ĐNĐT - 2,7 tỷ đồng là số tiền các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp tại chương trình Chung tay chia sẻ nỗi đau da cam, do Hội Nạn nhân chất độc da cam, Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố, Trung tâm THVN tại Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, Sở GD&ĐT, Hội LHPN thành phố phối hợp thực hiện vào sáng 7-6.
Tham dự Chương trình có các đồng chí: Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBMTTQVN TP; Phạm Quý, Trưởng ban Dân vận Thành ủy.
Trẻ em da cam trình diễn văn nghệ tại Chương trình |
Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã là chuyện của quá khứ, nhưng 80 triệu lít chất độc hóa học do quân đội Mỹ rải khắp các chiến trường Việt Nam vẫn là câu chuyện của hôm nay, của những cơ thể tổn thương nặng nề chưa biết đến bao giờ nguôi.
Đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế vẫn luôn bên cạnh các nạn nhân chất độc da cam để giúp xoa dịu phần nào những mất mát, đau thương mà họ gánh phải. Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, có 5.000 nạn nhân, trong đó 1.400 là trẻ em. Con số này vẫn được nhắc lại nhiều lần như một “vết” hằn sâu của chiến tranh. Dẫu vậy, nếu ai đã từng gặp những đứa trẻ da cam tại Đà Nẵng đều sẽ có cảm nhận, mỗi ngày qua, các em cười nhiều hơn, múa đẹp hơn và dạn dĩ hòa nhập hơn. Đó là vì các em không đơn độc đi qua nỗi đau của bản thân mình…
Nỗi đau sẽ vơi
Có thể coi 150 trẻ em và 35 cán bộ, nhân viên, giáo viên trong “ngôi nhà” của Hội NNCĐDC thành phố là một xã hội thu nhỏ, mà trong đó, mỗi cá thể chứa đựng một câu chuyện bắt đầu bằng nỗi buồn. Nhiều em lúc mới vào trung tâm chăm sóc nạn nhân da cam chỉ là một đứa trẻ dễ bị kích động, sẵn sàng tấn công người khác hoặc tự nhốt mình trong góc tối. Trước khi vào “ngôi nhà” này, các em đã mang trong mình bệnh tật và những tháng ngày không có niềm vui. Ngay cả những cán bộ, nhân viên, giáo viên tại đây cũng mỗi người một nỗi niềm riêng khó nói hết. Như một bức tranh được ghép từ nhiều mảng màu tối, nhưng khi miếng ghép cuối cùng được lắp đầy, hình ảnh tươi sáng hơn lại hiện ra trọn vẹn. “Ngôi nhà” đặc biệt này có nhiều điểm tương đồng như vậy.
Những đứa trẻ ngày ấy giờ đã nhanh nhẹn, linh hoạt và tươi vui hơn nhiều. Nhìn các em “chuyên nghiệp” trong các chương trình biểu diễn hay “quậy” hết cỡ khi tham gia giao lưu với người lạ, mới thấy các em đang sống một tuổi thơ hạnh phúc như bao bạn bè khác. Các thầy cô giáo cũng tìm được nhiều niềm yêu đời và thêm yêu những đứa trẻ kém may mắn hơn. Nhất là khi cả xã hội cùng đồng hành từ tinh thần đến vật chất thì hành trình vượt qua nỗi đau da cam sẽ trở nên nhẹ nhàng.
Trên sân khấu của chương trình Chung tay chia sẻ nỗi đau da cam do Báo Đà Nẵng phối hợp cùng các đơn vị tổ chức vào sáng 7-6, khán thính giả trong và ngoài nước (truyền hình trực tiếp trên DVTV và VTV4) đều đã tận mắt chứng kiến nạn nhân da cam nói chung, trẻ em da cam nói riêng đón nhận sự hỗ trợ thiết thực từ quà, tiền trợ dưỡng, kinh phí xây dựng đến những bữa cơm dinh dưỡng của các nhà hảo tâm khắp mọi nơi.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí tặng bảng tấm lòng vàng cho các nhà hảo tâm |
Không đợi đủ đầy vật chất mới làm từ thiện
Tham gia Chương trình với tư cách khách mời giao lưu, thầy Thích Huệ Trí, trụ trì chùa Phổ Quang, quận Sơn Trà chia sẻ về triết lí cho và nhận của nhà Phật. Trong đó, thầy Thích Huệ Trí nhấn mạnh: Nếu ai nghĩ đợi đến lúc đủ tiền mới làm từ thiện sẽ mãi mãi không làm từ thiện được. Con người vốn có cái này thì thích cái khác, đạt được địa vị này lại mong muốn vị trí khác. Do đó, vật chất không bao giờ là đủ đối với lòng ham muốn của con người. Có sức khỏe và trí tuệ là chúng ta đã có tài sản lớn nhất. Hãy dùng “tài sản” này chia sẻ ngọt bùi với đồng loại.
Cũng từ suy nghĩ này, không riêng chùa Phổ Quang mà nhiều người ở tuổi tác, công việc, tôn giáo khác nhau đã đến sẻ chia với nạn nhân da cam. Nhờ nguồn quyên góp được, qua 10 năm hoạt động, Hội NNCĐDC Đà Nẵng đã có ba cơ sở gồm hai trung tâm chăm sóc, nuôi dạy trẻ em da cam và một Trung tâm xông hơi giải độc-phục hồi chức năng.
Cơ sở giải độc cho nạn nhân là điểm mới nhất của Hội trong thời gian này. Từ nơi đây, các nạn nhân có cơ hội được nâng cao sức khỏe bằng phương pháp điều trị dựa trên nguyên lý giải độc không đặc hiệu, sử dụng vitamin liều cao, dầu thực vật và xông hơi, qua đó cơ thể được thải một phần độc tố, nồng độ dioxin trong máu giảm.
Chương trình Chung tay chia sẻ nỗi đau da cam lần này lại là một ví dụ cho sự đồng lòng, đùm bọc lẫn nhau của những người trân trọng lịch sử và muốn góp một phần nhỏ làm cho cuộc đời thêm nhiều yêu thương.
Tôi không thể rời khỏi Dưới hàng ghế khán giả có một “ông Tây” đội mũ cao bồi say sưa quay phim toàn bộ Chương trình. Ông là Larry Vetter, cựu chiến binh Mỹ, từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam vào năm 1965. Ông cũng là cựu binh bị phơi nhiễm dioxin và đã từng cắt bỏ khối u ung thư. Năm 2008, ông trở lại Việt Nam và thăm Hội NNCĐDC Đà Nẵng. Được sự giới thiệu của Hội, ông đến tìm hiểu cuộc sống của nạn nhân da cam, trong đó có hai em La Thanh Toàn và La Thanh Nghĩa (trú tại quận Ngũ Hành Sơn). Chứng kiến cuộc sống quá khó khăn của gia đình hai em khi phải nuôi những đứa con nằm một chỗ, Larry Vetter đã thuê hẳn căn nhà rộng lớn trên đường Thanh Sơn và nhận hai em về nuôi nấng như con ruột. Ngoài chăm Toàn và Nghĩa, ông còn đi làm phim, viết sách về nạn nhân chiến tranh Việt Nam. Với người đàn ông này, Việt Nam và Mỹ là “number one”. Ông chỉ biết mình không thể rời khỏi đất nước này và sẽ ở lại chăm sóc cho “hai đứa con” khi nào mình không còn sống nữa. |
Bài và ảnh: Thu Hoa