“Muốn nhanh phải từ từ” là câu nói mà người dân Sydney (Úc) khái quát khi nói về cách tham gia giao thông của họ. Nhìn dòng xe thong thả nhích từng chút trên những con phố vào giờ cao điểm, tuyệt đối không có tiếng còi thúc giục hay thái độ vui vẻ của các bác tài khi nhường đường, tôi mới thấm thía hết ý nghĩa của câu nói trên.
Người đi bộ luôn là đối tượng ưu tiên hàng đầu khi tham gia giao thông tại Úc. Ảnh: MAI TRANG |
Một trong những trải nghiệm thú vị nhất của tôi trong thời gian học ở Úc là có thể… nhắm mắt đi đến trường mà không lo bị xe đụng phải. Mỗi sáng, dù mưa hay nắng, dòng ô-tô luôn kiên nhẫn xếp hàng nhường đường cho người đi bộ mà đa phần là sinh viên.
Đáp lại sự chờ đợi đó, các sinh viên khi băng qua đường dường như cũng cố gắng sải bước dài hơn, nhanh hơn để rút ngắn đến mức thấp nhất thời gian chờ đợi của những chiếc ô-tô đang nằm dài trên con dốc. Dòng xe đủ màu sắc kéo dài tưởng chừng như vô tận này chỉ “rón rén” bò thật chậm qua đường khi đã vãng bóng người đi bộ. Nhiều du học sinh tại Úc cho biết, họ thích nhất là được qua đường tại những ngã tư không có đèn tín hiệu giao thông bởi tại đây, người đi ô-tô luôn luôn dừng xe, thậm chí còn kéo cửa kính để vẫy tay chào và mỉm cười thân thiện để người đi bộ yên tâm băng qua đường.
Những du học sinh này khẳng định, giữa cái nắng oi ả hay rét buốt mùa đông nơi xứ người, nụ cười và sự nhường đường của những người không quen có tác dụng như liều thuốc an thần miễn phí được trao nhau giữa người với người. Nhịp sống Sydney hối hả cả ngày lẫn đêm nhưng tuyệt đối không có tiếng còi xe thúc giục, tuyệt đối không có sự tranh giành làn đường, phần đường. Điều này đã mang lại kết quả là gần như không có tai nạn giao thông tại đất nước chuột túi.
Người lạ mà tôi yêu quý nhất tại Úc có lẽ là tất cả những bác tài xe buýt và cả người đi xe buýt. Nhìn cách mà người đi và người lái xe trao nhau câu chào, lời hỏi thăm sức khỏe hay cảm ơn khiến tôi có cảm giác như họ đã thân quen với nhau từ rất lâu. Nếu một người tàn tật xuất hiện, các bác tài lập tức rời vô-lăng, cùng một vài hành khách khác phụ giúp người tàn tật lên xe. Những nụ cười, những câu nói hài hước khiến chiếc xe buýt dù bị trì hoãn một ít phút vẫn rộn ràng, vui vẻ và điều này giúp tôi thấu hiểu hơn khả năng lan tỏa, kết nối mạnh mẽ của nụ cười cũng như sự tử tế giữa những người không quen, thậm chí khác quốc tịch.
Tôi may mắn được đôi ba lần ngồi trên những chuyến xe buýt bị hỏng máy giữa đường. Bước xuống xe, tôi và hơn 30 hành khách còn lại đều lần lượt nhận được cái cúi đầu và lời xin lỗi của bác tài mặc dù việc xe hỏng đột ngột hoàn toàn không phải là lỗi của bác. Lời xin lỗi chân thành và nghiêm trang khiến tất cả hành khách đều cảm thấy hài lòng mặc cho họ phải đứng dưới cái nắng gay gắt để đón tuyến xe buýt tiếp theo. Cô Noriza Monubag, một công dân Úc cho biết, vội vàng thì có lẽ ai cũng vội, nhưng nếu sự vội đó làm cho mọi thứ hỗn độn, mất trật tự thì chỉ làm mất thời gian. Ngược lại, một nụ cười, một câu chào thân thiện hay sự nhường đường là điều không mất nhiều công sức và tiền bạc để làm nhưng giúp mọi người được vui vẻ và thoải mái. Sự nhường nhịn còn mang lại cảm giác hạnh phúc vô giá khi biết rõ mình và gia đình được an toàn khi tham gia giao thông.
Khi viết những dòng này thì theo số liệu tổng hợp của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia của Việt Nam, chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán - những ngày thiêng liêng nhất của năm nhưng nước ta có tới 286 người chết vì tai nạn giao thông. Chỉ trong 9 ngày, có đến 286 gia đình vĩnh viễn mất đi người thân của mình và hơn 626 gia đình khác phải vào bệnh viện để thất thần theo từng giọt nước truyền cho người thân của mình bị thương, mà nhiều khi phải thương tật trọn đời. Tôi chợt nhói lên câu hỏi: vì sao đất nước mình phải nhận những con số xót xa như trên quá lâu? Nói về nguyên nhân tai nạn giao thông chắc ai cũng biết, nhưng để hạn chế những tai ương do chạy xe ẩu, bất cẩn phải bắt đầu từ đâu vẫn là một câu hỏi để ngỏ. Không hiểu là do dân trí hay kinh tế, hay do tính cách chưa thể lịch sự, văn minh của người Việt?
MAI TRANG