Sáng 27-3, Đoàn công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng làm Trưởng đoàn làm việc với Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) thành phố, Công an thành phố và Đoàn Luật sư thành phố để khảo sát việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự.
Tham dự có Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Huỳnh Nghĩa.
Báo cáo của Viện KSND thành phố cho biết, công tác kiểm sát việc thu thập, đánh giá chứng cứ, việc trưng cầu giám định và giám định đã được hai cấp kiểm sát thường xuyên chú trọng, coi công tác này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xác định chứng cứ, bảo đảm cơ sở pháp lý và quan điểm thực tiễn đề ra các quyết định trong quá trình giải quyết các vụ án.
Qua thực tiễn áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) và một số văn bản luật khác, Viện KSND cho rằng vẫn còn bộc lộ nhiều vướng mắc, trở ngại như: thời hạn xử lý thông tin tội phạm quy định tại Điều 103 Bộ luật TTHS còn chung chung, chưa phù hợp với tính chất của từng vụ việc, nhất là đối với vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp; không có quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và các biện pháp thực hiện quyền kiểm sát của Viện Kiểm sát. Viện KSND thành phố đề nghị cần sửa đổi thời hạn theo từng loại tội phạm; quy định cơ quan điều tra phải cung cấp hồ sơ, tài liệu thông tin cho Viện Kiểm sát, Viện Kiểm sát có quyền xác minh tin báo và trực tiếp khởi tố vụ án hình sự nếu yêu cầu cơ quan điều tra không thực hiện; cần sửa đổi theo hướng quy định thời hạn điều tra và tạm giam là trùng nhau cho đến khi kết thúc điều tra vụ án; cần tăng cường trang bị phương tiện kỹ thuật bảo đảm cho việc thu thập dấu vết, phân tích, đánh giá các loại vật chứng…
Tại buổi làm việc, Công an thành phố cho biết, lực lượng điều tra hai cấp thuộc Công an thành phố đã chấp hành nghiêm túc các quy định của Bộ luật TTHS và các văn bản pháp luật đã phát huy tác dụng trong việc tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định sự thật của vụ án. Tuy nhiên việc áp dụng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Công an thành phố đề nghị cần sửa đổi, bổ sung Điều 103 Bộ luật TTHS theo hướng tăng thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; bổ sung quy định về cấu thành tội phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” cho phù hợp với thực tế hiện nay; quy định cụ thể hành vi “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”; quy định cụ thể về trường hợp bắt người bị kết án để thi hành án và thẩm quyền ký lệnh áp giải người bị bắt để thi hành án; bổ sung thêm việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng trong trường hợp cần thiết trong Điều 303 Bộ luật TTHS…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Công Hồng cho biết, những quy định còn bất cập làm hạn chế hoạt động đấu tranh tội phạm sẽ được tham mưu để Quốc hội ban hành bổ sung những văn bản mới có liên quan nhằm làm cơ sở, công cụ pháp lý để đấu tranh tội phạm nhưng vẫn bảo đảm tốt nhất quyền tự do dân chủ của công dân…
ĐOÀN LƯƠNG