.

Cần đổi mới việc đề cử và tự ứng cử

.

Sáng 16-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa tham gia phát biểu ý kiến. Báo Đà Nẵng trích giới thiệu bài phát biểu này.

ĐBQH Huỳnh Nghĩa phát biểu tại hội trường.
ĐBQH Huỳnh Nghĩa phát biểu tại hội trường.

Về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội (Điều 40)

Đây là điều luật cực kỳ quan trọng, có vị trí then chốt trong luật này. Có thể nói, chất lượng, hiệu quả hoạt động QH chính là ở từng vị ĐBQH. Muốn tìm được người giỏi, có tâm, có tầm, có thể đóng góp nhiều cho đất nước, cho QH thì trước hết chúng ta phải chọn được người xứng đáng. Vì vậy, cần xây dựng điều luật này thật chặt chẽ, có cơ chế, chính sách thông thoáng, bảo đảm tính khả thi, tăng cường dân chủ, đổi mới mạnh mẽ khâu hiệp thương thì mới có được những ứng cử viên xuất sắc để cử tri bầu vào QH.

Dự thảo nêu 5 tiêu chuẩn của ĐBQH là cơ bản đầy đủ, cụ thể. Nhưng suy đi nghĩ lại tôi thấy vẫn còn thiếu, thậm chí cái thiếu này lại rất quan trọng, riêng có của ĐBQH, đó là tư duy phản biện.

Mọi việc làm của QH đều công khai, minh bạch, trừ những gì là bí mật quốc gia. Thực tế cho thấy, khá nhiều cán bộ, công chức chúng ta hiện nay hình như thiếu tư duy phản biện nên dễ chấp nhận những kết luận, nhận định vuông vức, tròn trịa, êm thuận mà cấp trên đưa ra, dù trong thực tế cuộc sống còn đầy những gai góc, gập ghềnh. Đây không phải là chuyện “bới bèo ra bọ” mà là thái độ khoa học cần thiết. Phản biện là dân chủ vì người phản biện chỉ có thể giành phần thắng khi chân lý thuộc về họ chứ không vì chức vụ quan trọng mà người ấy nắm giữ.

Tôi đề nghị cần xây dựng cho được cơ chế, giải pháp hữu hiệu, mang tính khả thi cao nhằm xóa bỏ mặc định “Đảng cử, dân bầu” vốn trở thành nguyên tắc lâu nay. Cần đổi mới căn bản việc đề cử và tự ứng cử để tìm người hiền tài ra gánh vác việc nước. Phải sửa đổi ngay cơ chế quá nặng về cơ cấu này theo hướng giảm đến mức tối đa cán bộ chủ chốt cơ quan Đảng, chính quyền tham gia QH; nhằm tạo điều kiện để các đồng chí lãnh đạo yên tâm chỉ đạo, điều hành hoạt động của ngành, địa phương; không phải vất vả dự họp QH hằng tháng trời, không để ghế trống trong hội trường khi họp QH.

Về đại biểu Quốc hội chuyên trách (Điều 42)

Đây là điều luật rất đáng quan tâm, nhưng lại quy định quá chung chung. Dường như Ban soạn thảo lúng túng khi quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế hoạt động của ĐBQH chuyên trách?
Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành thiết chế ĐBQH chuyên trách tại Điều 59; nhưng lại không quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nên dẫn đến hoạt động kém hiệu quả, không đáp ứng lòng mong đợi của cử tri. Chúng ta xây dựng một chức danh mà không quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thì làm sao những người giữ chức danh đó làm được việc?

Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể tại Điều 42, thậm chí cần tập trung nghiên cứu, quy định hẳn một chương riêng về tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế và điều kiện bảo đảm hoạt động của ĐBQH chuyên trách. Có như vậy mới góp phần nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng, hiệu quả của chức danh này, nhất là trong xu thế đổi mới hoạt động QH hiện nay. Xuất phát từ thực tế vừa qua, nếu không xây dựng được cơ chế mang tính khả thi, sát thực thì cho dù có nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên bao nhiêu đi chăng nữa cũng không đạt hiệu quả mong muốn, thậm chí còn có tác dụng ngược, làm tiêu tốn thêm ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp của người ĐBQH trong lòng cử tri.

Thực tiễn cho thấy, phần lớn công việc của QH đều do đại biểu chuyên trách thực hiện, còn các đại biểu khác chỉ tham gia ở mức độ nhất định. Vì vậy, để tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động của QH thì việc quy định nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên đến 50% là cần thiết. Lúc đó, chúng ta có khoảng 250 đại biểu chuyên trách, một nửa số này hoạt động ở các cơ quan QH; còn lại 63 đoàn đại biểu cũng chỉ có 2 đại biểu chuyên trách là không nhiều, bảo đảm hợp lý.

 Nếu công tác chọn lựa tốt thì tôi nghĩ rằng chỉ cần một nửa số ĐBQH mỗi năm tham gia giám sát đến cùng một vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài thì cả nước có đến 250 vụ oan, sai được giải quyết. Chắc rằng, cảnh “Con ong, cái kiến kêu gì được oan” mà Nguyễn Du than thở sẽ vắng hẳn trong đời sống hiện nay.

Về Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (Điều 58)

Theo quy định tại khoản 5 Điều 24 Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH thì Đoàn ĐBQH còn có chức năng giám sát văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, trong đó có văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Việc thực hiện chức năng giám sát này được tổ chức, triển khai, thực hiện bởi cơ quan tham mưu, giúp việc là Văn phòng. Nhưng bộ phận này lại nằm trong Văn phòng Đoàn ĐBQH và Hội đồng nhân dân. Vậy thì làm sao Văn phòng có thể tham mưu cho Đoàn ĐBQH giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân? Từ Quốc hội khóa XII đến nay, Đoàn ĐBQH và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có một Văn phòng chung, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã gián tiếp triệt tiêu chức năng giám sát của Đoàn ĐBQH đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Hơn nữa, hoạt động của Đoàn ĐBQH mang tính đặc thù và ở tầm vĩ mô. Do đó, rất cần có một Văn phòng riêng, độc lập và đủ tầm thì mới thực hiện tốt chức năng tham mưu, phục vụ.

Chính vì những lý do trên, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét, thiết kế lại khoản 5 Điều 58 như sau: “Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là pháp nhân độc lập, thực hiện nhiệm vụ tổ chức, tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương”.

Quy định như vậy thì mới hình thành được Văn phòng Đoàn ĐBQH độc lập, đủ mạnh, thực sự là cơ quan tham mưu, giúp việc đắc lực cho Đoàn ĐBQH hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao…

HỮU HOA lược trích

;
.
.
.
.
.