Trong khi lực lượng chấp pháp VN vẫn kiên trì bằng biện pháp hành chính yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan và lực lượng bảo vệ trái phép ra khỏi vùng biển VN thì phía họ không ngừng gia tăng máy bay và tàu chiến hung hăng đe dọa quân sự.
Tàu hải cảnh cỡ lớn của TQ chặn đường tuần tra chấp pháp của lực lượng cảnh sát biển |
Tàu chiến rượt đuổi trên biển
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) cho biết đến ngày 19.5, phía TQ tiếp tục điều thêm 2 tàu, nâng tổng số lên 136 tàu tập trung xung quanh giàn khoan, trong đó có 4 tàu quân sự, 59 tàu cá vỏ sắt. Trong ngày, máy bay TQ thực hiện 2 chuyến bay ở độ cao 1.000 m và duy trì 1 máy bay trực thăng trên giàn khoan. Ngoài ra, phía TQ còn có khoảng 30 tàu cá vỏ sắt thường xuyên vây ép, đâm va các tàu cá VN. Đoàn công tác do Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Ngọc Oai làm trưởng đoàn hôm qua đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo trực tiếp hoạt động của lực lượng kiểm ngư. |
Đêm trên biển Hoàng Sa không khác gì một thị trấn bởi ánh đèn pha của hàng loạt các loại tàu TQ đang hoạt động bảo vệ giàn khoan đặt trái phép trong vùng biển VN. Nhìn lên màn hình radar, thượng úy Lê Trung Thành, thuyền trưởng tàu cảnh sát biển (CSB) 4033, cho biết qua kiểm đếm sơ bộ, số tàu TQ cách giàn khoan khoảng 10 hải lý có đến hàng chục chiếc. Khi vào sâu hơn, con số này lên đến trên 100 chiếc.
Để tiếp cận yêu cầu phía TQ rút giàn khoan khỏi vùng biển VN, các tàu chấp pháp của VN phải vượt qua số lượng tàu TQ ken đặc. Nhưng khi đến gần để tuyên truyền bằng lời lẽ qua loa phát thanh thì đều vấp phải sự cản phá hung hăng, thô bạo của phía TQ.
Suốt hành trình trong chuyến công tác dài ngày trên biển, các phóng viên đã chứng kiến tàu hộ vệ tên lửa của TQ mang mã hiệu 571 liên tục áp sát đội hình tàu CSB VN để đe dọa. Mới đây, vào ngày 17-5, trên đường tiếp cận giàn khoan, biên đội tàu CSB chạm trán hai tàu chiến của TQ.
Trong đó, tàu chiến 789 được xác định là tàu tuần tiễu tấn công nhanh lớp Hải Thanh và tàu 755 là tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Hậu Tấn. “Đây là 2 con tàu mới nhất mà chúng tôi ghi nhận được trên biển Hoàng Sa. Rất có thể, những tàu chiến này được TQ điều động tăng cường hoặc thay ca những chiếc trước đó”, thuyền trưởng Lê Trung Thành nhận định.
Máy bay chiến đấu uy hiếp trên đầu
Chiều 19-5, Bộ Tư lệnh CSB VN cho biết trong buổi sáng cùng ngày, lực lượng này đã nhiều lần phát hiện máy bay chiến đấu của TQ bay lượn phía trên các tàu chấp pháp của ta tại vùng biển bị TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép.
Loại máy bay chiến đấu kiểu JH-7 đã bay 4 vòng phía trên các tàu của các lực lượng chấp pháp của VN lúc 9 giờ 6 phút sáng 19-5 ở độ cao dưới 1.000 m. Sau đó, lúc 9 giờ 28 phút thì chiếc máy bay này đã bay về hướng bắc ra khỏi tầm kiểm soát của ta. Đến lúc 11 giờ 30 phút, lực lượng VN tiếp tục phát hiện 1 máy bay cánh bằng của TQ bay 2 vòng phía trên tàu CSB ở độ cao 250 m.
Bộ Tư lệnh CSB cũng cho hay, trên mặt biển, các tàu bảo vệ giàn khoan của TQ rất dày đặc, bố trí hàng lối theo nhiều hướng. Bên cạnh đó, các tàu cá vỏ sắt của TQ đã nhiều lần áp sát và sẵn sàng lao vào đâm va với tàu cá vỏ gỗ của ngư dân VN. Lúc 8 giờ 8 phút ngày 19-5 có ít nhất 3 tàu của TQ đã áp sát, phun nước vào tàu của VN. Lúc 9 giờ, 6 tàu TQ đã ra ngăn cản, chủ động đâm va tàu CSB số hiệu 8003 của VN.
Trong tình hình như vậy, thiếu tướng Hoàng Văn Đồng, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh CSB khẳng định các tàu chấp pháp của VN đã kiên trì tiếp cận giàn khoan Hải Dương - 981 ở khoảng cách 6 - 6,5 hải lý gọi loa tuyên truyền, yêu cầu TQ rút giàn khoan và các tàu bảo vệ khỏi vùng biển VN. “Các cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSB luôn xác định tốt nhiệm vụ, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”, thiếu tướng Đồng nói.
Theo Thanh niên