Đến thăm nhà chị Ánh Tuyết - một phụ nữ đơn thân làm nghề nhặt chai bao vào một ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước gia cảnh của chị. Có lẽ đây không được gọi là nhà mà là một túp lều che tạm trên một khoảnh đất trống đã có chủ.
Túp lều tuềnh toàng được phủ bằng tấm bạt rách lỗ chỗ và những chiếc cọc tre chồng xếp lên nhau. Tiếp chúng tôi chỉ có mẹ chị Tuyết là bà Tăng Thị Chín, người phụ nữ gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống.
Trong túp lều che tạm, hằng ngày 3 thế hệ gia đình của bà Chín vẫn dắt díu nhau sống. |
Bà Chín nói: “Những ngày giáp Tết này, người ta dọn nhà nhiều nên mới có chai bao để Tuyết đi lượm. Từ sáng sớm nó đã đi làm, có khi đến tối mịt mới về. Mưa gió, ốm đau liên miên nhưng nó vẫn ráng đi nhặt để kiếm thêm ít đồng mua gạo, mắm muối cho cả gia đình”. Gia đình bà Chín vốn trước đây làm nghề đánh bắt cá ở bến cá Thuận Phước, sau khi bến cá giải tỏa, gia đình bà được thành phố cấp cho 1 căn hộ chung cư. Nhưng từ sau khi chồng bà bị bắt đi tù (do sử dụng chất cấm trong đánh bắt cá), cuộc sống gia đình khó khăn, chồng bà khi trở về đã lập gia đình với người đàn bà khác. Căn hộ chung cư buộc phải bán để chia tài sản. Từ đó đến nay, gần 10 năm, bà Chín trở bệnh tật về sống trong túp lều tạm cùng mẹ con chị Ánh Tuyết và người con trai út của bà. Bà Chín khóc nghẹn: “Biết dựng lều tạm là trái phép nhưng không có chỗ ở nên mấy mẹ con cũng ráng dựng tạm để ở. Rồi cái khổ vẫn chưa tha, thằng con trai út lao vào tệ nạn xã hội cũng vừa mất cách đây chưa đầy một tháng”.
Rời khỏi nhà bà Chín, chúng tôi qua nhà cô Trần Thị Phận (tổ 25A, phường Thuận Phước). Cô Phận đang sống chung với gia đình gồm 10 người trong căn nhà cấp 4 chật hẹp. Ba mẹ con cô đã từng đi ở trọ hết chỗ này qua chỗ khác gần 7 năm. 4 năm nay do cuộc sống quá khó khăn, không đủ tiền thuê nhà, 3 mẹ con cô Phận phải về sống chung với gia đình mẹ đẻ. Trong căn phòng rộng chỉ gần 4m2, chị Phận giàn giụa nước mắt: “Phòng chật hẹp không mắc được cả màn để ngủ, sáng nào thức dậy, mặt mũi cũng bị muỗi đốt sưng vù. Những đêm mùa hè nóng nực, nhưng mấy mẹ con ngủ phải kéo chăn trùm hết mặt mũi kẻo sợ muỗi đốt. Tội nhất là con bé đang học lớp 9, không kê đủ chiếc bàn, lúc nào ngồi học cũng kê 2 chiếc gối chồng lên nhau làm bàn”.
Cuộc đời cô Phận cũng éo le không kém, vốn là người gốc Hà Tĩnh, theo gia đình vào Đà Nẵng từ bé. Trước đây cô Phận làm việc ở bến cá Thuận Phước nhưng sau khi giải tỏa, cô mất việc làm, ai kêu gì làm nấy. Cuộc sống khó khăn hơn khi cô làm mẹ đơn thân. Đứa con gái lớn của cô năm nay cũng gần 25 tuổi nhưng chưa lập gia đình. Cô Phận tặc lưỡi: “Nhà nghèo quá, cũng có mấy người hỏi nhưng về xem gia cảnh thế này thì ai yêu, ai lấy cho được. Giờ nó (đứa con gái lớn) đang phụ tôi bán bánh mì và nuôi em ăn học”.
Chỉ mong có một mái nhà
Chúng tôi đến thăm các hộ đơn thân vào những ngày cuối năm khi tất cả mọi người đang rạo rực sắm sửa Tết thì những hộ này vẫn tất bật làm việc. Giờ đây với họ, nghèo thì đã nghèo, khổ thì đã khổ, điều mà họ thực sự mong muốn nhất lúc này là có một căn hộ chung cư để ở. Bà Chín nói: “9-10 năm qua, mẹ con chúng tôi đã phải sống cảnh nay đây mai đó quá khổ sở. Gia đình đã nộp đơn và rất nhiều lần người của thành phố về xem xét hoàn cảnh nhưng không hiểu sao chờ hoài vẫn không thấy”. “Chúng tôi đã nộp đơn xin chung cư từ 4-5 năm nay nhưng lần nào thành phố giải quyết cũng lọt tên của chúng tôi. Ở trong nhà chật chội nhưng muốn ra ngoài thuê lại không có tiền”, chị Phận than thở.
Giữa cái lạnh của thời tiết, những thân phận nghèo vẫn cố gắng mưu sinh, nhưng không biết bao giờ ước mong của họ mới thành sự thật. Chị Lê Thị Bích Hòa, Chủ tịch Hội LHPN phường Thuận Phước, quận Hải Châu giãi bày: “Hội LHPN phường Thuận Phước cũng đã làm hết sức, đưa danh sách của họ lên các cấp để xem xét bố trí chung cư. Rồi hằng năm hỗ trợ gạo, học bổng, phương tiện sinh kế để họ làm ăn. Nhưng giờ mong muốn lớn nhất là thành phố giải quyết chung cư để họ ổn định cuộc sống”.
“Với trường hợp của chị Ánh Tuyết và chị Phận, ngoài những hỗ trợ khi khó khăn đột xuất, phường chúng tôi chỉ biết giúp bằng cách ký các loại đơn thư, giấy tờ và mời họ lên hướng dẫn làm hồ sơ xin chung cư. Đã nhiều năm trôi qua, từ khi xin nhà liền kề không được đến bây giờ, 2 hộ đơn thân này vẫn chưa được giải quyết thuê chung cư. Vì vậy, theo nguyện vọng và hoàn cảnh thực tế của các hộ, phường cũng mong quận Hải Châu cũng như các cấp thành phố quan tâm để 2 hộ đơn thân này có thể thuê được căn hộ chung cư và ổn định cuộc sống”, bà Lê Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước cho biết. |
Bài và ảnh: THANH TÌNH