.

Quan hệ hợp tác Đà Nẵng-Lào: Hướng tới chiều sâu, thiết thực và hiệu quả

.

Sau khi UBND thành phố Đà Nẵng thành lập Ban Quản lý các dự án Nam Lào, đặt văn phòng tại thị xã Pakse, tỉnh Champasak vào năm 2009, với nhiệm vụ của mình, Ban Quản lý đã trở thành đầu mối theo dõi và xử lý các vấn đề liên quan đến các chương trình hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng và các địa phương của Lào, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện các dự án, chương trình hợp tác đã được ký kết giữa thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Savannakhet, Champasak, Salavan, Sekong và Attapu của nước Lào.

Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội hai nước Việt Nam và Lào chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Văn phòng Quốc hội hai nước diễn ra tại Đà Nẵng ngày 5-8-2013.
Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội hai nước Việt Nam và Lào chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Văn phòng Quốc hội hai nước diễn ra tại Đà Nẵng ngày 5-8-2013.

Thành phố đã ký kết 29 văn bản thỏa thuận và ghi nhớ với nhiều địa phương của Lào như: Thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh Savannakhet, Champasak, Sekong, Salavan, Attapu, Bolikhamsay, Xaynhaburi trên các lĩnh vực: Tăng cường trao đổi đoàn giữa hai bên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác sản xuất, kinh doanh, hợp tác giúp đỡ về quy hoạch, phát triển nông nghiệp, hợp tác về y tế, giáo dục, văn hóa-xã hội.

Hiện nay có 4 công ty của thành phố Đà Nẵng đang đầu tư tại Lào với tổng vốn đầu tư gần 51,4 triệu USD. Cụ thể: Công ty TNHH Vân Thu đầu tư nhà máy dệt nhuộm tại Viêng Chăn (8 triệu USD), Công ty CP Thành Ngọc đầu tư tại Attapu về khai thác khoáng sản (900.000 USD), Công ty Foodinco đầu tư nhà máy sản xuất bột sắn tại Attapu (3 triệu USD), Công ty Hữu Nghị Nam Lào đầu tư tại các tỉnh Champasak, Sekong, Attapu trên các lĩnh vực trồng cây cao su, sản xuất gạch tuy-nen, chế biến tinh bột sắn (40,4 triệu USD). Đặc biệt có ông Nguyễn Ngọc Huy, công dân thành phố Đà Nẵng đang sinh sống làm ăn tại tỉnh Salavan, đã thành lập Công ty Vanda, đầu tư 1.000ha cây cao su, khai thác và chế biến gỗ, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Kim ngạch xuất khẩu của thành phố sang Lào năm 2012 đạt 41,5 triệu USD, chủ yếu xuất xăng dầu, cao su thành phẩm (săm lốp), hạt nhựa, hạt dẻo. Trong 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu sang Lào đạt 25 triệu USD. Trong 9 tháng đầu năm 2013, các doanh nghiệp thành phố đã tham gia nhiều hội chợ tại Lào như: Hội chợ triển lãm Watphu Champasak tại tỉnh Champasak; triển lãm trưng bày và giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của 4 nước dọc theo tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây tại Trung tâm Trưng bày thương mại và công nghiệp EWEC tại tỉnh Savannakhet; qua đó đã ký kết được nhiều hợp đồng ngoại thương, các ghi nhớ, thỏa thuận về hợp tác đầu tư, tìm được thị trường và bạn hàng mới.

Theo báo cáo của Sở Ngoại vụ, đến hết năm 2012, thành phố đã hỗ trợ nước bạn Lào 51 chương trình, dự án với tổng kinh phí 57,234 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, quy hoạch kinh tế-xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, giao thông, huấn luyện thể thao.

Từ năm 2013-2015, thành phố đã cam kết hỗ trợ các tỉnh Nam Lào 50 tỷ đồng trên các lĩnh vực: giáo dục, nông nghiệp. Đặc biệt là các chương trình hợp tác giáo dục nổi bật như: Từ khóa đầu tiên năm 2002 đến nay, Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã tiếp nhận 629 lưu học sinh Lào theo học tiếng Việt, đại học và cao học các chuyên ngành Sư phạm và Kinh tế các tỉnh Champasak, Sekong, Savannakhet, Salavan, Attapu, Khammuon, Bolikhamxay và ĐH Quốc gia Lào. ĐH Đà Nẵng cũng đã thiết lập quan hệ kết nghĩa với Trường Cao đẳng Sư phạm Pakse, tỉnh Champasak.

Trong tháng 4-2007, Học viện Chính trị-Hành chính khu vực 3 đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác với Trường Chính trị-Hành chính tỉnh Savannakhet. Chính quyền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Champasak cũng đã cam kết tạo điều kiện cho việc trao đổi đoàn giữa ĐH Đà Nẵng và Phân hiệu ĐH Quốc gia Lào tại Champasak. Chỉ tính riêng trong năm 2013, thành phố đã cấp mới cho các tỉnh Nam Lào 43 học bổng. Hiện có 98 sinh viên Lào đang theo học tại Đà Nẵng nhận học bổng của thành phố. Trong tháng 9-2013, thành phố Đà Nẵng đã cử 4 giáo viên người Việt tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường ĐH Quốc gia Lào tham gia giảng dạy tiếng Việt ở Trung tâm Tiếng Việt do thành phố tài trợ tại tỉnh Savannakhet.

Từ năm 2008 đến năm 2011, hằng năm thành phố đã cử cán bộ tham gia khóa học tiếng Lào trong thời gian 9 tháng tại Champasak theo chương trình học bổng của tỉnh Champasak nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Trong các chuyến thăm và làm việc tại Lào, thành phố Đà Nẵng cũng đã trao tặng các tỉnh Trung và Nam Lào nhiều trang thiết bị trường học.

Một số sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận sinh viên Lào thực tập tại cơ quan để các em trải nghiệm thực tế. Nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa dành cho sinh viên Lào đã được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng trong năm 2012 như Hội nghị tổng kết năm 2010-2011 dành cho lưu học sinh Lào tại các tỉnh miền Trung Việt Nam nhằm đánh giá lại tình hình học tập của sinh viên Lào đang học tại 20 trường trên địa bàn các tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên Việt Nam; triển khai chương trình “ở nhà dân” cho các em sinh viên Lào năm thứ nhất đang học tiếng Việt tại ĐH Đà Nẵng…

Với việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai bên, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào nói chung và quan hệ Đà Nẵng với các địa phương của Lào nói riêng ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, với nhiều hình thức hợp tác phong phú, đa dạng.

Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.