Sau gần 6 năm cho phép Công ty TNHH MTV Trường Sơn khai thác vàng tại Khe Đương, ngày 12-12-2013, UBND thành phố có Công văn số 11126/UBND-QLĐTh không chấp nhận đề nghị gia hạn thêm và yêu cầu doanh nghiệp (DN) này chấm dứt ngay việc khai thác vàng; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành đóng cửa mỏ.
Cùng theo đó, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với huyện Hòa Vang và các cơ quan liên quan buộc Công ty Trường Sơn thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa mỏ, tiến hành khôi phục môi trường, trồng cây trên phạm vi 22ha được giao quản lý; di chuyển trang thiết bị, máy móc và nhân công ra khỏi rừng chậm nhất cuối tháng 1-2014.
![]() |
Đường lên các hầm vàng đều được mở bằng cơ giới ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái rừng nguyên sinh. |
Chỉ đạo của UBND thành phố cụ thể, rõ ràng là vậy, thế nhưng đến nay, tức là gần một tháng kể từ ngày Công văn 11126 ban hành, việc khai thác vàng của Công ty Trường Sơn vẫn tiếp tục. Nói đúng hơn, cơ quan chức năng chưa triển khai kịp thời các giải pháp tại thực địa buộc DN này chấm dứt ngay việc khai thác vàng như chỉ đạo của UBND thành phố. Động thái đáng kể nhất là ngày 24-12, Phó phòng Quản lý khoáng sản và tài nguyên nước thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Phan Văn Định, chủ trì cuộc họp với đại diện các Sở NN&PTNT, Công thương và Văn phòng UBND huyện Hòa Vang, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang, Công ty Trường Sơn… bàn giải pháp triển khai chủ trương đóng cửa mỏ vàng.
Tại cuộc họp này, Công ty Trường Sơn không có người tham dự. Các thành viên dự cuộc họp thống nhất đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường gấp rút triển khai đóng cửa mỏ; UBND thành phố chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an thành phố cùng các cơ quan liên quan triển khai lực lượng chốt chặn, ngăn chặn hiệu quả tình trạng lợi dụng khai thác gỗ trái phép, tiếp quản khu vực khai thác vàng Khe Đương; trường hợp Công ty Trường Sơn chấp hành không nghiêm chủ trương đóng cửa mỏ và khôi phục môi trường, trồng rừng thay thế…, UBND thành phố giao cơ quan có thẩm quyền xử lý theo pháp luật.
Hơn chục ngày kể từ cuộc họp do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức, việc đóng cửa mỏ vàng Khe Đương vẫn chưa thực thi; tại khu vực khai thác vàng chưa có lực lượng chốt chặn, giám sát. Cán bộ Trạm Kiểm lâm Hòa Bắc cho biết: Từ ngày 12-12 đến nay chưa có cán bộ của ngành chức năng nào đến khu vực khai thác vàng. Như vậy, việc khai thác vàng tại Khe Đương vẫn diễn ra.
Có thể nói, việc đóng cửa mỏ vàng Khe Đương theo chủ trương của UBND thành phố của cơ quan chức năng triển khai rất chậm. Liệu đến cuối tháng 1-2014, Công ty Trường Sơn có hoàn thành việc phục hồi môi trường, trồng rừng trên phạm vi bị ảnh hưởng do khai thác vàng và di chuyển hết trang thiết bị, máy móc, nhân công ra khỏi rừng?
Việc khai thác vàng giữa rừng nguyên sinh - nơi giàu tài nguyên lâm sản, không chỉ tàn phá môi trường sinh thái mà tài nguyên lâm sản cũng bị xâm hại hết sức nghiêm trọng. Trong lúc đó, sau hơn 3 năm (2008-2011), DN này không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với ngân sách như cam kết nhưng vẫn được cơ quan chức năng đề xuất UBND thành phố cấp tiếp Giấy phép khai thác khoáng sản số 5258/GP-UBND ngày 22-6-2011. Vậy, ai chịu trách nhiệm trước sự tổn thất không nhỏ về tài nguyên vàng và lâm sản ở Khe Đương?
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU