Nhiều mô hình mới, cách làm mới về quản lý đô thị trong điều kiện của thành phố Đà Nẵng được đánh giá tốt, có hiệu quả quản lý trên thực tế. Đây chính là những tiền đề quan trọng chứng tỏ bước đi đúng hướng và sẵn sàng cho việc hình thành phương pháp quản lý Nhà nước theo mô hình đô thị, hiện đại.
Nhiều mô hình mới, cách làm mới về quản lý đô thị trong điều kiện của TP. Đà Nẵng được đánh giá tốt, có hiệu quả quản lý trên thực tế. trong ảnh: Một góc đô thị Đà Nẵng. Ảnh: LÊ ANH TUẤN |
Yêu cầu khách quan từ thực tiễn cuộc sống
Quá trình đổi mới đất nước đã làm xã hội Việt Nam có nhiều biến động sâu sắc. Sự phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đặt ra những yêu cầu bức thiết đối với việc chuyển đổi về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. Những hạn chế, bất cập của mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hiện nay dẫn đến tình trạng gặp không ít khó khăn, vướng mắc theo yêu cầu quản lý Nhà nước tại đô thị trong thời kỳ phát triển, hội nhập. Vấn đề cấp thiết hiện nay là làm sao xây dựng được tổ chức bộ máy phù hợp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả để quản lý tốt các hoạt động xã hội trên địa bàn đô thị. Đây là vấn đề khoa học và xuất phát từ thực tiễn cuộc sống.
Đô thị hình thành và phát triển đều theo một quy luật vận động, phát triển của cộng đồng dân cư, cũng như đòi hỏi tự thân của nó; công tác quản lý Nhà nước cũng chuyển dần từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp. Ở Việt Nam, từ khi thành lập nước đến nay, thiết chế quản lý giữa nông thôn và đô thị hầu như đồng nhất một phương thức, mức độ khác biệt không đáng kể; trong khi đó, giữa đô thị và nông thôn có nhiều sự khác biệt rất cơ bản. Phân tích sâu hơn về mặt kinh tế thì giữa đô thị và nông thôn có sự khác biệt về lao động, nghề nghiệp, mức độ và cách thu nhập. Về mặt xã hội, đó là sự khác biệt trong lối sống, giao tiếp, văn hóa, gia đình, mật độ dân số, nhà ở... Trong quản lý hành chính cũng đã có các tiêu chí phân loại các cấp đô thị và nông thôn…
Đối với đô thị, đặc điểm của các hoạt động là tính liên tục, có sự dịch chuyển thường xuyên, mạnh mẽ, đan xen, cần đến nhiều sự phối hợp, liên kết và phải được giải quyết kịp thời. Ví dụ như trên cùng một con đường, một góc phố có thể liên quan nhiều đơn vị hành chính, cư dân ở địa phương này có thể kinh doanh, sản xuất, học tập, chữa bệnh… ở địa phương khác. Bên cạnh đó là tính tự chủ cao về ngân sách, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội có tính đa dạng. Lối sống đô thị là lối sống hợp cư, luôn biến động, luôn tôn trọng những chuẩn mực có tính pháp lý hơn là những quy tắc có tính cộng đồng. Hạ tầng kỹ thuật không chia cắt theo lãnh thổ (hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia, quốc tế...); nội dung và phạm vi quản lý phức tạp; một sự cố xảy ra không chỉ ở một phạm vi hẹp mà có thể nhanh chóng lan tỏa ra diện rộng, ảnh hưởng nhiều người, nhiều địa phương.
Những sự khác biệt trên nhiều lĩnh vực như trên phản ánh thực tế sinh động giữa đô thị và nông thôn. Chúng ta cũng thừa nhận tồn tại trong công tác quản lý hiện nay là không thể duy trì một hệ thống quản lý rập khuôn cho tất cả các vùng miền mà không theo yêu cầu của sự phát triển tất yếu, khách quan, hiện hữu. Khoa học quản lý đã chứng minh rằng càng nhiều mối quan hệ như chính quyền 4 cấp hiện nay thì công việc sẽ càng đan xen, phức tạp hơn. Hệ thống quản lý đã phân chia quyền lực và nguồn lực trở thành manh mún; mệnh lệnh quản lý từ chính quyền Trung ương, thành phố xuống đến quận, huyện, phường, xã bị cắt khúc hoặc bị dừng ở một số điểm nút trên đường từ cấp trên xuống cấp cơ sở nên việc triển khai bị chậm trễ, gặp nhiều trở ngại... đã dẫn đến bệnh hình thức, quan liêu khá nặng nề; quản lý đôi khi còn ôm đồm nhưng không nắm chắc cơ sở, khi có sự cố xảy ra thì khó quy trách nhiệm cho cá nhân nào, thậm chí khó cho cả tập thể...
Đường đi đến chính quyền đô thị
Xây dựng chính quyền đô thị là đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của chính quyền đô thị cho đúng với bản chất, đặc điểm, tình hình của bản thân đô thị và hướng tới việc xây dựng bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền phù hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; phát huy hơn nữa việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Theo đó, các yêu cầu đặt ra là chính quyền đô thị phải bảo đảm tính khoa học, khách quan; kế thừa và phát huy các mô hình Nhà nước qua các giai đoạn lịch sử; bảo đảm tính pháp lý, phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tổng thể chung thống nhất; làm rõ hơn về phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương và địa phương (thực chất hiện nay Trung ương đã có một số cơ chế riêng cho một số đô thị nhằm tăng tính năng động và tự chủ hơn cho địa phương); đổi mới về mặt tổ chức và quản lý Nhà nước của hệ thống hành chính Nhà nước, gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách, quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giữa các cơ quan, giữa các cấp chính quyền, giữa tập thể và người đứng đầu cơ quan; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, đội ngũ công chức chuyên nghiệp, mẫn cán với công vụ, bộ máy hành chính mang tính chất phục vụ cho lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Chức năng của chính quyền đô thị là thực hiện quản lý Nhà nước trên địa bàn lãnh thổ (được thể hiện dưới hai hình thức là phân cấp và ủy quyền) và chức năng tự quản trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phục vụ nhu cầu của cộng đồng dân cư ở đô thị, chủ động xây dựng các chính sách riêng của đô thị để tập trung phát triển toàn diện địa phương, chủ động huy động các nguồn lực, tự chủ hơn về tài chính, ngân sách để xây dựng, phát triển địa phương (những nội dung không do Trung ương quản lý, hoặc đã phân cấp).
Lựa chọn mô hình chính quyền đô thị sẽ như thế nào? Đó sẽ là chính quyền phải đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân địa phương (có HĐND) và cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp, quản lý xuyên suốt đến tận cơ sở để bảo đảm tính liên tục, thống nhất, tính liên thông, việc điều hành, phối hợp không bị chia cắt bởi qua nhiều cấp trung gian. Tại từng địa bàn lãnh thổ là những cơ quan đại diện, cánh tay nối dài của cơ quan hành chính cấp thành phố và thực hiện vai trò thủ trưởng trong các cơ quan đại diện nhằm phát huy cao độ trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân, bảo đảm thực thi nghiêm minh pháp luật của Nhà nước. Trong việc phát huy dân chủ, chính quyền đô thị có trách nhiệm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân theo pháp luật, thông qua các quyền của công dân, việc bầu cử có thể tiến hành thực hiện bằng hình thức nhân dân bầu trực tiếp chính quyền hoặc thông qua các hoạt động lấy ý kiến nhân dân. HĐND thành phố tập trung hơn, quyết định những quyết sách, chính sách riêng của địa phương và giám sát việc thực hiện bảo đảm cho việc phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ dân sinh ở địa phương bằng cả chính nguồn lực của cấp trên và cấp mình.
Đương nhiên, dù chính quyền đô thị được tổ chức và hoạt động trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải tuân thủ pháp luật, sự hỗ trợ, phân cấp, ủy quyền của Trung ương và đặc biệt phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng với phương thức, mô hình quản lý phù hợp, bảo đảm hệ thống chính trị hoạt động đồng bộ, phát huy hơn nữa vai trò giám sát của các tổ chức Mặt trận, đoàn thể bằng các cơ chế phối kết hợp chặt chẽ; tổ chức nhiều kênh, nhiều hình thức phản biện, giám sát xã hội để người dân cùng tham gia. Các cơ quan chuyên môn giúp việc của UBND sẽ được tổ chức lại và trước tiên phải đủ sức để thực thi nhiệm vụ, tăng cường số lượng, chất lượng bảo đảm hoạt động theo hướng quản lý tập trung, thống nhất, thông suốt, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; bộ máy tinh gọn và hợp lý; tăng cường tính chuyên nghiệp, tính trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trên toàn địa bàn thành phố...
Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm hơn trong hoạt động của chính quyền đô thị được xem là một nội dung có tính đột phá nhằm tăng thêm tính năng động, sáng tạo hơn trong việc huy động nguồn lực tại chỗ và sử dụng cho mục đích tự thân của đô thị, bảo đảm hơn về an sinh xã hội, xây dựng và phát triển đô thị một cách hiệu quả, trong đó có việc cấp trên cho phép để địa phương có thẩm quyền vay, trả nợ; chức năng kinh doanh của Nhà nước, xã hội hóa mạnh các dịch vụ công, hình thành mô hình chính quyền điện tử (e-Gov), mở rộng quan hệ quốc tế…
Xây dựng chính quyền đô thị Đà Nẵng
Tại Đà Nẵng, nhìn chung, quá trình xây dựng và phát triển thành phố trong thời gian qua đã đạt được những yêu cầu, mục tiêu nhất định, đồng thời đã và đang tạo ra những tiền đề hết sức quan trọng cho việc hình thành mô hình chính quyền đô thị; là địa phương được lựa chọn thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Quá trình tổ chức triển khai hoạt động đã mang lại hiệu quả, sự đồng thuận cao của nhân dân, thành phố tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, dân chủ của người dân được phát huy, thể hiện qua kết quả của các cuộc điều tra, khảo sát từ nhân dân cũng như của các tổ chức xã hội độc lập, tổ chức Nhà nước có thẩm quyền. Kết quả khảo sát đều đánh giá cao vai trò quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; các chỉ số phục vụ nhân dân, chỉ số cung ứng dịch vụ hành chính công đều xếp ở vị trí cao so với các tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều mô hình mới, cách làm mới về quản lý đô thị trong điều kiện của thành phố Đà Nẵng được đánh giá tốt, có hiệu quả quản lý trên thực tế. Đây chính là những tiền đề quan trọng chứng tỏ bước đi đúng hướng và sẵn sàng cho việc hình thành phương pháp quản lý Nhà nước theo mô hình đô thị, hiện đại.
Tuy nhiên, cũng thấy rằng mô hình quản lý hiện nay (trong thời điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường) vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế như vẫn tồn tại bộ máy trung gian, cơ chế về tài chính, huy động nguồn lực tại chỗ, đặc biệt là các vướng mắc phát sinh từ sự phối hợp chưa đồng bộ giữa quản lý theo ngành và quản lý theo vùng lãnh thổ; sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; bộ máy vẫn như cũ, bệnh hình thức còn nặng nề, thiếu chuyên nghiệp; thẩm quyền giải quyết các phát sinh tại địa phương còn bị nhiều rào cản từ cơ chế, chính sách; bảo đảm dân chủ còn chưa có quy chế rõ ràng... nên có ảnh hưởng nhất định không nhỏ đến hiệu quả, hiệu lực quản lý. Vì vậy, việc đổi mới phương thức và tổ chức bộ máy quản lý chính quyền là yêu cầu bức thiết để phát triển.
Biết rằng đường đi đến chính quyền đô thị không hề đơn giản; chắc chắn trong giai đoạn đầu sẽ không tránh khỏi những thách thức lớn từ quy định pháp luật, cơ chế chính sách hiện hành; việc phân cấp, ủy quyền từ Trung ương cần phải có thời gian, độ trễ chính sách là không tránh khỏi; nếp nghĩ, cách làm cũ và mới từ trong nội bộ, giải quyết các tồn tại của mô hình cũ và các vấn đề mới phát sinh, nhiều việc chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm... Nhưng với sự mong đợi của cư dân đô thị, sự phát triển bền vững đô thị và những bài học kinh nghiệm đã có, chắc chắn mô hình chính quyền đô thị sẽ được định hình trong thời gian không xa.
ĐẶNG CÔNG NGỮ
Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng