Đó là dự kiến được phía nhà thầu của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đưa ra tại buổi đi thực tế khảo sát tiến trình thực hiện dự án “Xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng” chiều ngày 3-12 trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về đánh giá và xử lý dioxin/POPs tại Việt Nam.
Các công nhân đang phủ lớp bê-tông lên mố xử lý. |
Dự án tiến hành từ năm 2012 đến 2016, bao gồm các hợp phần rà soát và phá bom mìn; thiết kế đào xúc và vận chuyển đất, trầm tích ô nhiễm dioxin tới điểm tập kết để xử lý; thiết kế và xử lý sử dụng phương pháp nhiệt hủy với khối lượng đất và trầm tích nhiễm dự kiến là 73.000m3 đồng thời tiến hành phục hồi môi trường.
Ông Beau Sanders, Chủ nhiệm dự án Nhà thầu quản lý thi công của USAID, cho biết: Hiện, các bước chuẩn bị đã gần xong, đang hoàn thiện thêm hệ thống thu nước và xử lý nước, hệ thống thu khí và xử lý khí, công tác đào xới giai đoạn 1 cũng đã hoàn tất, có khoảng 1.250 máy truyền nhiệt đã được lắp đặt…
Các nhà thầu của USAID cho biết: Năm 2014 đi vào xử lý giai đoạn 1. Năm 2015 tiến hành đào xúc, làm khô bùn và lắp đặt hệ thống xử lý giai đoạn 2. Năm 2016 sẽ xử lý giai đoạn 2, lấy mẫu đất đã xử lý ở giai đoạn 2 để khẳng định hiệu quả xử lý, chuyển đất đã xử lý ra khỏi kết cấu mố xử lý, hoàn trả mặt bằng thi công.
Tin và ảnh: THANH TÌNH