.

Thực phẩm chức năng đang mất kiểm soát?

Giờ vàng quảng cáo trên nhiều kênh truyền hình hiện nay phần lớn bị áp đảo bởi rất nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN) hỗ trợ điều trị bệnh.

Vẫn biết rằng quảng cáo là chuyện bình thường để nhiều người biết nhưng vấn đề là quảng cáo quá sự thật khiến cho người dân không biết đâu là công hiệu đích thực của những loại TPCN tràn lan trên thị trường như hiện nay. Hỗ trợ điều trị bá bệnh, kể cả ung thư, các bệnh mãn tính theo kiểu thần dược đã làm cho thị trường TPCN ở Việt Nam trở nên mất kiểm soát, khó quản lý hiệu quả. Nhiều loại TPCN trong nước sản xuất, kể cả ngoại nhập được rao có công dụng kỳ diệu giúp phụ nữ mọi lứa tuổi luôn giữ mãi sắc xuân, hay các quý ông nhanh chóng tìm lại được “bản lĩnh” chỉ sau một đến hai giờ mà không bị tác dụng phụ... đã cố tình đánh mạnh vào sự hiếu kỳ của người tiêu dùng.

Chính việc quảng cáo quá mức với tần suất xuất hiện liên tục, cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì sản phẩm giữa TPCN và thuốc chữa bệnh đã tác động không nhỏ tới ý thức của người tiêu dùng khiến nhiều người hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua TPCN sử dụng thường xuyên. Nhưng cũng chính từ đây xuất hiện hiện tượng bán hàng đa cấp mà lâu nay dư luận xã hội lên án mạnh mẽ vì những mập mờ, gian lận trong kinh doanh. Nỗi lo lớn nhất là giá cả quá nhập nhằng. Nguồn gốc sản phẩm lại không rõ ràng, xuất hiện hàng giả, hàng nhái, chất lượng không được cơ quan quản lý có chuyên môn thẩm định một cách chính xác. Vì cách hiểu sai lầm nêu trên nên rất nhiều trường hợp người tiêu dùng tiền mất, tật mang do quá lạm dụng TPCN đưa vào cơ thể mà không được bác sĩ tư vấn chặt chẽ và kịp thời.

Con số hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh TPCN với khoảng 10.000 sản phẩm đưa ra thị trường cho thấy đây là mảnh đất màu mỡ để kiếm lời. Điều đó thể hiện qua việc mặc dù cùng một tên loại sản phẩm nhưng chúng lại có giá thành khác nhau, mỗi nơi một giá bán, không có giá cố định. Ví dụ như cùng là sản phẩm tảo Spirulina nhưng giá thành của nó lại có nhiều mức khác nhau từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng. Theo lý giải của những người kinh doanh, việc giá thành khác nhau là do sản phẩm được xách tay từ nước ngoài về nên được bán với giá rẻ hơn so với sản phẩm do doanh nghiệp phải nhập khẩu. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Hiệp hội TPCN Việt Nam, các sản phẩm xách tay thường không rõ nguồn gốc, có những sản phẩm đã hết hạn sử dụng nhưng được tháo ra đóng vào hộp mới rồi đem về bán trong nước nhằm thu lợi cao.

Lâu nay, TPCN được biết đến là sản phẩm mang lại lợi ích dinh dưỡng một cách tự nhiên, có tác dụng tăng cường đề kháng cho cơ thể nhờ các chất chống oxy hóa, chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ, giảm nguy cơ bệnh tật, hỗ trợ làm đẹp, hỗ trợ điều trị nhiều  bệnh. Tuy vậy, TPCN không phải là thuốc nên không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ hỗ trợ điều trị bệnh. Do vậy, người bệnh cũng cần biết rằng việc điều trị và hỗ trợ điều trị là hoàn toàn khác nhau. Sản phẩm TPCN quảng cáo dùng để trị bệnh là hoàn toàn sai và người tiêu dùng phải đề cao cảnh giác. Tốt hơn hết, người tiêu dùng cần được tư vấn trược khi mua và sử dụng TPCN bởi không ít trường hợp người dùng bị phản ứng với một số thành phần của các loại sản phẩm này.

Trong nỗ lực nhằm chấn chỉnh tình trạng kinh doanh, quảng cáo tràn lan TPCN, vừa qua Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp triển khai quản lý chặt chẽ việc quảng cáo TPCN. Theo đó, việc quảng cáo TPCN chỉ được phép khi nội dung quảng cáo đã được cơ quan chức năng thẩm định, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý TPCN. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra tập trung mạnh vào các lĩnh vực chống buôn lậu, hàng giả, kinh doanh bán hàng đa cấp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Y tế khuyến cáo, nếu có nhu cầu, người dân nên tìm mua những sản phẩm có ghi rõ nguồn gốc sản xuất, xuất xứ, nhà nhập khẩu, phân phối để có cơ sở truy xuất khi gặp phải những vấn đề liên quan xảy ra khi sử dụng.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.