Sáng 8-1, Hội đồng tuyển chọn đồ án thiết kế Nhà trưng bày Hoàng Sa tiến hành chấm điểm 43 đồ án thiết kế được các tác giả trong và ngoài nước gửi dự thi. Hầu hết các đồ án thiết kế được đầu tư chuyên môn rất cao, có đồ án rất công phu thể hiện cả tư tưởng triết học. Điều này cho thấy sự nghiêm túc, tâm huyết và tình yêu của các tác giả đối với Hoàng Sa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Một trong những thiết kế được Hội đồng tuyển chọn đánh giá cao. Ảnh: S.TRUNG |
Đồ án hợp lòng dân nhất sẽ được chọn
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, 9 thành viên của Hội đồng tiến hành chấm điểm các đồ án thiết kế. Qua hai vòng chấm điểm, chọn ra 10 đồ án thiết kế cao điểm nhất theo cơ cấu 10 giải thưởng. Qua vòng thứ ba chọn ra 5 đồ án thiết kế để chấm chọn phương án đoạt giải nhất, nhì, ba. Để bảo đảm việc chấm điểm khách quan, công bằng, hồ sơ dự thi của các tác giả đều được đánh dấu mã số theo nguyên tắc ẩn danh. Việc công bố tên cá nhân, tổ chức đoạt giải chỉ thực hiện sau khi Hội đồng tuyển chọn hoàn thành chấm điểm, đánh giá.
Trong 43 đồ án kiến trúc dự thi, 16 đồ án của các tổ chức, cá nhân ở thành phố Đà Nẵng, 19 đồ án đến từ thành phố Hồ Chí Minh, 7 đồ án đến từ Hà Nội, đặc biệt có 1 đồ án đến từ Nhật Bản của Công ty Raito Sekkei. |
Trong 10 đồ án được chọn để trao giải đều có tính biểu trưng rất đặc sắc thể hiện được tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc. Những đồ án được đánh giá cao như: Thiết kế dựa trên ý tưởng cột mốc chủ quyền và con dấu trên sắc chỉ của vua Minh Mạng vào năm 1835 về việc lập Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải; thiết kế lấy ý tưởng hình ảnh con thuyền cổ từ thế kỷ 16-17 đạp sóng dữ ra Hoàng Sa trấn giữ lãnh thổ; thiết kế lấy cảm hứng từ cây phong ba trên quần đảo Trường Sa tỏa bóng vững chãi trước gió biển; hình khối vuông của nhà giàn DK sừng sững giữa biển trời Tổ quốc cũng được thể hiện sinh động thành thiết kế Nhà trưng bày Hoàng Sa; thiết kế với hình tượng mũi con thuyền đè sóng ra Hoàng Sa, nhìn từ trên cao cũng là kim la bàn chỉ thẳng hướng Hoàng Sa.
Theo ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, nhiều tác phẩm có chất lượng rất cao, có đặc trưng riêng nên rất khó khăn cho Hội đồng để chấm chọn đồ án đạt giải. Ông Ngữ cho hay 10 đồ án cao điểm nhất sẽ công bố trao giải được trưng bày tại triển lãm Hoàng Sa nhân sự kiện 40 năm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa sắp đến. Các đồ án này cũng được công bố trên trang thông tin điện tử của huyện Hoàng Sa để lấy ý kiến góp ý của nhân dân. Đồ án hợp lòng dân nhất sẽ được chọn để triển khai xây dựng công trình.
Công trình mang tình cảm của nhân dân cả nước
Trong quá trình chấm điểm, các thành viên Hội đồng tuyển chọn đều có ý kiến bình luận. Nhà trưng bày Hoàng Sa phải là một công trình văn hóa, một địa điểm tham quan phục vụ khách du lịch cả trong và ngoài nước. Do đó công trình này phải thực sự tạo được cảm xúc cho người xem, để lại ấn tượng cho du khách sau khi rời khỏi.
Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch thành phố, Nhà trưng bày Hoàng Sa phải là một điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước đến Đà Nẵng. Vì vậy, thiết kế phải làm sao du khách đến đây ai cũng muốn chụp ảnh kỷ niệm mình đã đến Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ông Vinh đề nghị sau khi Nhà trưng bày Hoàng Sa đưa vào sử dụng nên tổ chức làm huy hiệu có biểu tượng Hoàng Sa tặng du khách và làm con dấu Hoàng Sa để đóng dấu vào hộ chiếu cho du khách nước ngoài muốn có kỷ niệm với Hoàng Sa. Làm sao để sau khi đi rồi, Hoàng Sa vẫn còn đọng lại trong lòng du khách
Tuy nhiên, ông Ngữ băn khoăn diện tích để xây dựng công trình quá nhỏ hẹp (685m² - PV). “Đây không phải là công trình cho huyện Hoàng Sa mà nó có ý nghĩa là một không gian văn hóa-lịch sử, một địa điểm du lịch, lại vừa có chức năng tuyên truyền bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa cả trong và ngoài nước. Nếu thành phố cho thêm đất hoặc đổi sang vị trí khác có diện tích lớn hơn trên đường Hoàng Sa thì tốt hơn”, ông Ngữ nói. Ông Bùi Xuân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, cũng đồng tình với ý kiến của ông Ngữ về diện tích xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa quá nhỏ hẹp. Nếu xây dựng trên diện tích này thì chưa xứng tầm là một địa điểm du lịch cho các khách quốc tế. Hơn nữa, đó còn là tình cảm của nhân dân cả nước đối với Hoàng Sa.
Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng tuyển chọn, hầu hết các thiết kế đều bám sát các yêu cầu về tiêu chí thiết kế của Ban tổ chức: Ấn tượng về hình thức kiến trúc, mang ý nghĩa biểu trưng; tuân thủ cơ bản tiêu chí kiến trúc xanh do Hội Kiến trúc sư Việt Nam quy định; tổ chức không gian bảo đảm khả năng khai thác hiệu quả, phục vụ mục đích chính trị và góp phần tạo điểm đến thú vị cho mục tiêu phát triển du lịch của địa phương; sân vườn ngoài trời thể hiện được mô hình quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; bảo đảm tính kinh tế trong xây dựng và khai thác; mật độ xây dựng từ 20 - 40%; tầng cao xây dựng từ 2-3 tầng (có thể có tầng hầm hoặc bán hầm). |
SƠN TRUNG