.
VỤ "KHAI THÁC GỖ TRÁI PHÉP Ở HÒA BẮC"

Người dân khai là gỗ lụt (?)

.

Sau khi Báo Đà Nẵng số ra ngày 3-12 đăng bài viết “Khai thác gỗ trái phép ở Hòa Bắc”, phản ánh tình trạng lâm tặc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tập kết trên địa bàn thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, sáng cùng ngày, lực lượng kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang và Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (thuộc Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng) đã đến hiện trường kiểm tra vụ việc.

Có mặt tại hiện trường sáng cùng ngày, chúng tôi ghi nhận hiện trường đã thay đổi so với những gì diễn ra so với ngày trước đó.

Các phách gỗ để dọc bên đường được chuyển vào bên trong vườn nhà bị lực lượng kiểm lâm tạm giữ sáng 3-12.
Các phách gỗ để dọc bên đường được chuyển vào bên trong vườn nhà bị lực lượng kiểm lâm tạm giữ sáng 3-12.

Tạm giữ 1,6m3 gỗ

Dọc theo con đường bê-tông phía sau nhà Gươl thôn Tà Lang, hiện trường tập kết gỗ đã bị xáo trộn, không giống như những gì chúng tôi ghi nhận trong sáng 2-12. Nhiều phách gỗ lớn được cưa xẻ vuông vứt màu đỏ còn lấm lem bùn đất để dọc bên đường hoặc cất giấu trong các lùm cây vườn nhà đã được lâm tặc tẩu tán. Dọc hai bên đường chỉ còn những phách gỗ nhỏ được để trong các lùm cây dọc mép đường bê-tông.

Qua kiểm tra, lực lượng kiểm lâm đã lập biên bản tạm giữ 12 phách gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 7, tổng cộng 1,6m3, có sự kiểm tra của chính quyền thôn Tà Lang. Theo biên bản kiểm tra của Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang, số gỗ này của 4 hộ dân người dân tộc Cơtu đều trú thôn Tà Lang gồm: Trần Văn Trường, Trương Văn Đào, Lê Văn Lâm và Hồ Ngọc Quý. Các hộ dân này khai nhận số gỗ phách nói trên có nguồn gốc từ củi lụt mà họ vớt được trên sông Nam hồi bão số 14. Số củi này sau đó được các hộ xẻ thành từng phách để dọc theo đường bê-tông (!).

Có mặt tại hiện trường trưa cùng ngày, ông Trần Văn Vân - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tà Lang - cũng một mực khẳng định những phách gỗ lực lượng kiểm lâm lập biên bản tạm giữ có nguồn gốc từ việc người dân vớt củi lụt trước đó, chứ không phải khai thác trái phép trong rừng. Chúng tôi đặt câu hỏi rằng nhiều người dân địa phương phản ánh tình trạng khai thác gỗ trái phép trên địa bàn vẫn xảy ra, theo ông việc này có hay không? Ông Trần Văn Vân khẳng định không có chuyện đó. Bởi lẽ, người dân ở thôn Tà Lang đã có ý thức chấp hành tốt, họ đứng ra nhận trồng rừng nên lâu nay tình trạng khai thác gỗ trái phép không còn xảy ra. Trong khi đó, cũng với câu hỏi này, ông Đặng Phương Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa thừa nhận, so với trước đây, tình trạng khai thác gỗ lậu đã hạn chế nhiều. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn còn một số trường hợp lâm tặc lén lút khai thác gỗ trái phép nhỏ lẻ.

Sẽ điều tra, xử lý nghiêm

Về việc xử lý số “gỗ lụt” như người dân khai báo, ông Lê Mạnh Hùng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang - cho biết trước mắt lực lượng kiểm lâm lập biên bản tạm giữ số gỗ thu được tại hiện trường để tiếp tục điều tra, xử lý. Trường hợp nếu đúng đây là những phách gỗ được người dân cưa xẻ từ củi lụt thì Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang sẽ hướng dẫn người dân làm thủ tục kê khai để sử dụng. Còn nếu đây là gỗ khai thác trái phép thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, ông Hùng cũng cho biết thêm, mặc dù từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 94 đợt truy quét, tuy nhiên, tình trạng khai thác gỗ trái phép nhỏ lẻ trên địa bàn xã Hòa Bắc vẫn còn xảy ra chứ chưa thể chấm dứt hẳn. “Trong thời gian đến, Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang sẽ tăng cường phối hợp với Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa thường xuyên tuần tra, ngăn chặn các hành vi tác động vào rừng trên địa bàn xã Hòa Bắc”, ông Hùng nói.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại chiều 3-12, ông Trần Đình Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngay sau khi Báo Đà Nẵng phản ánh sự việc, Sở đã chỉ đạo ngay Chi cục Kiểm lâm thành phố yêu cầu tổ chức lực lượng đến hiện trường kiểm tra. Sau khi có kết quả kiểm tra, báo cáo về Sở NN&PTNT để có hướng tiếp tục chỉ đạo, xử lý.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.