Ở Đà Nẵng, mô hình “nồi cháo tình thương, nồi cơm tình nghĩa” những năm qua đã phát triển thành phong trào rộng khắp, lan tỏa thông điệp đầy ắp tình yêu thương và sự sẻ chia. Đây là phong trào thể hiện sâu sắc đạo lý thương người như thể thương thân của dân tộc và cũng là nét đẹp văn hóa riêng của Đà Nẵng.
Phát cháo tình thương tại Bệnh viện Đà Nẵng. |
Từ năm 2009, Chi hội 5 Chính Trạch (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) vận động những người buôn bán tại chợ Cồn hằng tuần nấu 200 suất cơm, cháo, mì, đem đến giúp bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đà Nẵng. Từ đó, chi hội trở thành nơi để bao tấm lòng thiện nguyện ủng hộ đồng tiền, bát gạo và tham gia nấu cháo giúp bệnh nhân nghèo.
Còn tại Nhà thờ Thanh Bình (quận Hải Châu), các tu sĩ dòng Thánh Phaolô và những người giàu lòng nhân ái mỗi ngày đóng góp tiền nấu 80 suất cơm trưa để sinh viên nghèo đến ăn miễn phí. Mô hình này đã giúp bao sinh viên nghèo, xa quê hoàn thành chương trình ĐH, CĐ. Sinh viên Nguyễn Thành Đô (Trường CĐ Đông Du) chia sẻ, gia đình em ở quê rất nghèo, em ra phố học trong cảnh khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, những bữa ăn trưa miễn phí ở Nhà thờ Thanh Bình đối với em thật quý giá!
Giai đoạn 2011-2013, phong trào “nồi cháo tình thương, nồi cơm tình nghĩa” toàn thành phố đã giúp bệnh nhân, sinh viên nghèo và các đối tượng xã hội tổng số 1,5 triệu bát cháo, mì, bún, 320.000 hộp cơm, hàng ngàn thùng sữa, với tổng trị giá gần 17 tỷ đồng. |
Các chùa Sư Nữ Bảo Quang (quận Hải Châu), Phổ Hiền (quận Cẩm Lệ), Quang Châu (huyện Hòa Vang), tiểu thương chợ Hòa Khánh, gia đình ông Trần Ngọc Bích (ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà)… ngày ngày tổ chức nấu cháo tình thương, cấp phát cho bệnh nhân nghèo và các đối tượng xã hội. Công đoàn Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Đà Nẵng và Phòng giao dịch quận Hải Châu vận động đoàn viên đóng góp kinh phí, hằng tháng ủng hộ từ 5-10 triệu đồng vào chương trình nồi cháo tình thương của Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố. Gia đình bà Trần Thị Ngọc (146 Lê Đình Dương), hai ông Nguyễn Tấn và Huỳnh Duy Cường (Công ty CP Thép Dana-Ý) cùng hàng trăm cá nhân khác thường xuyên ủng hộ và trực tiếp tham gia nấu cháo tình thương giúp bệnh nhân nghèo.
Đặc biệt, ở phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) đã thành lập Ban vận động nồi cháo tình thương do Chủ tịch UBND phường làm trưởng ban, hằng ngày tổ chức nấu cháo, cơm cấp phát cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện đa khoa quận Cẩm Lệ. Trong 3 năm (2011-2013), địa chỉ nhân đạo này đã cấp phát hơn 100.000 suất cháo, cơm, sữa…
Trên địa bàn thành phố, phong trào “nồi cháo tình thương, nồi cơm tình nghĩa” đã giúp hàng vạn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, sinh viên nghèo và bao mảnh đời bất hạnh vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Phong trào như vòng tay cưu mang đùm bọc của cộng đồng dành cho người nghèo khó. Nhiều người nghèo do bệnh tình kéo dài phải sống lâu trong bệnh viện, nên các khoản chi phí sinh hoạt phải hạn chế tối đa và những bát cháo tình thương trở thành cứu cánh của họ.
Bệnh nhân Lê Quang Hải (ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đà Nẵng cùng với người con gái chăm sóc cha tại đây, bao năm qua sống nhờ những bát cháo tình thương. “Buổi sáng, tôi và con cùng đi nhận cháo tình thương, nhưng chỉ ăn một nửa, một nửa để trưa ăn, buổi chiều cha con tôi lại đi nhận tiếp!”, ông Hải bộc bạch.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM