.

Chung tay xây dựng Đà Nẵng trở thành "Thành phố đáng sống"

.

(Toàn văn phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 8, HĐND TP khoá VIII của Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ)

 

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố,

Thưa các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố và các vị khách mời,

Thưa toàn thể cử tri thành phố,        

Sau ba ngày làm việc với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm trước cử tri và nhân dân thành phố, kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Kỳ họp đã xem xét, đánh giá toàn diện tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của thành phố trong năm 2013; thảo luận, phân tích làm rõ những thành tựu và những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII; đồng thời cũng dành nhiều thời gian để thảo luận, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của thành phố và thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp.

Hội đồng nhân dân thành phố thống nhất đánh giá: Năm 2013, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn. Kinh tế tăng trưởng chậm, sản xuất kinh doanh đình trệ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; thành phố lại bị bão lớn gây thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, chủ động, trách nhiệm, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân thành phố, kinh tế thành phố vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2012, nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất dịch vụ, xây dựng - công nghiệp tăng; lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt trên 1 tỷ USD; lần đầu tiên khách du lịch đến thành phố vượt 3 triệu lượt người và cũng lần đầu tiên lượng hàng hoá qua Cảng Đà Nẵng đạt 5 triệu tấn. Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực tập trung tham mưu lãnh đạo thành phố chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp khai thác nguồn thu đi đôi với chống thất thu, đôn đốc thu hồi nợ thuế. Kết quả tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 đạt 94% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 100% dự toán, tăng 21% so với năm 2012. Đây là cố gắng hết sức lớn trong điều hành của Uỷ ban nhân dân thành phố và sự chỉ đạo đôn đốc nguồn thu của ngành thuế, tài chính và của các cấp, các ngành góp phần đảm bảo nhu cầu chi, nhất là chi thường xuyên; nhiều công trình trọng điểm về đích đúng tiến độ, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo công tác giảm nghèo, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.

Đặc biệt, chính quyền các địa phương đã kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống nên đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản trong cơn bão số 11, tập trung triển khai công tác khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2013.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần nghiêm túc nhìn nhận những mặt còn hạn chế, những khó khăn, thách thức, như: Tốc độ tăng trưởng GDP chưa đạt; vốn đầu tư xây dựng cơ bản giảm sút; thu thuế xuất nhập khẩu chưa đạt chỉ tiêu, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Bố trí đất tái định cư thực tế cho dân dù có cố gắng nhưng vẫn còn nợ nhiều. Việc làm, thu nhập và đời sống nhân dân, nhất là hộ nghèo, người có thu nhập thấp chưa được cải thiện đáng kể. An ninh trật tự vẫn chưa thường xuyên đảm bảo tốt; các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy, trộm cắp, cướp giật vẫn gia tăng gây nhiều bức xúc. Trật tự đô thị, vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều bất cập. Kỷ cương, kỷ luật hành chính vẫn còn nhiều hạn chế; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa làm tròn chức trách của mình, chưa thật sự vì dân, chưa thật sự chăm lo cho nhân dân.

Thưa các đồng chí, thưa các vị đại biểu, thưa toàn thể bà con cử tri,

Kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII đã dành nhiều thời gian hơn các kỳ họp trước để thực hiện nội dung chất và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Hội đồng nhân dân thành phố rất hoan nghênh Uỷ ban nhân dân thành phố và các sở, ban, ngành của thành phố đã tích cực thực hiện và đạt nhiều kết quả tốt trong việc thực hiện những lời hứa của mình trước cử tri thành phố tại kỳ họp trước.

Cách đây 6 tháng, tại Kỳ họp thứ 7, Uỷ ban nhân dân thành phố và nhiều giám đốc sở đã hứa trước cử tri sẽ giải quyết trên 20 vấn đề bức xúc. Đến nay, như Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố báo cáo đã có 15 đầu việc được xử lý xong. Và trong phiên bế mạc kỳ họp trước, ngoài 5 nhiệm vụ chung, thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, tôi đã nêu 9 vấn đề cụ thể đề nghị các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, Uỷ ban nhân dân thành phố và các ngành, các địa phương tập trung thực hiện. Đến nay, các vấn đề đó về cơ bản đều được triển khai thực hiện.

- Về quy hoạch: Lãnh đạo thành phố đã thực hiện rà soát  hàng trăm dự án quy hoạch, đã hủy nhiều dự án “treo” và đã thông báo công khai cho nhân dân biết; đồng thời ban hành văn bản để người dân nơi đó được hưởng đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất, như là chuyển quyền sử dụng đất, tách thửa, xây dựng và sửa chữa nhà ở...

- Về hỗ trợ đất nông nghiệp không sản xuất được do dự án gây ra: Đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành xong chi trả tiền hỗ trợ cho nông dân đối với những diện tích không sản xuất được do ảnh hưởng từ các dự án.

- Về thảm nhựa các tuyến đường: Đã hoàn thành việc thảm nhựa các nhánh đường có hộ dân làm nhà ở trên 70% tại các phường Hòa Qúy, Hòa Xuân và một số khu dân cư khác.

- Về giảm tiền trả nợ đất tái định cư của dân: Uỷ ban nhân dân thành phố đã sớm ban hành chính sách khuyến khích, tạo điều kiện giảm tiền nợ đất tái định cư để người dân có thể trả nợ sớm hơn. Trong 3 tháng triển khai, đã có 383 hộ trả nợ với số tiền trên 60 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu vui cho cả hai phía: người dân và cơ quan Nhà nước.

- Vấn đề mua và cho thuê nhà chung cư: Từ đầu năm 2013 đến nay, lãnh đạo thành phố đã duyệt cho thuê và bán gần cả ngàn căn hộ chung cư. Đặc biệt, từ tháng 6 năm 2013, danh sách các hộ được thuê chung cư đã được thông báo, đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc xét cho thuê chung cư được tiến hành chặt chẽ, chính xác, đúng tiêu chuẩn, công bằng.

Tại kỳ họp trước, Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng hứa trước Hội đồng nhân dân và cử tri thành phố là trong tháng 7 sẽ xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm về sử dụng căn hộ chung cư. Đến nay, mặc dù so với thời gian đã hứa có chậm hơn 120 ngày, nhưng về cơ bản đã xử lý xong; hiện còn một vài trường hợp dây dưa, cố tình vi phạm sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi. Số lừa đảo chung cư đã được chỉ đạo xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Việc làm này được đông đảo nhân dân đồng tình.

- Về trật tự an toàn xã hội: Việc xoá bỏ các điểm xe “dù”, bến “cóc”... đã được công an thành phố, ngành giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ, tập trung xử lý và bước đầu đạt được kết quả tích cực. Tình trạng này đã được khắc phục dần. Hiện nay, các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý những trường hợp đối phó, cố tình vi phạm.

* Đó là những việc đã cố gắng làm và đạt kết quả bước đầu. Còn một số việc tuy có triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt được chưa tốt. Đó là:

- Vấn đề giải toả đền bù, bố trí tái định cư, đây là vấn đề mà rất nhiều người dân quan tâm. Mặc dù từ đầu năm đến nay, thành phố đã bố trí đất thực tế cho 2.163 hộ, song hiện thành phố còn nợ đất tái định cư thực tế của dân nhiều quá, có tới 1.303 hộ. Vừa rồi, qua tiếp xúc cử tri ở nhiều địa phương, nhất là các quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, dân có khá nhiều bức xúc; nhà đã giải toả, phải ở nhà thuê, đất mới cấp trên phiếu, trên sơ đồ... Dân chờ lâu quá, chưa an cư khó mà lạc nghiệp.

- Tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố tuy có cải thiện nhưng vẫn còn gây bức xúc trong nhân dân. Đặc biệt là khu vực lân cận các khu công nghiệp, như: Khu Dịch vụ thuỷ sản Thọ Quang, sông Phú Lộc và một số kênh mương khác.

Thưa các đồng chí, thưa các vị đại biểu, thưa toàn thể bà con cử tri,

Hội đồng nhân dân thành phố thống nhất mục tiêu tổng quát năm 2014 là: Tập trung tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013, tăng trưởng GDP đạt 9-9,5%. Đẩy mạnh thực hiện năm đột phá về kinh tế - xã hội, gắn với việc cụ thể hoá triển khai nhanh, có kết quả Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, nâng cao vị thế của thành phố.

Bước sang năm mới 2014, sau kỳ họp này, tôi đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố cần triển khai ngay việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các nghị quyết của kỳ họp tới các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân thành phố, trong đó cần hết sức chú ý tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm và 11 vấn đề cụ thể sau đây:

* 5 nhiệm trọng tâm đó là:

1- Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý đô thị, tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Trong đó, ưu tiên chỉ đạo và đầu tư triển khai 10 công trình trọng điểm; trước hết là nút giao thông khác mức Ngã ba Huế, Khu Công nghệ cao, Dự án phát triển bền vững thành phố, Bãi đỗ xe ngầm...

2- Có những giải pháp thiết thực và hiệu quả tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp, dịch vụ, những ngành, lĩnh vực tạo nguồn thu lớn, giải quyết nhiều việc làm; triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”.

3- Tập trung lãnh đạo thu ngân sách Nhà nước, phấn đấu đổi mới cơ cấu nguồn thu và thu cao hơn mức năm 2013 tối thiểu là 4% để đảm bảo chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển, chi phục vụ các chương trình an sinh xã hội.

4- Đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng ở những khu tái định cư, sớm bàn giao đất thực tế cho hộ giải toả, kiên quyết không để dây dưa, kéo dài. Phát triển văn hoá xã hội, chăm lo tốt vấn đề an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố; giúp đỡ hộ nghèo, gia đình chính sách xoá hết nhà tạm, mở rộng xây dựng nhà đại đoàn kết. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông; kiềm chế và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nhất là ma tuý.

5- Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương có chương trình, kế hoạch đề xuất Chính phủ sớm ban hành các văn bản thể chế hoá Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

* 11 vấn đề cụ thể đó là:

1- Về hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2014 chúng ta đã chọn là “Năm doanh nghiệp”. Điều này là hết sức đúng đắn và cần kíp. Một trong những điều kiện để thành phố phát triển bền vững và tái cơ cấu nguồn thu là doanh nghiệp phải phát triển bền vững. Cần phải tiến hành đánh giá toàn diện về năng lực của đội ngũ doanh nhân thành phố, xác định những hạn chế và những khó khăn hiện nay doanh nghiệp đang phải đối mặt; có những cơ chế chính sách khả thi hỗ trợ, động viên doanh nghiệp phát triển. Trước mắt là triển khai nhanh Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; đề xuất một số chính sách về cho thuê đất, về cơ chế vay để doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nhanh nguồn vốn ngân hàng theo lãi suất quy định. Hiện nay, trong thành phố vẫn còn 17% dư nợ cho vay có lãi suất trên 13%, trong đó có 6 ngân hàng có dư nợ lãi suất trên 13% khá cao. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng phải chỉ đạo kiểm tra và làm đầu mối thực hiện chủ trương này, chớ để doanh nghiệp tiếp tục phàn nàn, tiếp tục kêu ca, gõ cửa lãnh đạo thành phố. Nếu ngân hàng còn cho vay với lãi suất cao, còn rườm rà về thủ tục vay vốn thì trách nhiệm này có phần rất lớn của Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố.

Nhanh chóng khắc phục thủ tục hành chính phiền hà; minh bạch, công bằng, công khai trong cơ hội đầu tư; có cơ chế động viên, khen thưởng doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu cao, nộp ngân sách lớn và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Đổi mới cách xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch, xúc tiến thương mại, nhất là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài theo một quy trình xúc tiến hiện đại, chuyên nghiệp hơn. Thành uỷ đã thông qua Chương trình công tác năm và Quý I – năm 2014 sẽ tổ chức Hội nghị chuyên đề thảo luận và triển khai việc này. Uỷ ban nhân dân thành phố, các ngành chức năng, các hiệp hội doanh nghiệp khẩn trương chuẩn bị chu đáo nội dung để đề xuất, bàn thảo và triển khai hiệu quả chủ trương này.

Năm doanh nghiệp 2014 chỉ thành công khi chính quyền và các ngành tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, về môi trường kinh doanh, về hành lang pháp lý, về những hỗ trợ cần thiết khác và vai trò chủ động, sáng tạo, vượt khó của từng doanh nghiệp và các doanh nhân. Thiếu một trong hai điều ấy thì Năm doanh nghiệp sẽ khó đạt kết quả như mong muốn.

2- Về quy hoạch và sử dụng đất ở các dự án và khu công nghiệp

- Vừa qua, thành phố đã làm được một việc đó là tổng rà soát các dự án trên địa bàn, bước đầu xoá được một số dự án, quy hoạch treo và yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án theo cam kết, không để kéo dài vô thời hạn. Một số dự án đã được điều chỉnh quy hoạch cần nhanh chóng có lộ trình thực hiện, không để tái diễn tình trạng quy hoạch treo. Những nơi đã xóa quy hoạch, nhưng do lâu nay không được xây dựng nên hạ tầng xuống cấp, nhất là giao thông thì cần được đầu tư nâng cấp.

Hiện nay, mới kiểm tra trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và quận Sơn Trà cho thấy, còn khá nhiều dự án ven biển chưa được triển khai; được thuê đất, được giao quyền sử dụng đất nhưng rất chậm thực hiện hoặc chưa thực hiện, dự án đối phó, thiếu tính khả thi, cá biệt có hiện tượng đầu cơ mua bán dự án kiếm lời. Trong khi đó các đơn vị có nhu cầu thì chưa được hoặc không được xem xét giải quyết. Uỷ ban nhân dân thành phố cần sớm có giải pháp mạnh mẽ, hợp tình, hợp lý, xử lý nhanh chóng tình trạng này, không để kéo dài mãi.

- Tại các khu công nghiệp, tình trạng sử dụng đất lãng phí và không đúng mục đích cũng khá lớn. Trong lúc các doanh nghiệp đang thiếu mặt bằng để sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp có nguyện vọng đề nghị quy hoạch thêm khu công nghiệp mới thì tại các khu công nghiệp hiện có, chúng ta vẫn để xảy ra và tồn tại lâu dài nhiều điều bất hợp lý.

Khảo sát tại các khu công nghiệp cho thấy vẫn còn tình trạng đất trống, đất sử dụng không đúng mục đích, đất cho thuê lại… Hiện nay vẫn còn khá nhiều ha đất có thể cho thuê, đất đã có hạ tầng hoàn chỉnh, đó là chưa kể đến số diện tích đất phải thu hồi toàn bộ hay một phần vì dự án không hoạt động.

Sắp tới, gắn liền với tổng kết hoạt động các khu công nghiệp, có một số việc cần phải làm ngay, đó là: xem xét doanh nghiệp sử dụng đất đúng mục đích thì tiếp tục cho thuê; doanh nghiệp thuê đất mà không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích thì thu hồi, xem xét bố trí cho thuê mới đối với các doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất ở khu công nghiệp; công khai các thông tin liên quan, làm tốt và làm nhanh các thủ tục thuê đất, giao đất cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

3- Về Chương trình xây dựng Nông thôn mới

So với cả nước thì Đà Nẵng là địa phương ít có nông thôn, chỉ có mỗi huyện Hoà Vang với 11 xã. Hoà Vang lại là vùng ven đô, khoảng cách đi lại không xa lắm với trung tâm thành phố. Chỉ thị 18-CT/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ đã có chủ trương tăng đầu tư ngân sách Nhà nước, xác định mục tiêu và lộ trình xây dựng 06/11 xã đảm bảo 19 tiêu chí của nông thôn mới đến cuối năm 2015. Đến nay toàn huyện mới đạt được 02 xã về đích. Như vậy chỉ còn hai năm nữa phấn đấu có thêm 04 xã phải hoàn thành là điều không phải dễ, nếu thiếu quyết tâm chính trị cao và những giải pháp mạnh mẽ. Kết quả của một nông thôn mới không phải chỉ thể hiện trên các công trình được xây dựng mà quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng và đời sống nông dân thực sự được nâng cao.

Hoà Vang đã được thành phố quan tâm và có trách nhiệm cả về cơ chế, chính sách mới được ban hành, vừa được cả hệ thống chính trị của thành phố chung tay góp sức. Hoà Vang phải sớm tận dụng thời cơ, phát huy mạnh hơn nội lực chủ thể, huy động nhiều hơn các nguồn lực xã hội tại chỗ; trước mắt phối hợp với các ngành của thành phố cụ thể hoá một cách sớm nhất, nhanh nhất Đề án mà Hội đồng nhân dân thành phố đã có Nghị quyết thông qua. Để chậm trễ, trông chờ là có lỗi với nhân dân, trước hết và trực tiếp là cấp uỷ, chính quyền của huyện và các cơ quan chức năng của thành phố. Về phía thành phố, tôi đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố bổ sung nguồn vốn cho chương trình nông thôn mới của Hòa Vang theo Đề án đã được thông qua ngay trong năm 2014. Đồng thời, các địa phương từ xã lên phường như Hòa Qúy, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) được thụ hưởng các chính sách nêu trên như các xã của Hòa Vang.

4- Công tác phòng chống lụt bão, ngập úng

- Năm 2013, Đà Nẵng có bão lớn. Qua thiên tai, đã thấy được sự nỗ lực của chính quyền, quân - dân thành phố. Chúng ta đã có sự đề phòng tốt, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản trong bão; nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão, trả lại diện mạo của thành phố. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành khá quyết liệt của Uỷ ban nhân dân thành phố, cấp uỷ và chính quyền các cấp; việc tổ chức thực hiện và phối hợp khá tốt của lãnh đạo, công chức Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Công ty Môi trường đô thị thành phố, Công ty Công viên Cây xanh cùng các sở, ngành liên quan trong khắc phục hậu quả sau bão. Nhân đây, một lần nữa, thay mặt lãnh đạo và nhân dân thành phố, tôi xin cảm ơn lực lượng vũ trang của thành phố, Quân khu V và Vùng 3 Hải quân, cộng đồng các doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp tích cực, huy động lực lượng, chung tay cùng với các đơn vị chức năng của thành phố tập trung làm tốt, làm nhanh công tác vệ sinh môi trường, thu dọn, dựng lại cây xanh ngã đổ trên các tuyến đường một cách nhanh chóng, đảm bảo giao thông và mỹ quan đô thị, cũng như góp phần hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả sau bão.

- Tuy nhiên, qua cơn bão số 11, nhiều vấn đề bộc lộ khiến người dân đặt câu hỏi nghi ngờ, khiến chúng ta phải hết sức quan tâm.

+ Sau cơn bão số 11, hàng loạt cây xanh ngã đổ. Nguyên nhân vì sao? Do bão. Điều đó đúng và không ai bàn cãi. Nhưng tại sao những cây do người dân trồng vẫn vừng vàng trước bão; còn cây xanh đường phố thì ngã đổ? Phải chăng do: cây được trồng không đảm bảo kỹ thuật (trồng cạn, nhiều khi còn để nguyên bọc rễ); cây không được chằng chống, chăm sóc đúng cách; trước bão, cây không được cắt tỉa cành hợp lý… Nhưng dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa thì đó cũng là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và trách nhiệm kiểm tra của lãnh đạo thành phố. Từ nay trở đi, việc trồng cây xanh ven đường, trồng cây ở các dự án có dùng ngân sách Nhà nước, dự án BT… phải được kiểm tra theo một quy trình chặt chẽ, thực hiện theo luật đấu thầu, công khai, minh bạch, được quản lý, giám sát, nghiệm thu một cách nghiêm túc.

+ Còn nhiều vấn đề khác nữa như di dời dân, neo đậu tàu thuyền, rồi vấn đề chủ quan dẫn đến người chết và bị thương khi bão đã đi qua… tất cả đều lộ ra nhiều bất cập. Vậy có cần kịch bản chi tiết ứng phó với bão lũ như kịch bản ứng phó với sóng thần mà chúng ta đã từng diễn tập không?

Sóng thần là “hiểm hoạ”, còn bão lũ là thường xuyên, năm nào cũng đối diện vậy tại sao cứ để khó khăn trong xử lý. Có khi chúng ta còn chủ quan, bị động, thiếu một kế hoạch bài bản. Từ nay trở đi, các cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương cần xây dựng một kịch bản, một cẩm nang phòng tránh và khắc phục hậu quả sau bão, chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra.

- Mùa mưa lại phải nói đến chuyện ngập úng. Thời gian qua, mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng đây vẫn là bài toán khó, nan giải. Cần nhanh chóng hoàn thành khớp nối toàn bộ hệ thống cấp nước, thoát nước; tiếp tục rà soát và xử lý các điểm ngập úng, nhất là các điểm bị ngập sâu và kéo dài để tiến tới giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố.

- Về Thủy điện Sông Nam – Sông Bắc, cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng tác động môi trường, tác động xã hội. Các ban của Hội đồng nhân dân thành phố, các ngành chức năng và Uỷ ban nhân dân thành phố phải hết sức cẩn trọng, cần thiết phải báo cáo trước Hội đồng nhân dân thành phố xem xét quyết định.

5- Về y tế

- Tiến hành rà soát mức độ quá tải ở các bệnh viện; có giải pháp đồng bộ nâng chỉ tiêu giường bệnh một cách hợp lý, trước mắt trong quý 1-2014, tiến hành phân bổ tăng thêm chỉ tiêu giường bệnh cho những bệnh viện quá tải lớn. Tăng cường trau dồi y đức của đội ngũ thầy thuốc; cải thiện và nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh nhận. Phối hợp tốt với các bộ, ngành xúc tiến chủ trương mở rộng Bệnh viện Phụ sản - Nhi giai đoạn 2. Khống chế, ngăn chặn các loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử phạt nghiêm các cơ sở để xảy ra ngộ độc thực phẩm, các bệnh viện để môi trường bị ô nhiễm do chất thải y tế.

- Chăm lo hơn nữa tuyến y tế cơ sở; thực hiện luân chuyển y bác sỹ về các tuyến dưới; quản lý chặt chẽ việc hành nghề y dược tư nhân, rút kinh nghiệm từ các địa phương khác để xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc và đáng phê phán. Vừa qua khi thanh tra, Sở Y tế chỉ mới phát hiện vài chục cơ sở hành nghề khám chữa bệnh vi phạm không có giấy phép hoạt động, không có chứng chỉ hành nghề. Thực tế con số đó chắc còn lớn hơn nhiều. Trông người mà nghĩ đến ta, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, đừng để hậu quả xấu xảy ra rồi sau đó mới rút kinh nghiệm và quy đổ trách nhiệm lẫn nhau. Chấn chỉnh ngay công tác quản lý tài chính ở các bệnh viện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Cần tạo điều kiện thuận lợi thật sự cho bệnh nhân khám bệnh có Bảo hiểm y tế. Ta thu tiền Bảo hiểm y tế của người dân, của cán bộ, công chức, viên chức và người nghỉ hưu hằng tháng không thiếu một đồng. Khi họ ốm đau đến bệnh viện điều trị, ta phải tận tình chu đáo; Bảo hiểm y tế và bệnh viện phải chăm lo cho bệnh nhân, thanh toán bảo hiểm thông thoáng và kịp thời, không quá cứng nhắc, máy móc, so đo thiệt hơn, gây thiệt thòi cho người bệnh.

- Hai ngành Bảo hiểm xã hội và Lao động - Thương binh và Xã hội phải chấn chỉnh ngay tình trạng cấp thẻ Bảo hiểm y tế trùng lặp cho trẻ em và người nghèo. Tiến hành kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có liên quan và có biện pháp thu hồi nhanh số tiền đã cấp trùng lặp vào ngân sách Nhà nước; đồng thời phối hợp với các ngành nội chính đề xuất xử lý một cách nghiêm khắc nhất đối với các đơn vị nợ Bảo hiểm xã hội của công nhân một cách dây dưa, chỉ xử phạt bằng tiền như hiện nay là chưa đủ tác dụng.

6- Về giáo dục

- Tập trung xây dựng Chương trình hành động và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; gắn với việc phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố theo hướng đột phá thứ năm về phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2010-2015. Đồng thời, nhanh chóng xử lý một số vấn đề cụ thể mà dư luận xã hội quan tâm trong thời gian qua.

- Câu chuyện quá tải năm nào cũng nói nhưng thực tế cũng chỉ tập trung ở một số trường như Tiểu học Phù Đổng, Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ, Trần Cao Vân và THCS Trưng Vương. Đó là trái tuyến, là câu chuyện về hộ khẩu, người ở một nơi hộ khẩu ở một nẻo, nhập hộ khẩu không phải để cư trú mà để làm thủ tục nhập học. Trước đây, hiệu trưởng các trường được giao quyền tiếp nhận học sinh thì có trái tuyến, quá tải. Sau đó giao cho trưởng phòng giáo dục, chủ tịch uỷ ban nhân dân quận lại vẫn trái tuyến, quá tải. Gần đây, quyền này thuộc về Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố thì tình trạng trên tuy đã được khắc phục khá hơn nhưng vẫn còn. Tình trạng trên là do đâu? Do khó quản lý hay do quen biết, nể nang?  Theo tôi là do nể nang, quen biết, do gửi thư tay, do điện thoại đến, do bút phê vào đơn xin nhập học... Sắp tới việc này cần phải chấm dứt.

Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua rồi: Không tuyển học sinh trái tuyến tại các trường Tiểu học Phù Đổng, Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ, Trần Cao Vân và Trường THCS Trưng Vương. Mục đích của chủ trương này là dần dần để các cháu tiểu học được học ngày hai buổi, được ngồi học trong lớp có sỉ số hợp lý theo quy định. Chúng ta phải tổ chức thực hiện tốt để đảm bảo chất lượng giáo dục, để đảm bảo công bằng cho các em học sinh, cho các bậc phụ huynh và cho chính các nhà trường. Hiệu trưởng các trường sẽ được giao quyền tuyển sinh theo đúng khu vực do chủ tịch ủy ban nhân dân quận quy định và phân bổ; làm tốt sẽ được biểu dương, nếu vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc thôi chức vụ. Đầu mỗi năm học, các ban của Hội đồng nhân dân thành phố và các ngành chức năng phải tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên công việc này.

- Rồi vấn đề lạm thu ở một số trường được phát hiện thời gian qua gây bức xúc trong xã hội. Mặc dù tất cả đã được xử lý, nhưng vấn đề là công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục, của các địa phương thế nào để những hiện tượng tiêu cực như trên không được tái diễn.

- Việc xã hội hóa các trường mầm non phải được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chỉ cho phép chuyển các trường mầm non bán công, dân lập sang công lập hoặc tư thục. Việc thành lập mới các trường mầm non tư thục ở những vị trí đã được phê duyệt quy hoạch cần được hỗ trợ và khuyến khích. Uỷ ban nhân dân các quận và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện nghiêm túc chức năng quản lý Nhà nước của mình trên lĩnh vực này.

7- Vấn đề công viên và tăng đầu tư cho văn hóa

Có thể nói công viên thành phố chúng ta còn thua xa nhiều địa phương bạn. Cả thành phố chỉ có Công viên 29-3; nhiều khu dân cư không có khu vui chơi giải trí. Ngay tại công viên trung tâm cũng chưa phục vụ người dân thành phố và du khách một cách đúng nghĩa. Ngoài những ngày lễ lớn và Tết Nguyên đán, công viên hoạt động sôi nổi hơn, còn bình thường thì người dân và du khách gần như ít đến. Công viên nghèo nàn, cảnh quan, cây xanh chưa được chăm sóc tốt; các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh còn đơn điệu; môi tường còn bị xâm hại, một phần diện tích công viên bị sử dụng chưa đúng mục đích bởi hoạt động của nhà hàng, quán cà-phê, buôn bán hàng rong, thậm chí nhiều lúc còn là nơi đặt các thùng rác, trông rất phản cảm; mặt tiền của công viên còn luộm thuộm; về đêm, nơi đây không đủ ánh sáng, dễ dàng cho tệ nạn xã hội phát triển.

Thành phố đã ít công viên, lại chưa được đầu tư xây dựng để khai thác phục vụ tốt nhất nhu cầu hưởng thụ của người dân. Dó đó, chúng ta phải hết sức quan tâm đến vấn đề này. Trước mắt, lãnh đạo thành phố đã điều chỉnh quy hoạch một số điểm cần sớm triển khai các khu công viên mini hoặc khu vui chơi giải trí nhỏ ở một vài khu dân cư để phục vụ người dân theo tinh thần xã hội hóa. Đối với Công viên 29-3, lãnh đạo thành phố đã có chủ trương nhanh chóng di dời, giải toả các nhà hàng, quán cà-phê làm thông thoáng cảnh quan mặt tiền công viên đường Điện Biên Phủ; bố trí sắp xếp hợp lý các hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí, đồng thời tiến hành quy hoạch sử dụng công viên một cách bài bản; xúc tiến kêu gọi đầu tư sớm xây dựng nơi đây thành điểm đến vui chơi của người dân và du khách. Uỷ ban nhân dân thành phố đôn đốc các ngành sớm thực hiện việc này; đồng thời giao các ngành chức năng đề xuất bổ sung ngay việc tăng ngân sách đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nói chung, một lĩnh vực nhiều năm qua ta đầu tư còn thấp, chưa tương xứng với các lĩnh vực quan trọng khác; trong khi đó Nghị quyết của Đảng đã nêu “Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Đây là “kiềng ba chân” trong phát triển bền vững của thành phố.

8- Về vấn đề giảm nghèo và xoá nhà tạm

- Năm 2013, thành phố đã tập trung cho công tác giảm nghèo và kết quả đạt được là khá khả quan; cuối năm còn 6,27% hộ nghèo theo chuẩn thành phố. Tuy nhiên kết quả giảm nghèo vẫn chưa thật sự bền vững; có nơi còn nguy cơ tái nghèo; tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn, vùng ven như ở Hoà Vang, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà còn khá cao. 

Việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân là mục tiêu hướng đến của chính quyền. Vì thế các cấp, các ngành cần bám sát tình hình thực tiễn và đời sống người dân, nhất là các đối tượng đặc biệt khó khăn; phân loại hộ nghèo, xác định nguyên nhân nghèo để có kế hoạch giúp đỡ phù hợp, kịp thời; khuyến khích người nghèo, giúp họ tự tìm ra cách thức giảm nghèo một cách bền vững. Ngoài ra, cũng cần phải có biện pháp nghiêm khắc đối với những hộ có tư tưởng trông chờ ỷ lại, không muốn thoát nghèo để được hưởng các chính sách, trong khi họ hoàn toàn có khả năng thoát nghèo.

- Đến nay, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo và hộ chính sách ở nhà tạm. Tuy nhiên, qua kiểm tra có đến 900 ngôi nhà của hộ chính sách xuống cấp, cần hỗ trợ sửa chữa.

Phát huy phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” như chúng ta đã thực hiện trong việc xây dựng nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết trong năm 2013, bên cạnh nguồn hỗ trợ từ ngân sách và xã hội, các gia đình chính sách, hộ nghèo phải cùng tham gia để góp phần hoàn thành mục tiêu sửa chữa, nâng cấp hết số nhà nói trên trong năm nay. Đây là quyết tâm lớn cần phải thực hiện cho bằng được.

9- Về hoạt động của tổ dân phố, thôn

Có thể nói tổ dân phố có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng và phát triển thành phố theo hướng văn minh đô thị. Vừa qua, cả thành phố đã sắp xếp lại quy mô tổ dân phố gọn hơn, mỗi tổ vài chục hộ dân. Qua gần một năm thực hiện, đa số địa phương cho rằng quy mô và nhiệm vụ như vậy là phù hợp. Bên cạnh đó, vẫn có một số ít nơi do điều kiện dân cư, do tính chất địa bàn và do thiếu cán bộ nên có một số khó khăn cần phải được xem xét; ngay cả việc thống nhất Hướng dẫn liên tịch về hoạt động ở tổ dân phố vừa gọn, vừa dễ hiểu, dễ làm phải được xử lý sớm. Sở Nội vụ chủ trì giải quyết việc này xong trong tháng 1-2014, đừng để nhắc nhở nữa.

Hầu hết các tổ dân phố đều triển khai nhiệm vụ quản lý an ninh trật tự, giúp nhau giảm nghèo, giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia quản lý nhân khẩu tạm trú, xây dựng được tổ dân phố văn minh, bình yên, không có tội phạm.

Song sự cố gắng ấy chưa đủ, ở nhiều tổ dân phố vẫn còn nạn cờ bạc, số đề, còn những vụ gây rối mất trật tự, vệ sinh môi trường chưa được sạch sẽ, trộm cắp vẫn còn xảy ra nhiều, nạn ma tuý chết người vẫn đang phát triển… Những hiểm hoạ ấy nếu cộng đồng không ra tay ngăn chặn kịp thời thì hậu quả sẽ khôn lường.

Hiểu dân, sát dân, gần với dân trước hết là uỷ ban nhân dân xã phường và trực tiếp là cán bộ tổ dân phố, thôn. Trong tổ, trong thôn, hộ nào nghèo khó; hộ nào chứa chấp cờ bạc, ghi đề; hộ nào có con em nghiện ma tuý; hộ nào có con em thường gây gổ, đánh nhau; hộ nào có con em có tiền án, tiền sự về tội trộm cắp nay vẫn chưa tiến bộ; hộ nào lười nhác không tham gia dọn vệ sinh môi trường, không tham gia họp tổ dân phố… chắc tổ trưởng cũng đều biết. Vậy cho nên, mỗi cán bộ tổ dân phố, mặc dù chế độ phụ cấp chưa thoả đáng, cơ bản vẫn “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, song với trách nhiệm và uy tín cá nhân của mình, hãy cùng với hệ thống chính trị tại khu dân cư kịp thời phản ánh, tham gia giải quyết các vụ việc với chính quyền địa phương, xây dựng tổ dân phố văn minh, tình làng nghĩa xóm thân thiện.

10- Về cải cách hành chính

Trên bình diện cả nước thì Đà Nẵng là một trong những địa phương liên tục nhiều năm liền có những thành tích tốt về cải cách hành chính. Và thực tế tại thành phố, nhiều người dân và cộng đồng doanh nghiệp khi giao dịch với các cơ quan Nhà nước hoặc tiếp xúc với cán bộ công chức để giải quyết công việc nhìn chung là tốt, đa số hài lòng. Tuy nhiên đâu đó, ở sở này sở khác, nhất là những cơ quan liên quan nhiều đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, thẩm định hồ sơ, quản lý tài nguyên, chuyển quyền sử dụng đất, cấp phát vốn, bố trí tái định cư… vẫn có những cán bộ hoặc bộ phận chức năng còn đùn đẩy trách nhiệm, chuyển hồ sơ lòng vòng, chậm giải quyết yêu cầu của công dân và doanh nghiệp. Thậm chí cá biệt, có hiện tượng nhũng nhiễu người dân. Lý ra phải tìm cách biến những điều phức tạp thành đơn giản để xử lý nhanh; đằng này lại chọn cách biến điều đơn giản thành điều phức tạp rối rắm rồi để kéo dài.

Vẫn biết rằng hậu thanh tra đất đai ở Đà Nẵng đã ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của những cán bộ liên quan trực tiếp, từ cán bộ tham mưu đến cán bộ giữ vai trò quyết định. Cẩn trọng, làm việc theo pháp luật là điều hoan nghênh, khuyến khích, chúng ta phải thượng tôn pháp luật, không được làm liều; song không vì thế mà quá máy móc, cứng nhắc, kéo dài thời gian giải quyết công việc một cách thiếu căn cứ và không có sức thuyết phục. Thời gian đối với mọi người, nhất là đối với doanh nghiệp là hết sức quan trọng, chậm thời gian sẽ ảnh hưởng đến thời cơ.

Do vậy, tôi đề nghị các cấp, các ngành phải thật sự làm tốt hơn công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, cần quy định rõ trách nhiệm cá nhân của cán bộ công chức và người đứng đầu trong thực thi công vụ. Các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố hãy quan tâm giám sát chặt chẽ vấn đề này.

11- Về công tác cán bộ

Thành phố chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm được tổng kết trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ về công tác cán bộ. Đa số cán bộ, công chức, viên chức của thành phố đã tận tâm, tận tuỵ, hết lòng với công việc, đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thành phố hôm nay. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập, đông nhưng chưa mạnh, vừa thừa lại vừa thiếu; cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, các ngành đang hụt hẫng, sự chuyển giao cán bộ khi đến tuổi nghỉ hưu ở nhiều vị trí, nhiều nơi chưa được chuẩn bị chu đáo.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm nay là đẩy mạnh việc sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ, nhanh chóng lựa chọn những cán bộ trong quy hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn, giao trọng trách ở các địa phương, đơn vị, đồng thời sắp xếp gọn lại bộ máy và cán bộ, viên chức ở các ban quản lý dự án và một số đơn vị sự nghiệp khác; sớm tính toán bố trí hoặc giải quyết chế độ chính sách số viên chức dôi dư trong quá trình sắp xếp lại.

Năm nay là năm đầu tiên các cấp, các ngành tổ chức quán triệt và thực hiện hỉ thị 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, trọng tâm là thực hiện tốt “5 xây, 3 chống”. “5 xây” đó là: Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Trung thực - Kỷ cương - Gương mẫu; “3 chống” là: Chống quan liêu - Chống tiêu cực - Chống bệnh hình thức. Việc này phải được triển khai chu đáo, đạt kết quả thiết thực.

Thành phố có tiếp tục phát triển đúng tầm của một đô thị động lực miền Trung hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ. Do vậy, từng ngành và địa phương, các cơ quan làm công tác cán bộ, nhất là người đứng đầu phải thực sự chăm lo và có trách nhiệm chính trị cao nhất; tìm kiếm, phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng, bố trí, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ phấn đấu trưởng thành.

Thưa các quý vị, thưa toàn thể bà con cử tri,

Để có thể thực hiện những vấn đề cụ thể mà thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố tôi vừa nêu, thiết nghĩ, bên cạnh sự nỗ lực, vào cuộc thật sự nghiêm túc của cả hệ thống chính trị, thì sự chung tay, góp sức, đồng lòng, nhất trí, ủng hộ chính quyền của bà con cử tri là hết sức cần thiết.

Chúng tôi hoan nghênh sự quan tâm, theo dõi, giám sát và phản ánh kịp thời của cử tri về những mặt làm được, chưa được của hệ thống chính trị; đồng thời cũng mong muốn bản thân mỗi cử tri và gia đình cùng hỗ trợ bằng những việc làm cụ thể:

- Thành phố sẽ là nơi đáng sống nếu mỗi người dân chúng ta không có và không để xảy ra trộm cắp, không có và không để xảy ra nạn giết người để cướp của. Thành phố sẽ tốt đẹp hơn nếu bản thân mỗi người dân và gia đình đều có ý thức tuân thủ pháp luật; xa rời cờ bạc, rượu chè, tệ nạn xã hội; không gây rối đánh nhau, không vi phạm luật lệ giao thông, không vứt rác bừa bãi, không buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma tuý…

- Hình ảnh người dân thành phố sẽ thân thiện hơn, tốt đẹp hơn biết mấy trong mắt du khách và bạn bè nếu như không có cảnh sau bão công nhân vệ sinh, quân đội… ra sức dọn dẹp thì vẫn có một bộ phận thanh niên bình thản uống cà phê ngồi nhìn, trông rất phản cảm.

Thưa các quý vị, thưa toàn thể bà con cử tri;

Vừa qua (ngày 17-10-2013), Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng để đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Bộ Chính trị đã bày tỏ sự đồng thuận và nhất trí cao với những đánh giá của thành phố. Sau buổi làm việc, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 75-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW với mục tiêu “Phát triển Đà Nẵng theo hướng phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế, tìm ra các động lực mới để xây dựng thành phố trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, một trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung.”

Bộ Chính trị cũng đồng ý ban hành một số cơ chế, chính sách có tính đặc thù cho thành phố. Theo đó, thành phố sẽ được phân cấp thêm một số nguồn thu do Trung ương quản lý, được tăng mức hỗ trợ từ số tăng thu các khoản phân chia giữa ngân sách Trung ương với thành phố; thành phố cũng sẽ được phân cấp quyết định đầu tư một số dự án theo hình thức BT, BOT, BTO để đầu tư phát triển hạ tầng.

Đi liền với cơ chế, Bộ Chính trị cũng đã có chủ trương ưu tiên bố trí vốn thanh toán cho các dự án đã có chủ trương mà thành phố đã làm và đưa vào sử dụng. Đồng thời, Bộ Chính trị cũng thống nhất có lộ trình triển khai những dự án có ý nghĩa động lực, lan toả của Đà Nẵng đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Có thể nói sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Chính trị đối với thành phố chúng ta là rất lớn và có ý nghĩa. Đây là điều kiện cần hết sức quan trọng, không thể thiếu. Song, để hiện thực hoá chủ trương trên đến nơi đến chốn, nhất định phải có điều kiện đủ. Điều kiện đủ ấy chính là phát huy nội lực của chúng ta, của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân thành phố.  

Với tinh thần đó, tôi đề nghị các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, các cấp, các ngành và kêu gọi toàn thể nhân dân thành phố hãy tiếp tục phát huy sức mạnh đồng thuận của người dân thành phố, cùng chung tay góp sức xây dựng thành phố tiếp tục phát triển, đi lên; trước mắt là tập trung hoàn thành tốt các chỉ tiêu và nhiệm vụ công tác của năm 2014 đã được biểu quyết thông qua.

Thưa quý vị, thưa toàn thể bà con cử tri,

Tại kỳ họp này có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu; song do thời gian có hạn chỉ có 37 đại biểu phát biểu ở tổ, 12 đại biểu phát biểu ở hội trường. Tại phiên chất vấn đã có tới 68 phiếu chất vấn với 80 nội dung được gửi; một số nội dung đã được 14 giám đốc sở và 2 phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố trả lời trực tiếp tại hội trường, một số nội dung còn lại sẽ được trả lời bằng văn bản sau.

Nhìn chung, các đại biểu rất tâm huyết, trao đổi cởi mở, dân chủ, không nói một chiều, không chỉ nêu việc làm được mà còn thẳng thắn chỉ ra những việc chưa tốt và kiến nghị nhiều giải pháp hay, phản ánh được hơi thở của cuộc sống và nguyện vọng chính đáng của cử tri, nhất là ý kiến, kiến nghị của Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố trân trọng và ghi nhận để tổ chức giám sát việc thực hiện trong năm đến.

Thưa các quý vị, thưa toàn thể bà con cử tri,

Sản phẩm được kết tinh của kỳ họp là ban hành các nghị quyết. Song điều quan trọng hơn là những nghị quyết ấy phải đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Tại diễn đàn này, chúng ta đã hứa trước dân, trước cử tri sẽ tiếp tục giải quyết những vấn đề nóng bỏng, bức xúc của cuộc sống. Tôi tin rằng, các đại biểu đã hứa là sẽ làm và cố gắng làm tốt. Điều ấy sẽ được báo cáo kết quả trước nhân dân trong phiên họp lần sau.

Trước thềm năm mới 2014, thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, xin kính chúc quý vị đại biểu, các đồng chí và bà con nhân dân thành phố Đà Nẵng năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Tôi xin tuyên bố bế mạc kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII.

Xin trân trọng cảm ơn.


* Tít bài do Báo Đà Nẵng đặt

;
.
.
.
.
.