Sẽ công bố thêm nhiều tư liệu mới về Hoàng Sa, Trường Sa
Hơn 50 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, trong đó có 12 tư liệu lần đầu tiên được công bố tại triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam” là những chứng cứ khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết xem các hiện vật, tư liệu được trưng bày tại triển lãm. |
Triển lãm do Sở Ngoại vụ phối hợp với UBND huyện Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Đông Á tổ chức ngày 9-1 thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Trách nhiệm và tình cảm với biển đảo
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết nêu rõ, để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thời gian qua, các nhà khoa học, kiều bào ở nước ngoài đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu, sưu tầm tư liệu lịch sử, chứng cứ pháp lý khẳng định quá trình cha ông, tổ tiên chúng ta đã phát hiện, khai phá, xác lập, thực thi chủ quyền một cách hòa bình và liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Hiện nay tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp. Công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đòi hỏi sự tham gia toàn diện của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và nhân dân, trong đó lực lượng thanh niên, đặc biệt học sinh, sinh viên là nòng cốt. Thực tiễn hiện nay đòi hỏi thanh niên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm, có quyết tâm mạnh mẽ để góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Ông Phùng Tấn Viết cũng đề nghị Ban giám hiệu Trường ĐH Ngoại ngữ quan tâm khơi dậy tiềm năng, sức mạnh to lớn trong tuổi trẻ, tạo điều kiện thuận lợi giúp sinh viên nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình, hình thành niềm tin, ý chí và hành động thiết thực trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng các phương thức hợp pháp, thông minh, sáng tạo và bình tĩnh. Đây vừa là trách nhiệm, vừa thể hiện tình cảm của mỗi người con đất Việt hướng về biển đảo, mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc Việt Nam.
Trong buổi sáng diễn ra triển lãm, lần đầu tiên nhìn thấy những tư liệu, bản đồ quốc tế, trong nước có giá trị về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều sinh viên đã say mê tìm hiểu. Nguyễn Hoàng Hà, sinh viên khoa tiếng Anh nhận xét: “Lần đầu tiên em nhìn thấy những tư liệu quý giá này. Đây là những chứng cứ pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đời là của Việt Nam”. Còn Nguyễn Thị Hồng, sinh viên khoa tiếng Trung cho rằng, triển lãm này có ý nghĩa rất lớn, rất bổ ích đối với các bạn trẻ…
Không chỉ sinh viên Việt Nam, mà sinh viên quốc tế như Trung Quốc, Lào, Thái Lan… cũng có điều kiện được tiếp cận với nguồn tư việc quý giá để có cái nhìn toàn diện về vấn đề chủ quyền không thể chối cãi đối với đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Khơi dậy lòng yêu nước
PGS, TS Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ nhận xét: Triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam” thực sự đem đến cho cán bộ, viên chức và sinh viên nhà trường nói riêng, ĐH Đà Nẵng nói chung cơ hội được tham quan, tìm hiểu, làm giàu thêm hiểu biết và nâng cao nhận thức khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Từ đó, mỗi cán bộ, viên chức và sinh viên sẽ càng thấy rõ trách nhiệm công dân trong việc phát huy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, bằng những hành động thiết thực, cụ thể góp phần cùng thành phố Đà Nẵng cũng như nhân dân cả nước giáo dục lòng yêu nước và ý thức bảo vệ Tổ quốc cho thế hệ trẻ.
“Như cơ thể con người, một phần cơ thể bị dày xéo là đau đớn toàn thân, nhức buốt cả tim gan. Suốt 40 năm qua, kể từ ngày Hoàng Sa, địa phận của thành phố Đà Nẵng, một phần máu thịt của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, thì nỗi đau còn lắng sâu không thể nào chịu nổi”, PGS, TS Phan Văn Hòa xúc động nói thêm.
Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho biết, triển lãm này là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động được tổ chức tại Đà Nẵng nhân 40 năm ngày quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép (19-1-1974 - 19-1-2014). “Triển lãm lần này khơi gợi tinh thần dân tộc để chúng ta vươn lên, tìm một phương pháp nào đó để đòi lại cho được quần đảo Hoàng Sa. Trách nhiệm này của cộng đồng, của chúng tôi hôm nay, của các bạn sinh viên ngày mai và của thế hệ này nối tiếp thế hệ khác. Chúng ta phải đấu tranh bền bỉ và kiên cường để xác lập lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng công lý, bằng luật pháp quốc tế”, ông Đặng Công Ngữ nói.
Sau triển lãm tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức, hun đúc lòng yêu nước trong sinh viên. TS Huỳnh Minh Sơn, Trưởng Ban công tác học sinh, sinh viên ĐH Đà Nẵng, cho biết trên cơ sở những tư liệu, chứng cứ pháp lý về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, ĐH Đà Nẵng sẽ nhân bản nguồn tư liệu ở thư viện các trường thành viên, đồng thời thành lập website để phổ biến thông tin rộng rãi đến sinh viên; qua đó định hướng, giúp các bạn trẻ có cái nhìn đúng đắn, toàn diện, cũng như giáo dục lòng yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đối với thế hệ trẻ.
Sẽ công bố thêm nhiều tư liệu mới Bảo tàng Đà Nẵng cho hay: Trong phạm vi các hoạt động nhân sự kiện tròn 40 năm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 19 đến 25-1-2014. Triển lãm gồm 3 nội dung chính: 1) Giới thiệu phiên bản một số văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do các nhà nước phong kiến Việt Nam ban hành thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, trong đó có 19 châu bản triều Nguyễn. Các tư liệu khẳng định các Nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đến nay. 2) Giới thiệu tập bản đồ và tư liệu của Việt Nam và các nước khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Giới thiệu các bản đồ cổ của Việt Nam, bản đồ của Trung Quốc, bản đồ của một số nước phương Tây vẽ thế kỷ 16, 17, 18; tuyển chọn những phần liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này trong 102 cuốn sách xuất bản tại các nước phương Tây trong các thế kỷ 18 - 19 ; 4 cuốn Atlas là những bản đồ được xuất bản ở các nước, khu vực: Anh, Ðức, Úc, Canada, Mỹ và Hong Kong trong khoảng thời gian từ năm 1626 - 1980, trong đó có nhóm bản đồ ghi nhận lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, nhóm bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam, nhóm bản đồ thương mại và bản đồ hàng hải châu Á và Đông Nam Á có thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam. 3) Giới thiệu tư liệu “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tư liệu lưu trữ của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954-1975)”. Hệ thống tư liệu này phản ánh sự hiện diện thường xuyên của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Hoàng Sa và vùng biển phụ cận. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa liên tiếp ban hành những văn bản chính sách về Hoàng Sa, thực thi hàng loạt những hoạt động kinh tế, khoa học tại quần đảo Hoàng Sa; luôn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa trong quan hệ quốc tế, hoạt động ngoại giao… Ngoài các nội dung nêu trên đã trưng bày tại các cuộc triển lãm trước, triển lãm lần này có bổ sung thêm khoảng 50% các nguồn tư liệu do TS Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng mới sưu tầm tại Mỹ, Nhật và các nước châu Âu; nguồn tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thời Việt Nam Cộng hòa (là kết quả đề tài nghiên cứu do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng vừa thực hiện); một số tư liệu do các nhân chứng đã từng làm việc và chiến đấu ở Hoàng Sa trao tặng cho UBND huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng và một số bản đồ do kỹ sư Trần Thắng mới sưu tầm. Đây là hoạt động tiếp theo các cuộc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Đắc Lắc được dư luận đánh giá cao và sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. S.TRUNG |
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN