Đã từng có ý kiến cho rằng, Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (gọi tắt là Đề án) là lãng phí và không thực tế.
Qua thực tế 15 năm triển khai, bằng khả năng nghiên cứu, bằng kết quả học tập xuất sắc, bằng cách sống và làm việc hiệu quả, bằng mong muốn được cống hiến cho thành phố, các học viên Đề án đã không chỉ khẳng định tài trí Việt trong môi trường đào tạo học thuật nơi xứ người, góp phần làm chuyển biến về chất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Đà Nẵng mà còn khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả của Đề án.
Đà Nẵng hướng tới trở thành một trong 3 trung tâm chăm sóc sức khỏe hiện đại mang tầm khu vực và cả nước vào năm 2020. |
Xứng đáng là người con Đà Nẵng
Bước chân vào Trường Đại học Sydney, ngôi trường lâu đời và uy tín nhất nước Úc, hỏi thăm về Trần Đình Anh Nhi - cô gái đến từ Đà Nẵng, Việt Nam thì bất kỳ sinh viên hoặc giáo sư nào cũng có thể kể rành mạch về kỳ tích của Nhi - người đầu tiên đạt điểm tuyệt đối trong tất cả các môn học tại trường. Khi còn là học sinh của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), Nhi đã nhiều lần giành giải Toán thành phố cùng các giải thưởng về sáng tạo thanh - thiếu niên, nhi đồng toàn quốc và được nhận học bổng của Đề án để tiếp tục hành trình học tập của mình tại xứ sở chuột túi. Mặc cho những bỡ ngỡ và áp lực phải vượt qua khi đối mặt với rào cản ngôn ngữ, văn hóa nơi xứ người, trong năm học đầu tiên, Nhi đã khiến toàn bộ học sinh và giảng viên trong trường nhớ đến tên và quê hương của mình bằng kỳ tích ấn tượng là điểm số tuyệt đối ở tất cả các môn học và nghiễm nhiên ẵm trọn 2 suất học bổng danh giá của trường.
Bên cạnh việc học, Nhi còn tích cực tham gia vào tổ chức Agent Orange Justice, tổ chức kêu gọi giúp đỡ nạn nhân chất độc màu da cam của Việt Nam. Tại các triển lãm của tổ chức, Nhi đã trò chuyện và kể cho nhiều cựu binh Úc từng tham chiến tại Việt Nam cũng như thế hệ thanh niên Úc ngày nay biết về lịch sử đấu tranh hào hùng, về những mầm sống đang chịu đựng sự phá hoại của dioxin - loại chất vào loại độc nhất mà con người tìm ra được cho đến lúc này đang từ từ giết chết nhiều người ở Việt Nam nói chung và ở Đà Nẵng nói riêng. Không chỉ vậy, Nhi còn sáng lập ra tổ chức WUCI nhằm kêu gọi bạn bè quốc tế ủng hộ sách cho các em nhỏ không có nhiều điều kiện tiếp cận với nguồn tri thức nhân loại. Trong đợt về thăm Đà Nẵng vào tháng 1-2014, Nhi cùng các bạn đã đến thăm, tổ chức những trò chơi thông minh, sử dụng kiến thức đã học và tặng hơn 300 quyển sách, 40 áo ấm và 2 giá sách cho các em nhỏ tại Trường tiểu học Trương Đình Nam ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam.
Với vóc dáng nhỏ bé, nhưng Nhi - người con của Đà Nẵng đã khiến tất cả bạn học và giáo sư phải nể phục bởi khả năng lĩnh hội và thể hiện kiến thức, đã khiến nhiều cựu chiến binh Úc phải rơi nước mắt khi trò chuyện về chiến tranh ở Việt Nam, đã mang đến nụ cười và những trang sách ý nghĩa cho các em nhỏ tại vùng quê Quảng Nam. Nhi khẳng định, chính những suy nghĩ về Đà Nẵng, về thành phố đã xây dựng nên cái nôi “hoàn hảo” là Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn để Nhi phát huy hết đam mê với Toán học, trao cho Nhi cơ hội được lĩnh hội kiến thức tại một trong những nền giáo dục hàng đầu thế giới, đã giúp mình có thêm nghị lực để học tập và nỗ lực mỗi ngày sao cho xứng đáng với những gì mà thành phố dành tặng.
Uống nước nhớ nguồn
Cũng là một học viên của Đề án, bác sĩ Trần Thị Hoàng, tiến sĩ Y khoa Trường Đại học Melbourne, Úc đang ngày ngày cùng với các đồng nghiệp hướng đến mục tiêu xây dựng Khoa Hồi sức Nhi sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng trở thành đơn vị lớn và có tính chuyên nghiệp cao. Nhận thức được tầm quan trọng của việc không ngừng lĩnh hội kiến thức, bác sĩ Hoàng đã hợp tác cùng Đại học CCCU Anh quốc nhằm thực hiện dự án đào tạo điều dưỡng nhi sơ sinh thông qua khóa học chuyên sâu cùng các chuyên gia nước ngoài, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Bên cạnh đó, bác sĩ Hoàng còn tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh tại bệnh viện, khuyến khích, động viên đồng nghiệp cùng tham gia giao lưu, trao đổi bằng tiếng Anh chuyên ngành bởi đây là ngôn ngữ chính của ngành Y.
Bác sĩ Hoàng bày tỏ mong muốn, trong một ngày không xa, tất cả các trẻ sơ sinh đều sẽ được hưởng sự chăm sóc và điều trị tốt nhất, khỏe mạnh trong những ngày đầu đời. Để thực hiện ước mơ này, bác sĩ Hoàng đang sử dụng những mối quan hệ sẵn có với bạn bè quốc tế để mở rộng cơ hội hợp tác cho Bệnh viện Phụ sản-Nhi nói riêng, các bệnh viện tại Đà Nẵng, Quảng Nam nói chung, kết nối làm việc với những bệnh viện có giảng dạy, có các chuyên gia với trình độ chuyên môn cao, để cùng nhau trao đổi tri thức, kinh nghiệm khám, chữa bệnh cho đội ngũ y, bác sĩ và xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài cho nền y học thành phố.
Chia sẻ về Đề án, bác sĩ Hoàng cho biết, nếu xét riêng lẻ từng cá nhân thì người Việt Nam nhìn chung ai cũng có tinh thần hiếu học và tài trí thông minh. Tính cá nhân trong học tập, sáng tạo và nghiên cứu khoa học là điều cốt lõi, tuy nhiên, khả năng của mỗi cá nhân cần được sự chung tay nâng tầm bởi sức mạnh tập thể. Tài trí của mỗi cá nhân sẽ như muối bỏ bể nếu không có môi trường khuyến khích, tổ chức, cơ chế phù hợp để người tài phát huy tối đa khả năng sáng tạo, kỹ năng làm việc.
Đà Nẵng cùng với Đề án đã không chỉ tạo ra môi trường để người trẻ có cơ hội làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến, cọ xát với đồng nghiệp quốc tế mà còn có môi trường làm việc ổn định, phát huy được tính sáng tạo và năng lực chuyên môn khi quay về… Tất cả những điều này đã khiến bác sĩ Hoàng nói riêng và hầu hết các học viên Đề án nói chung cảm thấy cần có trách nhiệm cống hiến hết mình, chung tay đóng góp cho công cuộc cải cách, đổi mới và phát triển chung của thành phố như một sự tri ân mảnh đất đã chắt chiu để người trẻ có cơ hội được trau dồi kiến thức, kỹ năng và môi trường thuận lợi để thể hiện hết năng lực của mình.
Một trong những thành tựu mà thành phố đạt được sau 39 năm giải phóng có lẽ không nằm ở con số gần 600 tỷ đồng ngân sách đã chi cho Đề án mà nằm ở quyết định biến nhận thức “Để phát triển vững chắc thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn mới, nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa quyết định” vào thực tiễn. Bằng cách làm riêng của mình, thành phố đã tuyển chọn và trao cơ hội cho những cá nhân xứng đáng được đào tạo trong môi trường học thuật hàng đầu thế giới. Sau 15 năm triển khai, “trái ngọt” đầu tiên Đà Nẵng thu được là nguồn nhân lực dồi dào, đa dạng ở nhiều ngành nghề, được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ sở có uy tín trong và ngoài nước, sử dụng thành thạo ngoại ngữ, am hiểu văn hóa các nước, phong cách làm việc hiện đại.
Bài và ảnh: MAI TRANG