Mới chập chững bước vào nghề, những phóng viên trẻ còn ít kinh nghiệm đã gặp phải vô vàn khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Thế nhưng họ lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết, mong muốn mang đến những tác phẩm hay, có chất lượng cho người đọc. Trong bài viết này, người viết có sử dụng tư liệu của các đồng nghiệp là những phóng viên đang công tác tại các cơ quan báo, tạp chí, văn phòng đại diện của cơ quan báo chí trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, do yêu cầu của các nhân vật, trong bài viết xin không nêu tên người được phỏng vấn.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Những “tai nạn” không giống nhau
Tốt nghiệp đại học, đi làm chưa lâu, phóng viên N.H, báo Đời sống và Pháp luật tâm sự, khó khăn nhất với những phóng viên mới ra trường là đến chính quyền liên hệ làm việc. Nếu gặp cán bộ dễ tính một chút thì việc lấy thông tin còn thuận lợi; gặp người khó tính, thậm chí tỏ thái độ cau có thì lúc đó phóng viên chỉ có nước “khóc ròng”. “Cũng có nơi, khi em giới thiệu là phóng viên của báo tới liên hệ làm việc thì họ hỏi giấy giới thiệu, trình giấy giới thiệu lại yêu cầu đưa thẻ nhà báo, trong khi những người mới vào nghề như tụi em thì làm sao có được thẻ”, N.H tâm sự. Cũng theo chia sẻ của N.H, công tác tại báo Đời sống và Pháp luật, chuyên viết về các vụ án, những ngày mới đi làm lúc nào cũng kè kè quyển sách luật bên người; nhưng rồi N.H nghiệm ra, các bộ luật dân sự, hình sự có thể học dần dần, trước tiên phải học Luật Báo chí, nắm được luật thì mình xử lý được các tình huống nhanh nhạy, không vi phạm pháp luật, nếu chuyện gì xảy ra còn có tòa soạn, cơ quan bảo vệ mình.
Một thực tế dễ nhận thấy là khi còn ngồi trên giảng đường, nhiều sinh viên vẫn nghĩ rằng chỉ cần học tốt trong trường đại học là ra trường trở thành nhà báo. Tới khi bắt tay vào làm báo mới thấy giữa lý thuyết và thực tế có một khoảng cách khá xa. Ngay bản thân T.T, phóng viên một văn phòng đại diện cơ quan báo chí tại Đà Nẵng cũng đã từng suy nghĩ như thế. T.T cho biết, khó khăn với anh không phải từ việc viết tin, bài như thế nào mà ở nguồn tin. Do mới đi làm, các mối quan hệ còn hạn chế nên anh rất ít nguồn tin, khi biết được thông tin về sự kiện đó thì các báo khác đã đăng hết rồi. Anh nhớ mãi lần đi làm tin về vụ tai nạn của xe container, do chưa có kinh nghiệm và thiếu hiểu biết nên anh chỉ ghi biển số của xe kéo mà không ghi biển số của xe được kéo, khi thông tin được đăng trên báo, bạn đọc đối chiếu với các báo khác thấy thông tin không giống nhau và cho rằng phóng viên viết ẩu.
Tình yêu với nghề
Đã có nhiều năm lăn lộn với nghề báo, nhưng phóng viên Hồng Anh, báo Việt Nam Economic News vẫn nhớ mãi những ngày còn là phóng viên tập sự của Báo Lao động. Chị cho biết, khi đó được Ban biên tập phân công đi viết bài về “mô hình nuôi cá chim trắng đầu tiên ở Đà Nẵng”, tìm được đến Trung tâm Khuyến ngư của thành phố ở quận Cẩm Lệ nhưng chị không biết gặp ai và khai thác thông tin như thế nào. Đang loay hoay chưa biết xử trí ra sao thì lãnh đạo Trung tâm cho tài liệu, hướng dẫn chị những thông tin chính. Lúc đó chị mừng phát khóc, chỉ biết rối rít cảm ơn. Khi viết bài nộp cho Ban biên tập, bài viết của chị phải sửa đi, sửa lại tới 4 lần mới dùng được, thậm chí anh trưởng ban biên tập còn nói đùa “sau chuyến tập sự này chắc bỏ luôn nghề báo”. Chị Hồng Anh cho hay, lúc đó mới chập chững vào nghề, kỹ năng tác nghiệp còn chưa vững nên cũng nản lắm, nhưng nhờ có câu nói của anh trưởng ban biên tập mà chị có thêm động lực, quyết tâm để theo đuổi, gắn bó với nghề báo.
Trong những lần đi tác nghiệp, phóng viên T.T cũng nhớ mãi câu chuyện về hành động nghĩa hiệp của người dân Đà Nẵng trong đêm giao thừa 2014. T.T kể: “Sau khi làm xong lễ hội đếm ngược đón giao thừa ở đường 2 tháng 9, trên đường về nhà, khi qua đoạn đường Tôn Đức Thắng thì một chiếc xe tải mất lái, lật úp ngay trước mắt, toàn bộ cát trên xe đổ xuống vùi kín một thanh niên. Khi đó có một người đàn ông chạy từ trong nhà ra, ra sức đào bới đống cát để người thanh niên có thể thở được. Rồi cả trăm người xúm lại để đưa người thanh niên ra nhưng chân của anh ấy bị phần đuôi xe đè lên, không rút ra được. Do đã hơn 12 giờ đêm, các lực lượng chức năng không điều được xe cẩu đến, người dân đã bàn nhau tìm cách cứu người. Lúc đó, người đi kiếm gạch đá chèn vào bánh xe, người rọi đèn để số đông hiệp sức đẩy nghiêng xe. Chừng 20 phút thì rút được chân anh ấy ra và đưa đi bệnh viện”. Đó là hành động cao đẹp nhất của những người dân trong khoảnh khắc đầu năm mà T.T đã nhanh tay quay được. Khi clip về câu chuyện xúc động ấy được đăng tải đã thu hút hàng ngàn lượt xem của bạn đọc. Với T.T, đó là nguồn động viên lớn lao, đồng thời, anh cũng coi đó là động lực để phấn đấu nhiều hơn nữa với con đường mình đã chọn.
Từ trong vất vả, nhiều phóng viên trưởng thành rất nhanh chóng. Một phóng viên Báo Đà Nẵng tâm sự: “Nghề báo đã mang lại cho tôi thêm nhiều kinh nghiệm, sự hiểu biết, vốn sống... Mỗi lần đi gặp một người, một nhân vật, tìm hiểu về một vấn đề, tôi lại càng thấy mình “giàu có” hơn về vốn sống”.
THU HÀ