Tài nguyên lâm sản giữa rừng nguyên sinh thuộc lâm phận xã Hòa Bắc, Hòa Vang vô cùng phong phú. Ở những khu vực lâm tặc chưa bén mảng tới, vô số cây gỗ to thẳng xếp lớp nối nhau trùng điệp; còn những nơi bị xâm hại, cây gỗ lớn hầu như không còn. Đó là những gì chúng tôi ghi nhận được trong chuyến lội rừng 2 ngày tại các tiểu khu 27 và 29.
![]() |
Đống gỗ phách để từ lâu tại khu vực do đơn vị khai thác vàng quản lý, cỏ đã phủ lên phía trên. Xung quanh đó, rừng đã biến mất. |
7 giờ sáng một ngày cuối năm 2013, Tổ tuần tra truy quét 9 người gồm lực lượng kiểm lâm Hòa Vang, công an, dân quân xã Hòa Bắc, ai nấy ba-lô nặng vai, lầm lũi vào rừng. Tôi là “kẻ ngoại đạo”, được bổ sung đi theo tổ vào phút chót, nên chỉ kịp cầm theo máy ảnh và chiếc võng bạt. Vừa vượt qua con suối sát bìa rừng, mọi người cho hay, điểm đến đầu tiên là khu vực khai thác vàng của Công ty TNHH MTV Trường Sơn, cách đó hơn 10 cây số.
Hơn 4 tiếng đồng hồ đi trên con đường đất ngoằn ngoèo xuyên giữa rừng nguyên sinh, đoạn lởm chởm đá dốc đứng đến nghẹt thở, đoạn trơn trượt, chúng tôi mới đến khu vực khai thác vàng của Công ty TNHH MTV Trường Sơn. Trước mắt là hàng chục héc-ta rừng đã biến mất, nhường chỗ cho những ngôi nhà gỗ, lợp bạt và bãi thải đầy bùn đất. Một phách gỗ nằm chình ình ngay lối vào. Sát đó, ngay lối vào “đại bản doanh” của công ty khai thác vàng, vách núi sạt lở nham nhở và một hầm vàng xuyên qua đường đang khai thác.
Máy phát điện của công ty khai thác vàng nổ ầm ầm. Thời điểm chúng tôi có mặt, công ty này chỉ còn khoảng 20 người, đa số quê ngoài Bắc. Cán bộ phụ trách tên Thiện, còn khá trẻ. Hỏi về tình hình khai thác vàng, anh nói rằng không được quyền phát ngôn, có gì gặp lãnh đạo công ty tại lô số 5, đường Trần Thị Lý, Đà Nẵng.
Bám theo đường có nhiều cây gỗ to bị đánh bật gốc chỏng chơ, chúng tôi đi sâu vào rừng. Rừng gần khu vực khai thác vàng bị triệt hạ không thương tiếc. Khá nhiều cây gỗ to cỡ 2 - 3 người ôm không xuể bị đốn hạ từ nhiều tháng trước. Có cây gỗ đã chuyển đi, còn mấy tấm bìa. Có cây chỉ trơ lại gốc. Một số cây bị đốn hạ, cắt khúc nhưng chưa “xẻ thịt”. Đứng từ trên cao nhìn xuống, toàn bộ khu vực hàng chục héc-ta do Công ty TNHH MTV Trường Sơn quản lý không một bóng cây, dù là nhỏ nhất. Nhìn sang khu vực bên cạnh, rừng tuy có bị xâm hại song vẫn còn khá nhiều gỗ. Đi sâu vào khu vực chưa bị xâm hại thuộc tiểu khu 29, gỗ bạt ngàn, mật độ dày đặc, trông thật thích mắt.
“Khi chưa đến nơi, tôi cứ nghĩ, đơn vị khai thác vàng làm nhà ở dưới tán rừng già, những cây gỗ to, gỗ quý vẫn còn. Ai ngờ cây bị chặt hạ, chỉ còn là khu đất trống. Số gỗ thu được từ mấy chục héc-ta này đi đâu? Tại sao lực lượng kiểm lâm không giám sát, buộc họ phải giữ nguyên hiện trạng cây rừng tại khu vực được phép khai thác vàng”, quay sang anh Huỳnh Thủy, Trạm phó Kiểm lâm Hòa Bắc, phụ trách tổ tuần tra truy quét, tôi nêu thắc mắc. Anh Thủy không trả lời được điều tôi nêu ra.
Men theo lối nhỏ giữa đại ngàn, chúng tôi lần sang tiểu khu 27, nơi vốn là điểm nóng khai thác vàng trái phép. Trên đường, chúng tôi cố gắng quan sát và nhận thấy, bên những cây gỗ to, thỉnh thoảng bắt gặp cây chỉ trơ lại gốc. Vài ba cây gỗ chò đường kính ước hơn 1 mét, bị lâm tặc cưa dở, kiểu như đánh dấu, vết cưa đang ứa nhựa. Sát lối đi, hầm vàng giống như giếng vuông sâu hun hút. Có hầm xuyên sâu trong vách núi. Một số hầm bị lực lượng chức năng đánh sập. Đang đi, bỗng dưng phía trước xuất hiện bóng một người đàn ông còn trẻ. Vừa nhác thấy chúng tôi, anh ta vọt chạy rất nhanh. Thấy vậy, mấy anh dân quân và công an xã Hòa Bắc cho rằng, có tốp người vừa xâm nhập vào rừng khai thác gỗ lậu.
(Còn nữa)
NGUYỄN CẦU