.

Bác bỏ quan điểm phi lý của Trung Quốc về Hoàng Sa

.

Tại cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông chiều 16-6, Việt Nam bác bỏ những lập luận vô căn cứ của Trung Quốc về chủ quyền các quần đảo trên Biển Đông, cung cấp bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã đưa các tàu và máy bay quân sự, đồng thời tiếp tục dùng tàu công vụ tấn công tàu Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình phát biểu tại buổi họp báo.  					                Ảnh: TTXVN
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: TTXVN

Ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết Trung Quốc liên tục đưa ra luận điệu sai trái vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam về những căng thẳng hiện nay trên thực địa. Ngày 8 và 9-6 vừa qua, Trung Quốc công bố tài liệu nhan đề “Tác nghiệp của giàn khoan Hải Dương-981: sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc”, đề nghị lưu hành tại Liên Hợp Quốc. Ngày 13-6, Trung Quốc lại nêu những luận điệu hết sức sai trái và vô căn cứ về Hoàng Sa. Trong lúc đó, Trung Quốc cũng có hành vi mở rộng hoạt động trái phép đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tư liệu của Trung Quốc diễn giải tùy tiện

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc các đối tác nước ngoài có lo ngại khi khai thác các lô dầu khí ở Việt Nam hay không, ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, cho biết ngay khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã tiến hành gặp gỡ và đối thoại với tất cả các đối tác đang hợp tác khai thác dầu khí trong vùng biển Hoàng Sa. “Tại các buổi làm việc này, chúng tôi nhận được những tín hiệu rất tốt khi tất cả các bên đều thông báo rằng họ chia sẻ và ủng hộ lập trường, cũng như tuyên bố của Tập đoàn Dầu khí cũng như Chính phủ Việt Nam. Họ khẳng định, hoạt động của Tập đoàn Dầu khí và của bản thân họ là hoàn toàn hợp tác nên sẽ tiếp tục thực hiện những hợp đồng đã ký kết trước đó, mặc dù phía Trung Quốc có những tuyên bố không đúng sự thật.

Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, cho biết những ngày qua Trung Quốc tiếp tục gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng các hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam trước sau như một kiên quyết phản đối mọi hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Đại diện Ủy ban Biên giới của Việt Nam lần lượt đưa  ra từng luận điểm để bác bỏ luận điệu của Trung Quốc về chủ quyền Hoàng Sa.

Các tư liệu lịch sử cho thấy Trung Quốc không có chủ quyền với Hoàng Sa. Trung Quốc đã đưa ra các tư liệu không có nguồn gốc rõ ràng để đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. “Các tư liệu này không chính xác, giải thích tùy tiện, là của cá nhân, tài liệu Trung Quốc công khai không chứng tỏ được rằng nhà nước phong kiến Trung Quốc thiết lập chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa”, ông Trần Duy Hải khẳng định. Trong khi đó Việt Nam đã công khai cung cấp các bằng chứng cho thấy nhà nước phong kiến Việt Nam, ít nhất từ thế kỷ 17, đã xác lập chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa từ thời nó còn là lãnh thổ vô chủ. Năm 1946, lợi dụng bối cảnh sau thế chiến II, chính quyền của Tưởng Giới Thạch đã xâm nhập đảo Phú Lâm, bị chính quyền Pháp phản đối và sau đó họ Tưởng phải rút đi.

Các hội nghị quốc tế không giao Hoàng Sa cho Trung Quốc. Ông Hải tiếp tục đưa ra các bằng chứng lịch sử cho thấy chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là tại hội nghị San Francisco và cho đến tận trước năm 1974, Trung Quốc vẫn hoàn toàn ý thức Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam Cộng hòa. Dùng vũ lực thôn tính không thể đưa lại chủ quyền cho Trung Quốc. Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Công thư năm 1958 không hề đề cập vấn đề chủ quyền. Trung Quốc tìm cách diễn  giải sai văn bản này.

Trong hơn một tháng qua, Việt Nam đã có trên 30 cuộc giao thiệp ở các cấp và các kênh khác nhau, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống nhằm tạo một môi trường thuận lợi cho đối thoại. Tuy nhiên, Trung Quốc khăng khăng không rút giàn khoan và cũng không đàm phán. “Như vậy, việc Trung Quốc nói cánh cửa đàm phán vẫn rộng mở là không đúng với thực tế. Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”, ông Trần Duy Hải tuyên bố.

Bác bỏ luận điệu vu khống của Trung Quốc

Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết trong những ngày qua phía Trung Quốc  duy trì khoảng 100 tàu, trong đó có 6 tàu chiến, và các máy bay quân sự để thực thi cái gọi là bảo vệ giàn khoan 981. Ngày 13-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo về giàn khoan Hải Dương-981, trong đó đưa ra thông tin hình ảnh sai lệch tình hình thực tế ở hiện trường, nói rằng các tàu Việt Nam đâm húc 1.547 lần các tàu Trung Quốc, làm các tàu Trung Quốc hư hỏng.

“Chúng tôi bác bỏ thông tin sai lệch phi lý trên. Thực tế, chỉ có tàu Trung Quốc chủ động đâm va, phun nước, làm 36 lượt chiếc tàu Việt Nam hư hỏng. Trong đó gồm 23 tàu kiểm ngư, 5 tàu cảnh sát biển, 7 tàu cá và một tàu cá bị đâm chìm hẳn hôm 26-5”, ông Thu cho hay. Các vụ đâm va của  Trung Quốc khiến 15 kiểm ngư viên và hai ngư dân Việt Nam bị thương.

Ông Thu bác bỏ luận điệu của Trung Quốc cho rằng phía Việt Nam dùng người nhái và vật cản để tấn công tàu Trung Quốc. Khu vực gần giàn khoan Hải Dương-981 chính là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam, khi bị các tàu Trung Quốc đâm, đuổi, ngư dân phải bỏ lưới để cơ động, và tàu Trung Quốc còn thu cả lưới của ngư dân Việt Nam. Lưới đánh cá và các vật trôi nổi Trung Quốc vớt được là những mảnh gỗ, thùng phuy trôi tự do, hoặc do Trung Quốc đâm va, dùng vòi rồng công suất lớn làm thùng phuy, thùng sơn, khúc gỗ trên mặt boong các tàu cá bị văng xuống biển. Trung Quốc vớt lên cho là bằng chứng là trái sự thật. Đại diện Cảnh sát biển Việt Nam một lần nữa khẳng định sự hiện diện của các tàu chiến và máy bay quân sự Trung Quốc gần giàn khoan Hải Dương-981. Ông cho biết các phóng viên trong nước và quốc tế, cũng như lực lượng chấp pháp của Việt Nam đã ghi lại được số hiệu, số liệu tàu và máy bay.

Trung Quốc phải rút khỏi những đảo của Việt Nam

Về việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc có yêu cầu Việt Nam rút khỏi 29 đảo đá ở quần đảo Trường Sa và nói rằng Việt Nam chiếm giữ trái phép, ông Trần Duy Hải tuyên bố rằng đề nghị của Trung Quốc hết sức vô lý. “Việt Nam bác bỏ đề nghị phi lý đó của Trung Quốc, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa”, ông Thu nói và khẳng định Việt Nam đã quản lý khai thác hòa bình liên tục trên quần đảo Trường Sa. “Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm một số bãi trên quần đảo Trường Sa, do vậy chính Trung Quốc mới phải rút khỏi những bãi họ chiếm giữ bất hợp pháp năm 1988”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia nói.

Về các thông tin cho rằng Trung Quốc đang đào đắp đất và xây dựng các công trình trên đá Gạc Ma và các bãi đá khác ở Trường Sa, ông Lê Hải Bình cho biết Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp đó của Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc nghiêm túc tôn trọng chủ quyền Việt Nam, tôn trọng Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động xây dựng trái phép cũng như các hoạt động đơn phương khác và không để tái diễn hành động tương tự trong tương lai.

Kiên quyết bảo vệ ngư dân

Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam, cho biết, hiện các tàu Trung Quốc chủ động tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam dưới nhiều hình thức. Thậm chí, phía Trung Quốc còn sử dụng đèn pha công suất lớn, loa âm tần để tác động tâm lý cho thủy thủ Việt Nam. Trung Quốc còn sử dụng cách chặn đầu, lùi lại để tạo bằng chứng vu cáo tàu Việt Nam đâm va. Đến nay chưa có bất kỳ trường hợp nào tàu Việt Nam chủ động đâm va như Trung Quốc nêu.

Tháng 5-2014, Trung Quốc đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá trong 2,5 tháng, trong đó có vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, bắt đầu từ ngày 16-5. Nhưng cũng đúng ngày 16-5, Trung Quốc huy động hàng chục tàu cá ra giàn khoan. Chứng tỏ các tàu này không nhằm mục đích đánh cá. Họ dùng công cụ chuyên dụng cắt lưới, đâm chìm tàu cá Việt Nam… Chỉ tính từ ngày 1-5, đã có 17 tàu cá Việt Nam bị lực lượng chấp pháp Trung Quốc làm hư hại.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu tàu cá Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc nhiều lần và lật, xin khẳng định khu vực này tàu Việt Nam thường xuyên bị tàu Trung Quốc uy hiếp. Thực tế, tàu 11209 của Trung Quốc đã chủ động bám đuổi đâm đến khi tàu Việt Nam bị chìm. Tàu Trung Quốc còn ngăn cản tàu Việt Nam cứu 11 ngư dân. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng để chứng minh. Trên thực địa, lực lượng của chúng tôi vẫn kiên quyết nhưng dùng biện pháp hòa bình. Chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ ngư trường, hỗ trợ ngư dân khai thác trên vùng biển của Việt Nam…

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.