.

Đà Nẵng 2013 - 10 sự kiện tiêu biểu

.

Bộ Chính trị ban hành Kết luận 75, kiện toàn nhân sự chủ chốt, đặt tên đường Võ Nguyên Giáp, đưa vào sử dụng nhiều công trình mới... là những sự kiện nổi bật thành phố Đà Nẵng 2013 do Báo Đà Nẵng bình chọn.

1. Bộ Chính trị ban hành Kết luận 75

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí trong Bộ Chính trị với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tại buổi làm việc ngày 17-10-2013 về kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.  				   Ảnh: VIỆT DŨNG
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí trong Bộ Chính trị với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tại buổi làm việc ngày 17-10-2013 về kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngày 12-11-2013, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” với nhiều cơ chế, chính sách mới, tạo động lực mới cho Đà Nẵng phát triển. Đây là văn kiện đặc biệt quan trọng trong việc định hướng và tạo động lực mới để phát triển thành phố Đà Nẵng trong những năm đến.

Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng dự thảo Chương trình hành động tổ chức thực hiện Kết luận 75-KL/TW với 9 nhóm giải pháp lớn, trong đó tập trung rà soát, bổ sung và thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch phát triển thành phố; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050; đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung nâng cao quy mô, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và vùng...

2. Kiện toàn nhân sự chủ chốt

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ.

Ngày 1-4-2013, tại  kỳ họp bất thường (khóa VIII) của HĐND thành phố Đà Nẵng, Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Thành ủy Trần Thọ được đại biểu HĐND tín nhiệm bầu vào chức danh Chủ tịch HĐND thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 với 100% phiếu tín nhiệm. Sau khi Bộ Chính trị đồng ý giới thiệu đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng để bầu giữ chức Bí thư Thành ủy, ngày 30-8-2013, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng tiến hành hội nghị để bỏ phiếu bầu chức danh Bí thư Thành ủy. 100% phiếu đồng ý bầu đồng chí Trần Thọ giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2010-2015.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí.                     Ảnh: V.NỞ
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí. Ảnh: V.NỞ

Ngày 17-12-2013, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị để bầu chức danh Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015. Trên tinh thần thống nhất, đoàn kết cao, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố bầu đồng chí Võ Công Trí, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2010-2015, với kết quả 48/48 phiếu tín nhiệm.

3. Đặt tên đường Võ Nguyên Giáp

Gắn biển tên đường Võ Nguyên Giáp.         Ảnh: THANH SƠN
Gắn biển tên đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: THANH SƠN

Ngày 12-12, kỳ họp thứ 8, HĐND thành phố khóa VIII chính thức thông qua việc đặt tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đường Võ Nguyên Giáp nối giữa hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa, có điểm đầu là đường Nguyễn Huy Chương (quận Sơn Trà) và điểm cuối giáp đường Minh Mạng (quận Ngũ Hành Sơn). Việc đặt tên đường Võ Nguyên Giáp nằm giữa hai tuyến đường quan trọng là Hoàng Sa và Trường Sa thể hiện sự tôn trọng vị Đại tướng thiên tài của đất nước cùng những cống hiến của ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời ngày 4-10-2013. Ông là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh, người chỉ huy đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong lịch sử thế giới hiện đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ghi nhận là người đã đánh thắng cả quân đội Pháp và Mỹ khi làm thất bại tham vọng của hai thế lực quân sự hàng đầu thế giới này. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đại tướng trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Đặc biệt tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) và chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) - những bước ngoặt trong lịch sử dân tộc.

4. Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng

Một góc đô thị Đà Nẵng.                                            Ảnh: NGỌC HỢI
Một góc đô thị Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HỢI

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia; là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Mục tiêu phát triển Đà Nẵng thành thành phố cấp quốc gia, hiện đại; là đô thị trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng miền Trung và Tây Nguyên. Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố đặc biệt cấp quốc gia, hướng tới đô thị cấp quốc tế và phát triển bền vững.

Năm 2013, thành phố tổng rà soát 152 đồ án quy hoạch kéo dài nhiều năm, trong đó hủy 32 đồ án và điều chỉnh 50 đồ án. Qua rà soát, thành phố chỉ đạo thực hiện các biện pháp kiên quyết đối với các dự án treo, dự án không triển khai, chậm triển khai gắn với việc giải quyết thỏa đáng các quyền lợi của nhân dân trong vùng có dự án quy hoạch treo hoặc chậm triển khai cũng như ruộng đất nhân dân không sản xuất được; tạo điều kiện cho nhân dân được xây dựng nhà ở, tách thửa, thừa kế, chuyển nhượng.

5. Đưa vào sử dụng nhiều công trình mới

Cầu Rồng, một trong những cây cầu có kiến trúc độc đáo ở Đà Nẵng.                                                   	            Ảnh: KHẢ THỊNH
Cầu Rồng, một trong những cây cầu có kiến trúc độc đáo ở Đà Nẵng. Ảnh: KHẢ THỊNH

Năm 2013 có 4 cây cầu lớn được đưa vào sử dụng là cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Khuê Đông. Cầu Rồng với thiết kế kết cấu vòm thép mô phỏng theo hình con rồng mạnh mẽ vươn mình ra Biển Đông, thể hiện ước vọng phát triển của thành phố đã được Hiệp hội các công ty kỹ thuật New York, Hoa Kỳ bình chọn và trao Giải thưởng Kim cương cho hạng mục giải pháp thiết kế . Cầu Trần Thị Lý, với trụ tháp nghiêng cao 145 mét và hệ dây văng 3 mặt phẳng tạo dáng hình cánh buồm căng gió trên sông rất ấn tượng. Riêng công trình cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông và đường Võ Chí Công thuộc dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ khánh thành đã mở rộng không gian đô thị thành phố về phía Nam.

Ngày 19-1-2013, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng khánh thành. Bệnh viện có gần 500 cán bộ y tế, quy mô 500 giường và 27 khoa phòng, tổng kinh phí đầu tư tính đến thời điểm bắt đầu hoạt động là 1.500 tỷ đồng. Tọa lạc tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Bệnh viện Ung thư có diện tích 150.000m2, trong đó khu vực khám chữa bệnh chiếm 100.000m2. Điểm đặc biệt của Bệnh viện Ung thư là việc thực hiện các chế độ miễn giảm cho người nghèo như viện phí, cháo từ bếp ăn từ thiện, nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân.

6. Kim ngạch xuất khẩu Đà Nẵng vượt ngưỡng 1,3 tỷ USD

Năm 2013 lần đầu tiên, Đà Nẵng đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vượt ngưỡng 1,3 tỷ USD, dẫn đầu là các ngành sản xuất thiết bị điện, viễn thông và sản phẩm điện tử với giá trị kim ngạch trên 240 triệu USD, ngành dệt-may 215 triệu USD và ngành thủy sản đạt 115 triệu USD… Năm 2014, dự kiến chỉ tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của thành phố tăng 13-14%, trong đó xuất khẩu hàng hóa tăng 13,5-14%.

Công nhân Công ty CP Dệt-may 29-3 đang may hàng xuất khẩu.   			                           Ảnh: ĐỨC THỊNH
Công nhân Công ty CP Dệt-may 29-3 đang may hàng xuất khẩu. Ảnh: ĐỨC THỊNH

Năm 2013 tiếp tục là năm thành công của Cảng Đà Nẵng với trên 5 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng. Đặc biệt trong số này lượng hàng container tiếp tục tăng trưởng tốt với 163.000 TEUs, tăng 13,2% so với năm 2012. Năm 2013 cũng là năm doanh thu của cảng đạt mức cao nhất với trên 480 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2012, nộp thuế gần 30 tỷ đồng, thu nhập người lao động tăng 15% so với năm 2012.

Trong năm 2013, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước hơn 3,1 triệu lượt khách, tăng 17,2% so với năm 2012, đạt 103,9% kế hoạch. Trong đó khách quốc tế ước đạt 743.000 lượt, tăng 17,8% so với năm 2012, bằng 106,2% kế hoạch; khách nội địa ước đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 17% so với năm 2012, bằng 103,2% kế hoạch. Tổng thu du lịch ước đạt gần 7.800 tỷ đồng, tăng 29,8% so với năm 2012, bằng 119,8% kế hoạch.

7. Thu ngân sách đạt kế hoạch

Sản xuất lốp ô-tô tại Nhà máy sản xuất Radial - Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC), một trong những doanh nghiệp có đóng góp giá trị lớn cho sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và thu ngân sách. 				               Ảnh: Đ.N
Sản xuất lốp ô-tô tại Nhà máy sản xuất Radial - Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC), một trong những doanh nghiệp có đóng góp giá trị lớn cho sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và thu ngân sách. Ảnh: Đ.N

Năm 2013 mặc dù kinh tế thành phố tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế, nhưng tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố vẫn đạt khá. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 11.217,3 tỷ đồng. Thành phố đã tích cực áp dụng các biện pháp đẩy mạnh khai thác các nguồn thu. Tổng thu nội địa ước đạt 8.170,3 tỷ đồng, bằng 100% dự toán, tăng 21% so với năm 2012. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GDP) năm 2013 ước tăng 8,1% so với năm 2012; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước tăng 10%.

Đáng chú ý, cơ cấu nguồn thu có sự thay đổi quan trọng: thu từ đất từ chỗ chiếm trên dưới 50% tổng thu trước đây, nay giảm còn khoảng 25%.

8. Khởi công nút giao thông ngã ba Huế

Phối cảnh nút giao thông nga ba Huế.
Phối cảnh nút giao thông nga ba Huế.

Ngày 28-9, công trình nút giao thông ngã ba Huế khởi công xây dựng. Công trình có tổng mức đầu tư giai đoạn một 1.797 tỷ đồng, thiết kế theo hình khối lập xuyến ba tầng, chịu được mức động đất cấp 8, tốc độ lưu thông qua nút chính đạt 60km/h, và qua các nhánh rẽ là 40km/h. Thời gian thực hiện dự án dự kiến là 18 tháng, bắt đầu từ cuối tháng 9-2013 và sẽ khánh thành đưa vào sử dụng nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng 29-3-2015. Với công trình này, không những thành phố sẽ hạn chế được TNGT, ùn tắc giao thông mà còn có một công trình kiến trúc độc đáo và ấn tượng ngay cửa ngõ phía Bắc thành phố.

9. Ứng phó với các cơn bão và khắc phục bão số 11

Ngành Điện lực khắc phục sự cố đường dây điện sau bão.  				             Ảnh: VĂN NỞ
Ngành Điện lực khắc phục sự cố đường dây điện sau bão. Ảnh: VĂN NỞ

2013 là năm có nhiều cơn bão mạnh đổ bộ và đe dọa đến thành phố Đà Nẵng, nhất là bão số 11 (Nari) và siêu bão số 14 (Haiyan). Đặc biệt, bão số 11 đổ bộ vào Đà Nẵng trong tháng 10-2013 làm hàng loạt cây xanh ngã đổ, gây tổng thiệt hại cho thành phố 868 tỷ đồng.

Chủ động ứng phó với các cơn bão, lãnh đạo thành phố đã tập trung chỉ đạo, có nhiều biện pháp và sáng kiến huy động nguồn lực tại chỗ và vận động nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, bảo đảm các sinh hoạt của nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh sớm trở lại bình thường. Qua thiên tai, đã thấy được sự nỗ lực của chính quyền, quân – dân, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong việc chủ động đề phòng, ứng phó, khắc phục và hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản trong bão.

10. Ngày hội Sử học Đà Nẵng 2013

Việc tổ chức Ngày hội Sử học có tác dụng nâng cao nhận thức về lịch sử dân tộc và chủ quyền lãnh thổ của đất nước.  Trong ảnh: Chiến sĩ Hải quân xem triển lãm chủ quyền Hoàng Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng. 		           Ảnh: Đắc Mạnh
Việc tổ chức Ngày hội Sử học có tác dụng nâng cao nhận thức về lịch sử dân tộc và chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Trong ảnh: Chiến sĩ Hải quân xem triển lãm chủ quyền Hoàng Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Đắc Mạnh

Lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng tổ chức thành công Ngày hội Sử học 2013 với  cách làm mới mẻ nhằm thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta - Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Đây là chuỗi hoạt động do Hội Khoa học Lịch sử thành phố phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thành Đoàn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng và Báo Đà Nẵng đồng tổ chức trong khoảng thời gian gần 4 tháng, bắt đầu từ tháng 8 đến Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11.

Đối tượng tác động chủ yếu của Ngày hội Sử học năm nay là học sinh các trường phổ thông trên địa bàn thành phố thông qua hội thi hùng biện và hát tốp ca về danh nhân hoặc địa danh trường mang tên. Hoạt động học thuật và truyền thông gây tiếng vang lớn nhất trong Ngày hội Sử học lần này là Hội thảo khoa học “Vai trò Nguyễn Tri Phương trên mặt trận Đà Nẵng trong kháng chiến chống Liên quân Pháp-Tây Ban Nha 1858-1860” do Hội Khoa học Lịch sử thành phố phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức vào ngày 28 - 9. Nhân dịp này, lãnh đạo thành phố đến đặt vòng hoa và dâng hương tại Nghĩa trủng Phước Ninh mới ở nghĩa trang Sơn Gà, nơi quy tập khoảng 3.000 hài cốt nghĩa sĩ đã vị quốc vong thân trong cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải 155 năm trước.

;
.
.
.
.
.