.

Quán cà-phê đồng đội

.

Trong cái se lạnh đầu xuân, bước xuống phố phường Đà thành thấy vô vàn quán cà-phê với đủ màu sắc, phong cách không giống nhau: quán cà-phê dành cho tình nhân, quán cà-phê tuổi teen, quán cà-phê đậm không gian xưa... Lặng lẽ, nép mình bên góc phố dưới dáng trúc duyên dáng, thanh tao, có một quán cà-phê là nơi gặp gỡ, ôn lại những kỷ niệm của một thời hoa đỏ.

Ông Lợi (bìa phải) chuyện trò cùng đồng đội cũ.
Ông Lợi (bìa phải) chuyện trò cùng đồng đội cũ.

Đó là quán cà-phê nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ. Chủ quán là cựu chiến binh - Đại tá Võ Cao Lợi, thương binh hạng 3/4.

Sống lại một thời

Nhìn quanh, quán không có gì đặc biệt ngoài những khóm trúc trước cổng và mấy cái chum, lọ, gàu nước quê kiểng cùng cái tên gợi về cảnh đẹp của một vùng đất “Cổ Lũy Cô Thôn” (một trong những cảnh đẹp nổi tiếng của Quảng Ngãi, quê của ông Lợi - PV). Khách đến quán đủ cả, từ những đôi tình nhân, các cô cậu học trò cho đến các bậc trung niên, lão ấu. Và đặc biệt, không biết từ khi nào, nơi đây đã trở thành điểm gặp gỡ, trò chuyện, ôn lại kỷ niệm của nhiều cựu chiến binh, đồng đội của ông Lợi ngày xưa.

“Anh có nhớ trận đánh ở Tiên Phước không? Hôm đó, tui đi cùng đại đội 7, tiểu đoàn 77 cụm pháo binh xe tăng gồm 3 chiếc. Địch bắn rát quá. Chiếc xe tăng 508 chở tui chạy trước nên thoát khỏi vòm lửa, 2 chiếc đi sau bị bắn cháy rụi. Thấy đồng đội hy sinh ngay trước mắt mà không làm gì được...”, giọng ông Trần Xuân Quang (66 tuổi) bùi ngùi trong câu chuyện bên tách cà-phê với ông Lợi.

Trong chiến tranh, ông Quang và ông Lợi cùng công tác tại Cục Chính trị quân khu, sau chuyển ngành. “Đã cùng nhau “bát cơm sẻ nửa, hạt muối cắn đôi”, vào sinh ra tử nên tình cảm đồng đội quý giá lắm. Ai cũng coi nhau như anh em”, ông Lợi thổ lộ.

Chia sẻ câu chuyện về những lần sự sống cận kề cái chết, ông Lợi kể: “Tôi nhớ nhất là lần cõng gạo cho đơn vị qua sông, đoạn sông đó rộng khoảng 700-800m. Hôm đó, vì quá mệt nên sắp lên đến bến thì tôi bị đuối sức nên nước cuốn đi. May gặp cây rù rì mọc giữa dòng nên níu lại, vừa kịp đồng đội ra cứu. Nếu không thì...”. Những người lính già tóc đã điểm màu thời gian, vết chân chim hằn lên nơi khóe mắt nhưng ánh nhìn vẫn rắn rỏi, tinh anh như ngày nào. Những kỷ niệm về đồng đội của họ cứ như những thước phim quay chậm, hiện ra từng chút từng chút một. Đó là chị Hạnh hay cười, miệng nói tay làm. Đó là anh Công thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ như con gái… Tất cả họ đều đã nằm lại chiến trường. “Ngày đó, chưa hẳn ra chiến đấu mới hy sinh mà có khi cõng hàng bị đập đầu vào đá, bị trượt chân xuống núi là cũng phải lìa xa đồng đội. Nay còn mai đã xa nhau là chuyện bình thường. Vì thế, tình cảm lúc ấy thiêng liêng lắm”, ông Lợi nói.

Chuyện ít kể về chủ quán

Điều ít người biết chính là những câu chuyện về Đại tá Võ Cao Lợi. Ông Lợi là một trong những người ít ỏi còn sống sót trong vụ thảm sát hàng loạt tại xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi khiến hàng trăm đồng bào bị giết hại. “Ngày đó, lính Mỹ tàn sát rất dã man; chúng đốt nhà, giết người không chừa một ai kể cả phụ nữ, người già và trẻ em. Ngày đó, tôi còn nhỏ, làm liên lạc cho du kích. Tôi thoát chết nhờ nấp dưới đám dừa nước bên bờ sông Kinh. Một số người nữa nấp dưới hầm bí mật nên cũng thoát chết”, ông Lợi rưng rưng khi nhớ về quá khứ đau buồn. Những hình ảnh đau thương nơi quê nhà đã khiến ông cầm súng đứng lên theo cách mạng để chiến đấu góp phần giải phóng quê hương.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, ông Lợi nhớ nhất là lần được cùng đồng đội đón và dẫn đường cho tàu không số do ông Vũ Tấn Ích làm thuyền trưởng tại bến Ba Làng An, cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi), rồi sau đó theo dòng sông Kinh qua vùng giải phóng. Con tàu bị địch bắt, vây ép nên dù chiến đấu dũng cảm và mưu trí nhưng chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch cùng phó thuyền trưởng Phạm Chuyên Nghiệp phải ở lại hủy tàu để bảo đảm bí mật và hy sinh ngay trên tàu.

Sau ngày đất nước hòa bình, cuối năm 1979, vợ chồng ông Lợi ra Đà Nẵng làm việc ở Quân khu 5. Mảnh đất rộng 300m2 là nơi ở và cũng là quán cà-phê hiện giờ. Đây là đất ông Lợi được cấp, nhưng lúc đó nó chỉ là vùng ven, đường hẻm nhỏ, lầy lội. Đến năm 2005, mở đường nên nhà ông Lợi trở thành nhà mặt tiền, nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ. “Có lúc khó khăn quá, bà xã tính bán miếng đất này mua chỗ khác nhỏ hơn, nhưng tui cố giữ nó để làm nơi gặp gỡ, trò chuyện của đồng đội”, ông Lợi kể.

Cũng chính nhờ quán cà-phê với cái tên khá đặc biệt “Cổ Lũy Cô Thôn” mà một gia đình đồng đội của ông đã để ý tìm đến và được ông giúp tìm mộ cho người thân đã hy sinh tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Tất cả những vật dụng như gàu tát nước, cối đá, chum đựng nước... đều được ông Lợi “sưu tầm” từ quê nhà, với mong muốn tạo dựng lại cảnh thôn dã, bình yên giữa nơi phố thị. Và tại đây, những câu chuyện về một thời chiến đấu cứ dài mãi như nỗi nhớ, niềm tự hào của những người lính khi xưa.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.