.

Trung Quốc đang làm gì ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam?

.

Trong những tuần gần đây, Philippines liên tục tố cáo Trung Quốc tiến hành các hoạt động phi pháp như cải tạo đất để xây sân bay hoặc căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc cải tạo đất trên đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Inquirer
Trung Quốc cải tạo đất trên đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Inquirer

Trung Quốc gia tăng các hoạt động ở Trường Sa

Song song với hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Bắc Kinh gần đây liên tục leo thang các hoạt động trái phép trên các rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo Inquirer, ngày 15-5-2014, Chính phủ Philippines công bố các bức ảnh do thám cho thấy Trung Quốc đang xây dựng trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Các quan chức thuộc cơ quan tình báo Philippines cho hay, Trung Quốc đang cải tạo đất để mở rộng diện tích đảo. “Những hành vi này gây mất ổn định trong khu vực, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và luật pháp quốc tế”, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định.

Bốn ngày sau đó (19-5-2014), hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno Aquino tiếp tục tố cáo Trung Quốc vi phạm các điều khoản trong DOC thông qua việc cải tạo đất ở đảo Gạc Ma.

Trong khi đó, một quan chức Philippines giấu tên cho hãng thông tấn AP biết, Trung Quốc đang xây dựng sân bay trên Gạc Ma. Tuy nhiên, Thời báo Hoàn cầu ngụy biện rằng mục đích của hoạt động cải tạo là nâng cao điều kiện sinh hoạt trên đảo.

Ngày 4-6-2014, tờ Philstar dẫn lời Tổng thống Benigno Aquino một lần nữa tố cáo tàu Trung Quốc đang hiện diện ở Đá Ga Ven (Philippines gọi là Gavin) và Đá Châu Viên (Calderon). Trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Quản lý và Giảm thiểu rủi ro thiên tai Á - Âu, ông Aquino nhấn mạnh: “Chúng tôi quan ngại rằng Trung Quốc lại đang triển khai các động thái làm gia tăng căng thẳng mới”.

Tổng thống Aquino cho biết các tàu mới bị phát hiện dường như giống với loại tàu Trung Quốc đã sử dụng để vận chuyển cát và sỏi ở đảo Gạc Ma. “Theo những gì tôi nhìn thấy trong ảnh, các tàu này dùng để cải tạo đất”, ông Aquino nhấn mạnh.

Cùng thời điểm này, tờ Inquirer cho biết Trung Quốc đang cải tạo đất ở khu vực Đá Én Đất (Malvar). Giới chức Manila lo ngại Trung Quốc lấp đất ở Đá Én Đất nhằm xây dựng một sân bay hoặc căn cứ quân sự.

Những hành động leo thang liên tiếp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa tiếp tục bị "vạch mặt" khi tờ South China Morning Post hôm 8-6 dẫn lời ông Li Jie, một chuyên gia hải quân thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang tìm cách biến căn cứ tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa thành một đảo nhân tạo toàn diện. Bắc Kinh sẽ xây dựng đường băng và cảng biển trên đảo nhằm triển khai hiệu quả hơn sức mạnh quân sự ở Biển Đông.

6 lần Trung Quốc ra đòn với Việt Nam

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền, Bắc Kinh nhiều lần thực hiện các hành động gây hấn trên biển bất chấp luật pháp quốc tế.

Người Trung Quốc từng năm lần xâm chiếm biển đảo của chúng ta và đây là lần thứ sáu trong khi đất nước ta ở trong các thể chế khác nhau.

Lịch sử cho thấy kể từ lần thứ nhất năm 1946, trong tình thế đất nước ta ngàn cân treo sợi tóc trước sự trở lại của người Pháp và đó cũng là lúc Liên Hiệp Quốc yêu cầu người Trung Quốc đến giải giáp quân Nhật. Lúc đó, khoảng trống có lợi cho Trung Quốc, họ ra đòn. Họ cũng tranh thủ chiếm luôn đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa).

Năm 1949, Trung Quốc giải phóng thì họ rút ra, nhưng họ đã lộ rõ ý đồ chiếm các đảo của Việt Nam. Lần thứ hai vào năm 1956, sau hiệp định Genève, người Pháp phải rút đi, quân đội chưa mạnh, Mỹ chưa can thiệp, họ ra đòn. Khi ấy quân đội Việt Nam cộng hòa chưa có tàu nên Trung Quốc chiếm gần như toàn bộ phần phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Lần thứ ba là năm 1959 họ ra đòn nhưng không thành công. Trung Quốc mang quân qua chiếm nốt phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa nhưng quân đội Việt Nam cộng hòa đã có mặt ở đó.

Lần thứ tư là năm 1974, người Mỹ rút hạm đội 7, quân đội giảm quân số ở Hoàng Sa từ một tiểu đoàn xuống một trung đội địa phương, họ tiếp tục ra đòn (Trung Quốc mang quân tấn công phần phía tây quần đảo Hoàng Sa đang do quân đội Việt Nam cộng hòa quản lý).

Năm 1988, Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma thuộc nhóm đảo Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hải quân Nhân dân Việt Nam đã phải đưa tàu ra bảo vệ chủ quyền bao gồm các tàu vận tải HQ-505, HQ-604 và HQ-605.

Sáng ngày 14-3-1988, tàu khu trục Trung Quốc nổ súng vào tàu ta khiến HQ-505 hư hại nặng trong khi hai chiếc còn lại chìm. Sau trận hải chiến ở cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma trong khi Việt Nam giữ được hai đảo còn lại.

Ngoài đảo Gạc Ma (tên tiếng Anh là Johnson South Reef), Trung Quốc còn chiếm đóng Đá Xu Bi (Subi Reef) thuộc cụm Thị Tứ, Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Ga Ven (Gaven Reefs) của Cụm Nam Yết, Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) ở Cụm Sinh Tồn, Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) ở Cụm Trường Sa trong năm 1988. Bắc Kinh chiếm Đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở cụm Bình Nguyên năm 1995.

3 phương án có thể Trung Quốc sẽ làm

Việc người Trung Quốc ra đòn lần này, nếu thuận lợi họ sẽ làm những gì họ cần làm, họ khoan thăm dò và khai thác dầu ngay trong nhà của ta. Còn nếu không được họ có thể có các phương án khác. Chúng ta có thể dự kiến thấy những phương án này.

Thứ nhất: Rút giàn khoan. Đó là hồng phúc của hai dân tộc. Điều này cũng có thể xảy ra bởi có thể người ta nghe ra lẽ phải và đối mặt với sự thật, chúng ta không mong gì hơn điều đó. Và chúng ta đang dàn xếp với họ để phát triển kinh tế và bang giao, ổn định khu vực.

Thứ hai: Cũng có thể họ sẽ tạo nên trạng thái dằng dai, trong quá trình dằng dai đó họ chờ đợi chúng ta bộc lộ sơ hở, và họ chờ chúng ta sa vào bẫy đối đầu, xung đột quân sự. Nếu chúng ta nổ súng trước thì đó là cái cớ để họ đi những bước tiếp theo rất phiêu lưu. Họ sẽ kích hoạt thùng thuốc nổ không chỉ ở Việt Nam và Trung Quốc mà trên toàn biển Đông, mà điều đó không ai muốn. Và chúng ta đã giữ trong thế chủ động, khôn khéo và cả sự dũng cảm đầy chiến lược nữa. Sự khôn khéo ở đây không phải là lấp liếm sự thật, cũng không đánh lừa ai mà khôn khéo để không mắc bẫy của người Trung Quốc.

Thứ ba: Nếu vì lý do nào đó hoặc ngông cuồng, sự phiêu lưu nào đó mà họ lấn tới thì chúng ta phải tăng áp lực đấu tranh và đến chừng mức nào đó họ dùng bom đạn thì chúng ta cũng dùng bom đạn, điều đó không có gì phải bàn. Mỗi quốc gia, dân tộc đều có quyền tự vệ thiêng liêng của mình. Và chúng ta đang mong chờ ở phương án thứ nhất, chúng ta làm tất cả những gì có thể làm trong giải pháp hòa bình. Bởi điều đó không chỉ riêng cho chúng ta mà cho cả nhân dân Trung Quốc.

Zing/Tuổi trẻ

;
.
.
.
.
.