.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ:

Lòng dân là tài sản tinh thần quý báu

.

Tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng lần thứ X, nhiệm kỳ 2014-2019, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đã phát biểu biểu dương những nỗ lực của Mặt trận thành phố trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Đồng thời, chỉ đạo những nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới.

Báo Đà Nẵng trận trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ:

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung uong MTTQVN tặng hoa chúc mừng kết quả hiệp thương cử Ủy ban MTTQVN thành phố Đà Nẵng khóa X.
Các đồng chí lãnh đạo tặng hoa chúc mừng kết quả hiệp thương cử Ủy ban MTTQVN thành phố Đà Nẵng khóa X. Ảnh: VĂN NỞ

Trải qua các thời kỳ lịch sử, với vai trò là cầu nối giữa Đảng bộ, chính quyền với nhân dân, thông qua nhiều hoạt động đa dạng và phong phú, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã có nhiều đóng góp to lớn và quan trọng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ đất nước và thành phố.

Trong thời kỳ đổi mới và những năm gần đây, Mặt trận thành phố đã có nhiều nỗ lực tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết, tạo sự đồng thuận xã hội trong các tầng lớp nhân dân, thực hiện chủ trương của Đảng bộ và chính quyền thành phố; đặc biệt đã tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Các cấp Mặt trận đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đồng thời đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân với trọng tâm hướng về cơ sở; củng cố, sắp xếp và phát huy ngày càng tốt hơn Ban công tác Mặt trận khu dân cư, thôn; quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục được phát huy, vị thế và uy tín của Mặt trận các cấp ngày càng được khẳng định trong đời sống xã hội.

Có thể khẳng định, trong nhiệm kỳ qua, hệ thống Mặt trận các cấp của thành phố đã thể hiện tốt vai trò của một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng lớn nhất, mang tính nhân dân sâu sắc và là hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân thành phố.

Chính lòng dân, chính sự đồng thuận và ý thức trách nhiệm của đông đảo nhân dân là nhân tố quyết định làm cho thành phố của chúng ta hôm nay có một diện mạo khang trang, hiện đại hơn. Đó là tiền đề quan trọng để xây dựng thành phố phát triển bền vững và đó cũng là tài sản tinh thần, là truyền thống quý báu của Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng.

Thay mặt Đảng bộ và chính quyền thành phố, tôi xin nhiệt liệt biểu dương các cấp Mặt trận, với những hoạt động tích cực và hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành quả chung của thành phố trên con đường phát triển và hội nhập. Xin ghi nhận công lao to lớn của các tổ chức thành viên, các cơ quan liên quan và các cá nhân tiêu biểu trên từng cương vị của mình đã góp phần thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân thành phố.

Nhân đây, tôi cũng xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ kịp thời của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng nói chung, hoạt động của Mặt trận thành phố nói riêng.

Tuy nhiên, trên tinh thần tự phê bình và phê bình, với mong muốn làm tốt hơn nữa, chúng ta nhận thấy bên cạnh kết quả đạt được, Mặt trận thành phố vẫn còn một số hạn chế: vai trò giám sát của Mặt trận chưa được phát huy đúng mức; sự phối hợp, thống nhất hành động giữa Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức thành viên còn bất cập, ảnh hưởng đến việc tạo ra sức mạnh tổng hợp trong hoạt động và tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận các cấp vẫn còn thấp, thiếu bền vững.

Kết luận số 75-KL/TW ngày 12-11-2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặt ra yêu cầu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố tiêu biểu của cả nước, là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ mới, Đảng bộ và chính quyền thành phố tin tưởng và mong muốn mỗi cấp Mặt trận, mỗi cán bộ Mặt trận tiếp tục phát huy hơn nữa phẩm chất và năng lực, vận động nhân dân, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tích cực góp phần xây dựng tổ chức Mặt trận vững mạnh, xứng đáng là mặt trận đoàn kết tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, là cơ sở chính trị tin cậy của Đảng bộ, là chỗ dựa vững chắc của chính quyền thành phố.

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp lần này là thời điểm, cơ hội hết sức quan trọng để đề ra những giải pháp đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, củng cố, kiện toàn tổ chức, vươn lên đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Chúng tôi cơ bản nhất trí với phương hướng và nhiệm vụ mà Đại hội đã đề ra trong nhiệm kỳ tới. Để những nội dung ấy thực sự đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, chúng tôi đề nghị Mặt trận thành phố và các tổ chức thành viên cần lưu ý thêm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, Mặt trận phải tập trung xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Lịch sử dân tộc ta mấy ngàn năm qua đã minh chứng và kiểm nghiệm một chân lý: Thế trận lòng dân là sức mạnh to lớn nhất, quyết định nhất đến sức mạnh của công cuộc dựng nước và giữ nước. Bởi vậy, trong tình hình hiện nay, chúng ta càng phải củng cố tinh thần đoàn kết, trên dưới đồng thuận, đồng lòng. Đảng ta đã xác định: đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu của sự phát triển đất nước. Nhờ xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, nhân dân ta đã vượt qua muôn ngàn gian khổ hy sinh, đánh thắng những đế quốc lớn, giành được độc lập tự do. Nhờ chính sách đoàn kết, hòa hợp dân tộc, lấy chính nghĩa để thuyết phục, lấy nhân nghĩa để cảm hóa, lấy khoan hồng để đối xử, xóa bỏ định kiến, mặc cảm hận thù…, mà những tàn phá của chiến tranh, những vết thương thực thể và những vết thương trong lòng người đã được hàn gắn.

Và có thể khẳng định rằng sự đoàn kết, nhất trí cao trong nội bộ luôn được giữ vững, sự đồng thuận trong xã hội luôn được nâng cao là nhân tố cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định để tạo nguồn lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố trong thời gian qua, là bệ phóng để Đà Nẵng tiếp tục tăng tốc trong thời gian đến.

Đoàn kết, đại đoàn kết không chỉ thể hiện ở những chính sách vĩ mô mà cần được thấm nhuần và lan tỏa trong nhiều hoạt động của Mặt trận ở cơ sở, trong xây dựng quan hệ giữa người với người theo tình đất nước, nghĩa đồng bào. Hơn ai hết và chính Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là Mặt trận cơ sở có trách nhiệm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cao cả này.

Thứ hai, Mặt trận các cấp tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

Những năm qua, Mặt trận thành phố đã chủ trì, phối hợp thực hiện thành công nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua. Điều cốt lõi trong các cuộc vận động, phong trào ấy là Mặt trận luôn tạo nên sự đồng thuận của đông đảo nhân dân.

Mọi người và mọi nhà đều thấy vì sự phát triển của thành phố cũng là vì hạnh phúc của chính mình và gia đình mình. Tất cả đều yêu mến hơn, có trách nhiệm hơn với thành phố. Nhờ đó, chúng ta có một Đà Nẵng khang trang, đẹp đẽ và đang hướng tới một thành phố yên bình, thân thiện, hài hòa, một thành phố sống tốt.

Vì thế, các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì và phối hợp cần triển khai đến tận khu dân cư, thôn xóm, đến từng hộ gia đình để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của thành phố. Cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa Quy chế dân chủ ở cơ sở, Chỉ thị 21-CT/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ về nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân phố, thôn, xây dựng cộng đồng dân cư tự quản ở các thôn xóm, tổ dân phố, phát huy những mặt tốt của các hình thức cộng đồng truyền thống, nhất là tình làng nghĩa xóm, đồng thời uốn nắn kịp thời những biểu hiện cục bộ, lệch lạc.

Phải làm cho mỗi người dân nhận thức được rằng cần tăng cường quản lý cư trú chặt chẽ, giữ vững an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, giúp nhau giảm nghèo và giữ gìn tốt vệ sinh môi trường tại địa bàn dân cư để mỗi thôn xóm, mỗi tổ dân phố an ninh trật tự được đảm bảo, không còn hộ nghèo, không còn nhà ở tạm bợ, xuống cấp, không có trẻ em hư, không có học sinh bỏ học, không có giết người để cướp của, không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng, không còn cướp giật, môi trường xanh - sạch - đẹp, để huyện Hoà Vang sớm về đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới, là góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, đồng thời cũng là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi người dân.

Thứ ba, Mặt trận phải làm tốt vai trò “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân”.

Đại diện là người thay mặt và với tư cách người thay mặt, Mặt trận có trách nhiệm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Dù chúng ta đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để thực hiện những mục tiêu an sinh xã hội, nhưng thực tế vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, rất đáng quan tâm, như: giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là cho cả ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học và sau đại học đang thiếu việc làm hoặc chưa có việc làm ổn định; bố trí đất tái định cư thực tế trên cả ngàn hộ dân (chủ yếu ở các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu) để đảm bảo cho người dân ở các khu vực này “an cư, lạc nghiệp”; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của thành phố xuống dưới 3,8% vào cuối năm 2014 và cơ bản xoá hết hộ nghèo vào cuối năm 2017; không để gần 900 gia đình chính sách phải sống trong những ngôi nhà đang xuống cấp, đến mùa mưa bão lại nơm nớp lo sợ; giảm bớt tình trạng quá tải ở các bệnh viện; khắc phục tình trạng đang thiếu hoặc chưa sử dụng hiệu quả các khu vui chơi trẻ em ở phường, xã; tình trạng ngập nước ở một số khu dân cư khi mùa mưa đến vẫn còn là nỗi khổ kéo dài của nhiều người dân.

Khi tiếp xúc cử tri, có nhiều phản ánh bức xúc về ô nhiễm môi trường, về sự chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là trên lĩnh vực đất đai, bố trí tái định cư, trong việc phối hợp giữa các ngành với nhau để giải quyết nhanh nhất yêu cầu chính đáng của người dân. Mặt trận các cấp cần lắng nghe kỹ, tập hợp đủ, yêu cầu chính quyền giải quyết và giám sát việc thực hiện đến nơi đến chốn, không nửa vời. Có thể nói, Mặt trận và các tổ chức thành viên cần phát huy hết vai trò, trách nhiệm, tâm huyết của mình mới có thể góp phần đảm bảo quyền lợi của người dân trên các lĩnh vực của đời sống.

Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân là chức năng của Mặt trận. Không phải đợi đến khi nhân dân, người bị hại đến Mặt trận kêu cứu thì Mặt trận mới vào cuộc. Trong phạm vi địa bàn mình có trách nhiệm, Mặt trận cần nắm rõ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân bị xâm hại như thế nào, thu thập những chứng cứ cần thiết và xác định rõ phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân. Chúng ta phải thực hiện và dựa vào nhân dân, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã được hiến định này.

Thứ tư, Mặt trận phải thực sự là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Đảng ta là đại diện trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Mặt trận là bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị. Vì thế, Mặt trận tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, đấu tranh chống lại sự suy thoái, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chính là xây dựng Đảng bộ và chính quyền thành phố trong sạch, vững mạnh, là thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Do vậy, Mặt trận phải thao thức, trăn trở với những vấn đề nóng bỏng của thành phố. Chúng ta ai cũng mong muốn Đảng bộ ta, chính quyền ta phải thật sự trong sạch vững mạnh, Đảng phải là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân, chính quyền phải đích thực là chính quyền của dân, do dân, vì dân. Nhưng để đạt được mong muốn đó, phải trải qua một quá trình đấu tranh lâu dài. Mặt trận thành phố phải đủ bản lĩnh và trí tuệ để gánh vác sứ mệnh quan trọng này như Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Ở Đà Nẵng, có một bài học kinh nghiệm được đúc kết trong một câu ngắn gọn: “Đảng nói, dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; Chính quyền làm, dân ủng hộ”. Từ thành công ấy, chúng ta hãy nghiên cứu, tìm cách nâng lên một bước về chất. Dân không chỉ tin, ủng hộ và nghe theo, mà dân còn phải chủ động, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, chỉ có như thế Mặt trận mới thực sự là cơ sở chính trị của chính quyền. Xây dựng chính quyền là làm tốt các cuộc bầu cử dân chủ, lựa chọn các đại biểu đạt chuẩn, để hình thành nên các cơ quan quyền lực Nhà nước, là tập hợp và phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân đóng góp với Đảng bộ và chính quyền, xây dựng pháp luật, xây dựng các chủ trương chính sách, quy hoạch, kế hoạch…

Thứ năm, Mặt trận cần hết sức chú trọng công tác giám sát và phản biện xã hội để chỉ ra các sai lầm, thiếu sót và kịp thời khắc phục có hiệu quả, làm cơ sở để đi tới sự phát triển tốt đẹp. Chỉ 14 ngày sau khi Hiến pháp mới được thông qua, Bộ Chính trị đã ký Quyết định 217-QĐ/TW ban hành Quy chế về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải được giám sát thường xuyên, nghiêm túc mới tránh được những thoái hóa, biến chất. Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát đúng, chưa phù hợp thực tiễn trong các văn bản dự thảo của thành phố, các dự án công trình, trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố, kiến nghị những nội dung thiết thực góp phần bảo đảm tính đúng đắn, tính hiệu quả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Giám sát, phản biện được thực hiện tốt cũng chính là phát huy được vai trò làm chủ của người dân, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Muốn giám sát và phản biện có chất lượng, có hiệu quả, Mặt trận phải tập hợp được nhiều tiếng nói, nhiều ý kiến của nhân dân. Mặt trận thành phố hiện nay có 35 tổ chức thành viên, nguồn ý kiến có thể tổng hợp làm cơ sở để phản biện rất đa dạng, phong phú; tham gia Mặt trận có nhiều cá nhân tiêu biểu, Mặt trận có thể lắng nghe ý kiến của những chuyên gia đầu ngành, những người giàu vốn sống thực tiễn. Vấn đề là làm thế nào để tập hợp được mọi người, mọi lực lượng và tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia; Mặt trận phải có quyết tâm cao, dũng cảm và kiên trì trong tiến hành phản biện xã hội. Mặt trận phải luôn nhớ rằng đây là một chức năng được hiến định, nếu chưa làm được, chưa làm tốt là chúng ta chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, với trách nhiệm vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận, những năm qua, Đảng bộ thành phố rất coi trọng việc đổi mới phương thức lãnh đạo của mình đối với công tác Mặt trận. Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng thực hiện tốt vai trò là một tổ chức thành viên; đồng thời tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, kết hợp thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và chế độ hiệp thương dân chủ trong tổ chức Mặt trận để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trọng tâm là thực hiện tốt “5 xây”: Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Trung thực - Kỷ cương - Gương mẫu, “3 chống”: Chống quan liêu - Chống tiêu cực - Chống bệnh hình thức; thấu hiểu được suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của các tầng lớp nhân dân; phải tin dân, trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân, lo với nỗi lo của dân; luôn suy nghĩ, trăn trở trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân, để nghiên cứu, đề xuất và tham gia đóng góp những chủ trương, chính sách từ lòng dân, hợp lòng dân và kiên trì thực hiện những chủ trương, chính sách ấy, để không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, nhất là chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo.

Kiên trì tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, giáo dục đảng viên gương mẫu tham gia sinh hoạt và làm nòng cốt trong các tổ chức nhân dân với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, phấn đấu để các tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là hạt nhân lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tình hình ở Biển Đông hiện đang diễn biến rất phức tạp. Huyện đảo Hoàng Sa là một đơn vị hành chính của thành phố Đà Nẵng. Nhiều thế hệ người Đà Nẵng đã tham gia quản lý, khai thác quần đảo này, thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán trên một phần máu thịt của Tổ quốc. Từ ngày 1-5-2014, Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng biển hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Các tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã liên tục gây hấn, khiêu khích, tấn công các tàu chấp pháp, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu, làm bị thương nhiều người, thậm chí đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng. Đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết.

Đến hôm nay là đã qua 58 ngày, các lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển, ngư dân cả nước, ngư dân Đà Nẵng luôn dũng cảm bám biển, làm nhiệm vụ giữ vững chủ quyền đất nước giữa sóng gió đại dương. Biển Đông dậy sóng, lòng người Việt Nam nói chung, người dân Đà Nẵng nói riêng cũng dậy sóng với quyết tâm mãnh liệt chống lại hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Cùng với đồng bào và chiến sĩ cả nước, quân dân Đà Nẵng cực lực phản đối Trung Quốc về hành vi xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi xâm phạm, chấm dứt hoạt động và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981, rút hết các tàu công vụ và quân sự hộ tống giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Vì Hoàng Sa - biển đảo quê hương ta, thắm máu đào hãy giữ lấy Việt Nam; vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, chúng ta hãy chung tay góp sức xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố giàu có, hiện đại về kinh tế, nhất là kinh tế biển, vững mạnh về quốc phòng, có đời sống văn hóa cao đẹp, làm hậu phương vững chắc cho các lực lượng đang kiên cường làm nhiệm vụ trên biển. Từ Đại hội này, chúng ta tin tưởng rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ khơi dậy, phát huy lòng yêu nước của nhân dân Đà Nẵng anh hùng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, nguồn nội lực to lớn, nhân tố quyết định thành công trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và phát triển, là nhân tố đảm bảo đánh thắng mọi kẻ thù, giữ vững độc lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhân dịp Đại hội, để biểu dương thành tích và gởi gắm niềm tin của Đảng bộ, chính quyền thành phố đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, xin tặng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố bức trướng mang dòng chữ: "Đoàn kết, dân chủ, đổi mới, trí tuệ, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng phát triển bền vững.

;
.
.
.
.
.