Những người làm công tác bảo vệ trẻ em cho rằng, nạn bạo hành trẻ em hiện nay vẫn bị che giấu bởi nhiều lý do. Vì thế, những số liệu thống kê thấy được chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trong các dạng bạo hành, tình trạng trẻ em bị đánh đập và xâm hại tình dục là nổi cộm nhất.
Trẻ em cần được sống hồn nhiên, vui tươi trong tình yêu thương của mọi người. Ảnh: TIỂU YẾN (Ảnh mang tính minh họa) |
Mẹ bị xâm hại mới biết con gái cũng bị nhiều lần
Trong những lá đơn kêu cứu gần đây đang được lưu giữ tại Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng có rất nhiều câu chuyện mà trong đó trẻ em là nạn nhân chính bị bạo hành suốt nhiều năm. Không hoàn cảnh nào giống nhau, nhưng có điểm chung giữa những trang chuyện đời này là các em còn quá nhỏ nhưng đã phải hứng chịu biết bao sự tồi tệ thay vì tình yêu thương. Đặc biệt, không có “nhân vật chính” - trẻ em nào chủ động lên tiếng mà chủ yếu là người khác nói thay cho sự thiệt thòi này.
Có một lá thư tay viết bằng dòng chữ nguệch ngoạc của một người mẹ bán cá trình bày sự việc bản thân chị bị tên hàng xóm đáng tuổi con cháu giở trò hãm hiếp lúc nửa đêm. Chuyện tưởng đã quá tệ hại, không ngờ từ sự cố này, chị nghi ngờ và phát hiện ra (có kết quả giám định pháp y - PV) con gái mới hơn 10 tuổi của mình cũng bị tên này xâm hại tình dục nhiều lần dẫn đến tổn thương thể chất, tinh thần.
Một cán bộ làm công tác bảo vệ quyền trẻ em cho biết, những vụ việc bé gái dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục như trên đang trở thành vấn đề đáng báo động. Tuy nhiên, ở một số nơi, các sự việc ấy không dễ bị tố giác và xử lý, bởi còn nhiều người muốn che giấu. “Chính quyền không muốn “ồn ào” có lẽ vì sợ ảnh hưởng đến “bộ mặt” của địa phương, hay liên quan đến thành tích nào đó; còn gia đình các em nhiều lúc cũng muốn im lặng vì sợ sự dị nghị của người đời”, người cán bộ này nói.
Được biết, năm 2012, trên địa bàn thành phố có 26 vụ xâm hại tình dục trẻ em được trình báo công an. Trong đó có 10 em từ 13-16 tuổi; 13 em 6-13 tuổi và 3 em dưới 6 tuổi.
Ông nội 80 tuổi kêu cứu thay cháu
Trẻ bị đánh đập dã man cũng là một vấn đề lớn hiện nay. Anh Nguyễn Văn Tú, cán bộ chuyên trách bảo vệ quyền trẻ em của Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố chia sẻ: “Giải quyết các vụ bạo hành trẻ em trong gia đình không chỉ khó mà còn rất khó. Người ta sẽ lấy lý do “con tôi, tôi đánh”. Tuy vậy, theo anh Tú, vẫn có nhiều cách để cứu giúp trẻ trong hoàn cảnh này đó là: “Nếu con anh, anh đánh thì luật tôi, tôi xử”. Tức là người đánh trẻ sẽ được tuyên truyền, vận động bằng cách giải thích quy định của pháp luật về quyền của trẻ em. Đánh đập trẻ em là hành động phạm pháp và sẽ bị pháp luật xử lý.
Điều đáng nói, rất nhiều nạn nhân là trẻ em không biết làm cách nào để thoát khỏi tình trạng bị bạo hành. Các em cứ chịu đựng hoặc đẩy mình ra đường “đi bụi” như một cách thoát thân. Một cậu bé 15 tuổi rơi vào hoàn cảnh như vậy và người phản ánh vụ việc lại là ông nội ngoài 80 tuổi với chứng bệnh đau tim. Thấy cháu còn nhỏ dại, ở độ tuổi đang lớn, lại bị bố đánh đuổi nhiều lần trong khi mẹ ruột đã bỏ đi lấy chồng khác, ông nội đành viết “tâm thư” gửi các cơ quan liên quan.
Sức khỏe ngày càng suy yếu, ông lo một ngày nào đó sẽ chẳng còn ai quan tâm đến đứa cháu nhỏ bơ vơ đang lêu lổng đầu đường. Trước khi nhập viện, ông vắt sức đi tìm cháu để mang về giao lại cho bố. Đáng tiếc, câu trả lời là ông bị người con trai quát mắng xối xả và lại đuổi thẳng cháu đi ngay sau đó. Là cán bộ hưu trí, đơn ông viết mạch lạc, rõ ràng từng chi tiết, tha thiết cầu cứu biện pháp giáo dục, cảm hóa… anh con trai cũng đã ngấp nghé lên chức ông như mình.
Khi trẻ bị bạo hành, các em có thể liên hệ nhờ sự hỗ trợ từ hàng xóm, người thân cận hoặc các cơ quan chăm sóc, bảo vệ trẻ em: Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng: 0511.3653561 Đường dây nóng Trung tâm Dịch vụ công tác xã hội thành phố: 0511.3818787 Phòng Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Sở LĐ-TB&XH thành phố: 0511.3827407 Ở Việt Nam, gần 3/4 trẻ em trong độ tuổi 2-14 bị cha mẹ, người chăm sóc và những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực. Gần 1/4 phụ nữ có con dưới 15 tuổi cho biết họ phải chứng kiến chồng mình có hành vi bạo lực đối với con cái. Trong khoảng thời gian từ 2006-2011, có khoảng 5.600 vụ lạm dụng tình dục trẻ em được báo công an. Theo ông Jesper Moller, quyền đại diện UNICEF Việt Nam, ở Việt Nam, những con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì cho đến nay bạo lực đối với trẻ em vẫn là một vấn đề bị che giấu. Việt Nam đã chính thức tham gia vào phong trào toàn cầu Chấm dứt bạo lực trẻ em do UNICEF khởi xướng nhằm biến nỗi đau cũng như sự phẫn nộ về bạo lực thành những nỗ lực mang tính tích cực, góp phần thay đổi cuộc sống cho trẻ em. (UNICEF Việt Nam) |
THU HOA