia sẻ: Trước đây khi nghe có bão đổ vào là cả gia đình lại thấp thỏm lo lắng. Người chạy đôn chạy đáo lấy cát, người tranh thủ đi mua đinh, dây thép để chằng chống cẩn thận nhà cửa. Tốn công, tổn của là vậy nhưng cũng chẳng ăn thua với sức tàn phá của bão lớn. Đấy cuối năm 2012, căn nhà của gia đình tôi cũng bị bão hất tung mái và giật sập một mảng tường lớn phải xây dựng lại, tốn không biết bao nhiêu tiền của. Còn từ nay, không còn sợ gió bão vì nhà đã được xây dựng lại cẩn thận, chắc chắn…nhờ có nguồn vốn vay 25 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 0,65% từ Hội LHPN thành phố Đà Nẵng.
Theo Công ty tư vấn kiến trúc Miền Trung: “Muốn thiết kế mô hình nhà chống bão vững chắc phải chú trọng đến phần kỹ thuật; trong đó phần móng phải đảm bảo để giữ được sự thăng bằng cho ngôi nhà, phần tường ít nhất 15 cm trở lên và có sự liên kết giữa các tường ngang, tường dọc và móng bằng sắt thép để có thể chống chịu với sự xô ngã của gió bão, phần mái thì cần phải giằng kỹ... Hệ thống xà gồ được buộc vào tường nhà bằng những móc sắt chắc chắn. Mái tôn không vươn ra khỏi tường để tránh gió thốc”. |
“Thông qua chính quyền địa phương, tôi biết Hội LHPN thành phố Đà Nẵng có dự án “nhà chống bão”, nên đã mạnh dạn làm đơn xin vay vốn để xây lại nhà, thực hiện theo thiết kế của Hội. Sau hai tháng xây dựng, gia đình tôi đã có ngôi nhà mới khang trang, chắc chắn. Căn nhà được xây dựng trên nền đất cũ, với tổng số tiền đầu tư ngót ngét gần 100 triệu đồng. Bây giờ bão có ập đến cũng yên tâm phần nào” - chị Hoài cho hay.
Cùng chung tâm trạng với chị Hoài, gần 250 hội viên của Hội LHPN thành phố Đà Nẵng được vay vốn làm nhà chống bão giờ cũng rất yên tâm kể cả khi có bão lớn đổ bộ. Khi thấy chúng tôi ghé nhà hỏi chuyện thiệt hại sau những trận bão vừa qua, chị Chu Thị Tâm (tổ 52, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) giới thiệu ngay về căn nhà mới được xây dựng theo thiết kế của Hội và một phần nguồn vốn vay ưu đãi từ Hội LHPN thành phố Đà Nẵng. Mấy năm trước chưa xây được nhà chắc chắn khổ lắm. Mỗi lần nghe bão đến là cả gia đình lại khẩn cấp chạy sơ tán. Bây giờ nhà được xây chắc chắn như thế này thì sợ chi bão. Vừa rồi cơn bão số 11 và 13, ở khu dân cư này nhiều nhà bị tốc mái và sập tường lắm. Thế mà ngôi nhà cấp 4 của gia đình tôi vẫn trụ vững như “kiềng 3 chân” – chị Tâm cho hay.
Mong có nhiều nhà chống bão
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đà Nẵng cho biết: Dự án xây nhà chống bão nằm trong chương trình “Nhà ở chống bão vì một thành phố Đà Nẵng có khả năng chống chịu” được triển khai thực hiện từ năm 2011. Đây là dự án do Quỹ Rockefeller (Hoa Kỳ) tài trợ với tổng kinh phí hơn 400.000 USD. Và mô hình nhà ở này do Công ty tư vấn kiến trúc Miền Trung thiết kế.
Ngôi nhà cấp bốn của chị Lê Thị Hoài không bị hề hấn gì trong cơn bão số 11 năm 2013 do được thiết kế theo mô hình chống bão |
Hiện dự án nhà ở chống bão đang được thực hiện trên địa bàn 8 phường, xã của thành phố Đà Nẵng như: phường Mân Thái, Thọ Quang (quận Sơn Trà), Hòa Hải, Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) và xã Hòa Nhơn, Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Tuy nhiên Hội vẫn ưu tiên các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn có nhà bán kiên cố thuộc những vùng ven vì đây là những khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu.
Đến thời điểm này dự án đã hỗ trợ vốn cho 245 hộ. Mỗi hộ được vay từ 25-30 triệu đồng. Trong năm 2014, việc tài trợ của Quỹ Rockefeller kết thúc nhưng Hội LHPN thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này. “Đây là mô hình hiệu quả cho người dân miền Trung chống bão. Chúng tôi mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Vì vậy, dự kiến trong thời gian đến tại từng địa phương, chúng tôi sẽ mở rộng thêm khu vực người dân như ở quận Sơn Trà sẽ thêm 3 phường: Phước Mỹ, An Hải Đông, An Hải Bắc; Liên Chiểu thêm 2 phường Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc; Hòa Vang thêm 2 xã Hòa Tiến và Hòa Châu; Thanh Khê sẽ có các phường: Thanh Khê Đông, Xuân Hà và quận Cẩm Lệ là các phường Hòa Thọ Tây và Hòa Thọ Đông.
“Hội LHPN thành phố Đà Nẵng đã rất thành công dự án này bởi có được sự cùng tham gia của cộng đồng. Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà tài trợ về kỹ thuật, năng lực, kiến thức...; hệ thống tổ chức Hội đến tận khu dân cư và công tác phối hợp chặt chẽ, duy trì, kịp thời giữa hộ dân với Hội phụ nữ, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, Dự án đã triển khai đúng địa điểm, đối tượng, đáp ứng nhu cầu của hộ dân và chính quyền địa phương và đã nhận được sự đồng thuận của các hộ dân, chính quyền địa phương. Nhưng trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã vấp phải một số khó khăn như: việc chứng minh giấy tờ nhà ở hợp pháp còn là một hạn chế đối với các hộ vay nghèo, cận nghèo và thu nhập thấp; tâm lý hộ dân chưa ổn định; nhà ở xuống cấp quá nặng, tiền vay và tiền tiết kiệm không đủ để xây dựng và sửa chữa nhà”. Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đà Nẵng |
Bài và ảnh: Trọng Hùng