.

Đổi thay vùng chiến khu xưa

.

So với các xã miền núi của huyện Hòa Vang, Hòa Phú đạt nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí, đứng thứ 3 trong số 11 xã của huyện Hòa Vang, chỉ sau 2 xã Hòa Tiến và Hòa Châu.

Ươm cây giống, hoạt động kinh tế hiệu quả ở Hòa Phú.
Ươm cây giống, hoạt động kinh tế hiệu quả ở Hòa Phú.

Trong kháng chiến chống Mỹ, vùng đất phía cực tây Đà Nẵng này là căn cứ địa cách mạng, nơi đứng chân của cơ quan đầu não huyện Hòa Vang. Sau giải phóng, thực hiện chính sách xây dựng kinh tế mới, nhân dân các xã đồng bằng lên vùng đất này lập nghiệp. Cùng theo đó, hàng chục hộ đồng bào Cơtu du canh du cư trên các triền núi được đưa về định cư tại Phú Túc. Năm 1981, xã Hòa Phú ra đời trên cơ sở tách ra từ xã Hòa Phong. Với những chiến công oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến, Hòa Phú được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVTND. Năm 2007, Khu di tích Huyện ủy Hòa Vang xây dựng tại thôn Phú Túc, nơi lưu giữ ký ức một thời đấu tranh oanh liệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hòa Vang. Hiện nay, khu di tích lịch sử này không chỉ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ mà còn là điểm du lịch về nguồn hấp dẫn.

Nếu như cách đây khoảng chục năm, ngược Hòa Phú phải đi trên con đường lởm chởm đá và  tìm được ngôi nhà tầng không dễ, thì nay đường sá đã thảm nhựa và bê-tông hóa; nhiều nhà cao tầng, kiên cố… chẳng khác nào biệt thự được xây dựng giữa vùng đất nông thôn đổi mới; điện lưới quốc gia đã kéo về từng nhà; trường học, trạm y tế, trung tâm hành chính xã đều được xây tầng, kiên cố hóa. Với tổng vốn đầu tư 50,2 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 48,45 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1,83 tỷ đồng, xã Hòa Phú đã nâng cấp làm mới 14,3 km đường liên xã, liên thôn và kiệt hẻm. Đây là một thành quả trân trọng, vì chỉ hơn 4.000 nhân khẩu, nhưng người dân đóng góp hơn 1,8 tỷ đồng. Nhờ đó, Hòa Phú là một trong 53 xã trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, giai đoạn 2008-2013.

Khai thác tối đa tiềm năng, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông hộ là thành tựu nổi bật nhất ở Hòa Phú trong những năm qua. Điều dễ nhận thấy nhất ở xã miền núi này là mặc dù đất đai rộng nhưng không hề có khoảnh đất trống bỏ hoang. Không cam chịu đói nghèo, người dân Hòa Phú nhạy bén trong việc tìm hướng phát triển kinh tế. Hiện nay, thôn nào cũng có mô hình phát triển kinh tế rất hiệu quả và ổn định, nhiều hộ cùng tham gia. Đơn cử như ở thôn Hòa Hải, hơn 60 hộ chuyên ươm cây giống lâm nghiệp tạo bước đột phá trong xóa nghèo làm giàu. Hay như An Châu, vừa có tổ hợp tác ươm cây giống của 17 hộ, vừa phát triển nuôi cá nước ngọt. Ở thôn Hội Phước vừa thành lập tổ hợp tác nuôi bò thịt, bò sinh sản. Thôn Phú Túc có tổ hợp tác sản xuất rượu cần với 8 hộ tham gia, năm 2013 đã đưa ra thị trường gần 1 nghìn ché, doanh thu 120 triệu đồng… Trên những ngọn đồi do xã quản lý đã phủ kín hàng nghìn héc-ta rừng trồng. Hàng trăm khu vườn bơ, thanh long ruột đỏ, tre lấy măng, chuối… giữa những vườn rừng cải tạo đang hứa hẹn những vụ mùa bội thu.

Nói về thành tựu xây dựng nông thôn mới ở xã, ông Nguyễn Văn Vân, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết cùng với việc nâng cấp hạ tầng nông thôn, xã đặc biệt coi trọng phát triển kinh tế. Nhiều năm qua, Hòa Phú đẩy mạnh phong trào xóa nghèo, làm giàu; mọi người dân đều nỗ lực, hăng say lao động sản xuất và năng động, nhạy bén với kinh tế thị trường. Cũng từ khâu đột phá này, rất nhiều hộ vươn lên làm giàu. Điển hình như các ông Võ Sơn, Lê Hồng Binh, ở thôn Hòa Hải; ông Lê Minh, Doãn Lại ở thôn Đông Lâm; ông Lê Văn Hoàng, Phạm Văn Vấn ở thôn Phú Túc… Đến cuối năm 2013, thu nhập bình quân ở Hòa Phú trên 20 triệu đồng/người/năm.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.