Sự ra đời của doanh nghiệp khai thác vàng giữa rừng nguyên sinh ắt kéo theo hệ lụy hết sức nguy hại, đó là nhiều người ở giữa rừng, đường sá mở vào rừng, dứt khoát tình trạng phá rừng gia tăng.
![]() |
Một góc trong phạm vi 22ha khu vực cho phép Công ty TNHH MTV Trường Sơn khai thác vàng. |
Trước đây, khi đường ô-tô chưa mở vào rừng, đưa phách gỗ về đến thôn bản họ phải dùng trâu kéo hoặc bè dọc suối rất vất vả, nguy hiểm và tốn thời gian. Từ ngày đường mở ra, xe tải ben 2 cầu có thể vào tận nơi chở gỗ. Đã không ít lần, qua tuần tra truy quét, lực lượng kiểm lâm phát hiện nhiều gỗ lậu lâm tặc chưa kịp chuyển đi. Có thể nói, việc Công ty TNHH MTV Trường Sơn mở đường từ thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc vào đến khu vực khai thác vàng đã tạo thuận lợi cho lâm tặc. Đây là nguyên nhân làm rừng nguyên sinh ở 2 tiểu khu 27, 29 bị tàn phá nghiêm trọng. Theo các cán bộ Kiểm lâm Hòa Bắc, thời kỳ cao điểm, khu vực khai thác vàng có hơn 300 nhân công làm việc suốt ngày đêm. Có giai đoạn họ thuê cả cảnh sát đến bảo vệ.
Nguyên nhân thứ hai là, mặc dù rất nỗ lực và vất vả, song việc bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương chưa mấy hiệu quả. Đường vận chuyển gỗ về xuôi chỉ có thể trên đường ĐT601 hoặc bè dọc sông Cu Đê, thế nhưng, gỗ lậu vẫn lọt về xuôi. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm quá mỏng. Trạm Kiểm lâm Hòa Bắc chỉ có 5 cán bộ, nhân viên, nhưng quản lý bảo vệ 5.500 ha rừng nguyên sinh tại các tiểu khu 25, 27, 29 nên không thể bao quát hết. Được biết, thời điểm này, lực lượng kiểm lâm hùng hậu nhất kể từ trước đến nay: 100 người. Thế nhưng, bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng nguyên sinh ở Hòa Bắc, nơi lâm tặc thường xuyên hoạt động lại quá mỏng. Rừng Hải Vân, chỉ hơn 2.000ha, trong đó trên 90% là rừng trồng và đồi núi trọc, nhưng Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu có 14 người; hoặc như rừng Sơn Trà, sau khi bàn giao cho các đơn vị du lịch chỉ còn hơn 3.000ha phía trên chỏm, ít có sự xâm hại thế mà biên chế 13 cán bộ, nhân viên.
Nguyên nhân thứ ba làm cho rừng ít khi bình yên, đó là đời sống người dân các thôn vùng cận rừng, đặc biệt là hai thôn Tà Lang, Giàn Bí của xã Hòa Bắc vẫn còn khó khăn. Không có đất canh tác, chăn nuôi liên tục thất bát, đất rừng trồng ít, bị gãy đổ do bão, thu nhập của họ quá ít ỏi; vì vậy vào rừng chặt gỗ như là hoạt động tất yếu để mưu sinh. Hoạt động này được một số đầu nậu gỗ từ dưới phố cổ vũ, tiếp sức, bằng cách đầu tư tiền bạc cho người dân và mua lại gỗ họ đưa về. Trong lúc khó khăn về việc làm và thu nhập, không còn cách nào khác, nhiều người đành chấp nhận vào rừng đốn gỗ.
Nói thêm về doanh nghiệp được phép khai thác vàng giữa đại ngàn. Ngày 21-3-2008, UBND thành phố Đà Nẵng cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 2441/GP-UBND, cho phép Công ty TNHH MTV Trường Sơn được khai thác vàng gốc tại Khe Đương, thuộc xã Hòa Bắc, Hòa Vang, trên phạm vi 22ha, công suất khai thác 60kg vàng 98%/năm, thời hạn đến tháng 3-2013. Giấy phép yêu cầu doanh nghiệp này có trách nhiệm bảo vệ rừng và môi trường sinh thái, cũng như trồng cây sau khi hết hạn khai thác. Đến ngày 22-6-2011, UBND thành phố ban hành tiếp Giấy phép khai thác khoáng sản số 5258/GP-UBND, cho phép Công ty TNHH MTV Trường Sơn tiếp tục khai thác vàng gốc tại Khe Đương, trên phạm vi 22ha. Theo giấy phép, trữ lượng vàng thành phẩm dự kiến còn lại 306kg, công suất khai thác dự kiến 60kg/năm. Giấy phép có hiệu lực 36 tháng kể từ ngày ký.
Sau hơn 5 năm khai thác vàng, số liệu từ Cục Thuế Đà Nẵng thể hiện doanh nghiệp này đã nộp vào ngân sách Nhà nước năm 2012: 292.066.372 đồng, năm 2013 (đến 28-11) là 255.112.302 đồng. Quả là con số quá khiêm tốn với hoạt động khai thác vàng tại khu vực giàu tài nguyên vàng nhất Đà Nẵng.
Hơn nửa tỷ đồng nộp vào ngân sách bao gồm các loại thuế giá trị gia tăng, môn bài, thu nhập doanh nghiệp, tài nguyên, phí bảo vệ môi trường… để rồi, 22ha rừng biến mất, nhiều diện tích xung quanh bị xâm hại, liệu có tương xứng?
Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm trước thực trạng rừng nguyên sinh đầu nguồn bị xâm hại nghiêm trọng suốt mấy năm qua? Cho phép một doanh nghiệp khai thác vàng giữa đại ngàn có hợp lý? Toàn bộ số gỗ có trên diện tích 22ha giao cho Công ty TNHH MTV Trường Sơn quản lý đi đâu? Ai chịu trách nhiệm về sự tổn thất không nhỏ về tài nguyên và môi trường sinh thái này? 5 năm qua, tình trạng khai thác gỗ diễn ra rất nghiêm trọng tại các tiểu khu 27, 29 rừng Hòa Bắc, tại sao không có giải pháp khả thi để ngăn chặn?
Biết chúng tôi vừa lội rừng về, ông Phạm Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc nói ngay: Rừng tại các tiểu khu 27, 29 bị tàn phá đều do đường vào khu vực khai thác vàng mở ra. Trước đây, rừng hai bên đường dẫn vào bãi vàng, tài nguyên lâm sản rất phong phú, thế mà hiện giờ tan hoang, không còn cây gỗ lớn. Nói đúng hơn rừng đã hết gỗ. Chính quyền địa phương hoàn toàn không đồng tình với chủ trương cho phép khai thác vàng này, bởi đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới rừng bị tàn phá.
Ông Dũng còn cho biết thêm: Doanh nghiệp khai thác vàng hứa với địa phương sẽ xây cho hai thôn đồng bào dân tộc, mỗi thôn một công trình dân sinh, nhưng đến nay chẳng thấy tăm hơi gì. Chấm dứt việc khai thác vàng tại Khe Đương đã trở thành vấn đề vô cùng cấp bách…
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU