.

Chuyện hưu, chuyện nghề

.

Cũng như bao ngành nghề, cũng như bao người khác, đối với tôi, khi đã yêu nghề báo, đã chọn nó để dấn thân thì luôn đau đáu bên mình, dù còn đương chức hay đã về hưu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi còn nhớ, vào mùa hè năm 1972, trên chiến trường miền Nam, nhất là ở thành cổ Quảng Trị, được gọi là “mùa hè đỏ lửa”, cuộc chiến đấu của quân và dân ta vô cùng khó khăn, quyết liệt. Để hỗ trợ cho chính quyền Sài Gòn, Mỹ càng dốc sức ném bom ra miền Bắc nhằm chặn đứng sự tiếp viện của hậu phương lớn cho miền Nam. Khi đó, tôi đang học lớp 4 ở Trường miền Nam số 6, thị xã Hải Dương, nhưng phải sơ tán về xã Bình Lãng, nằm ven sông Thái Bình thuộc huyện Tứ Kỳ. Khu vực này trong vùng giáp ranh giữa Hải Phòng và Hà Nội, nên máy bay Mỹ cũng ném bom khá dữ dội. Vào buổi chiều giữa tháng 6-1972, Mỹ ném bom xã bên cạnh và tôi đã viết ngay bài báo về cảnh đau thương của đồng bào bị bom Mỹ sát hại. Hai hôm sau, bài báo với 800 chữ đã được đăng trên tờ báo của Đảng bộ tỉnh Hải Hưng.

Tin tôi viết báo và có bài đăng, được nhuận bút làm các thầy cô và bạn bè rất ngạc nhiên. Còn đối với tôi, đó là một sự kiện thật trọng đại trong cuộc đời, vì đó là bài báo đầu tiên đã giúp tôi gắn bó với nghề báo đến bây giờ. Cũng kể từ đó, khi học các trường phổ thông hay đại học, tôi đều đặn viết hàng trăm bài cho nhiều tờ báo như: Người giáo viên nhân dân, Thể thao, Tiền Phong, các báo Quảng Ninh, Hà Nội mới, Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình - Trị - Thiên, cho các đài phát thanh của các tỉnh…

Khi ra trường, bước vào ngành công an, tôi vẫn cố chọn cho mình một công việc liên quan đến báo là làm chương trình phát thanh Vì an ninh Tổ quốc và bản tin nội bộ của Công an Quảng Nam - Đà Nẵng. Say sưa với nghề, với công việc, tôi đã góp phần xây dựng nên tờ báo Công an Quảng Nam - Đà Nẵng và nay là báo Công an Đà Nẵng.

Gần 25 năm gắn bó và 20 năm trên cương vị lãnh đạo tờ báo Công an Đà Nẵng, tuy bận rộn với công việc nhưng tôi đều dành thời gian nhất định để viết. Vì tôi luôn nghĩ, làm công tác quản lý chỉ là công việc tạm thời, trong một giai đoạn nhất định, còn chuyện viết mới là việc suốt đời mà mình yêu thích. Bởi vậy, tôi đã dành nhiều thời gian để đi, gặp gỡ, tìm hiểu thực tế, thu thập tư liệu, viết gần chục ngàn bài báo các loại dưới các bút danh khác nhau cho báo Công an Đà Nẵng và các báo khác để phục vụ công tác tuyên truyền.

Khi còn làm công tác quản lý, tôi có một kinh nghiệm nhỏ giúp cho mình có tư liệu, viết bài, làm phỏng vấn… là xây dựng và khai thác tốt những cộng tác viên đặc biệt. Tôi còn nhớ, khi Bùi Tín trốn ở lại Pháp rồi có rất nhiều bài báo sai sự thật về Việt Nam, nhất là trong sự kiện 30-4. Năm 1999, tôi đã có nhiều cuộc trao đổi với nhà văn, nhà báo Nguyễn Trần Thiết, nguyên là phóng viên mặt trận của Báo Quân đội nhân dân, cũng có mặt trong ngày 30-4 tại Dinh Độc lập, đang sinh sống ở Hà Nội để tìm hiểu vấn đề. Sau đó, chúng tôi thống nhất thực hiện phỏng vấn anh Nguyễn Trần Thiết xung quanh sự kiện đó. Bài phỏng vấn đăng trên báo Công an Đà Nẵng, được dư luận đánh giá cao, Ban Tuyên giáo Trung ương hoan nghênh. Khoảng một tháng sau, anh Nguyễn Trần Thiết thông báo với tôi rằng bài báo đã có mặt ở Pháp, Bùi Tín đọc và phản ứng rất mạnh mẽ, kể cả người thân ở Hà Nội.

Năm tháng trôi qua, công việc của một cán bộ đương chức cũng đến ngày phải dừng lại. Năm 2010, tôi nghỉ hưu nhưng với nghề, tôi cảm thấy mình cũng chưa thể nghỉ được. Chuyện viết nó vẫn luôn thôi thúc mình cầm bút, nhất là khi có sự kiện, sự việc nào đó diễn ra. Tuy phụ trách cơ quan đại diện báo Chính phủ tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhưng tôi vẫn dành tâm huyết viết về những vấn đề ở địa phương mà mình gắn bó.

Anh Mai Đức Lộc, Tổng Biên tập báo Đà Nẵng hiểu điều đó, đã trò chuyện và mời tôi cộng tác về những đề tài mà tôi thường viết trước đây. Nhưng để có những bài báo kịp thời, mang tính thời sự cao, hai anh em thường cà-phê trò chuyện, điện thoại trao đổi thông tin. Bài viết của tôi về Cồn Dầu đăng trên báo Đà Nẵng đoạt giải báo chí quốc gia và thành phố cũng nằm trong mối liên hệ đó. Chính sợi dây liên hệ của anh đã thôi thúc tôi viết tốt hơn, nhanh hơn. Có lần, vào cuối giờ làm việc buổi chiều, anh Trương Công Định, Phó Tổng Biên tập báo Đà Nẵng, gọi điện thoại cho tôi trao đổi thông tin và đề nghị viết bài cho chuyên mục “Thời sự và bàn luận”. Hai tiếng đồng hồ sau, tôi đã chuyển bài.

Nói như vậy, không có nghĩa bài nào mình viết cũng được sử dụng cả. Nhưng có những bài không đăng cũng vô cùng thú vị. Tôi nhớ khi xảy ra vụ án Dương Chí Dũng và sau này xuất hiện thêm nhân vật là Phạm Quý Ngọ, thế là 17 giờ, sau khi trao đổi với anh Mai Đức Lộc, tôi ngồi ngay vào máy để viết bài. Cũng chưa đầy hai tiếng đồng hồ sau, tôi hoàn thành bài báo khoảng 1.200 chữ. Nhận bài tôi gửi, anh Mai Đức Lộc nhắn tin rằng sẽ đăng, bài hay quá!

Hai hôm sau, gặp nhau cà-phê, anh Mai Đức Lộc nói với tôi rằng, anh đã quyết định đăng rồi, nhưng đến phút cuối thì không. Theo lời anh nói, thì đó là bài báo hay nhất của tôi mà anh đọc được từ trước tới giờ. Nhưng bài báo có quá nhiều điều nhạy cảm, nếu đăng thì cũng hơi khó. Tôi cũng có cảm nghĩ như vậy, vì đó là gan ruột, vì đó sự cảm xúc rất mạnh mẽ nhất mà tôi hiểu và cảm nhận được, nếu đăng thì có thể gây nên sự khó chịu cho nhiều người.

Tôi và anh Mai Đức Lộc nhìn nhau cười, nhâm nhi cà-phê và thầm hiểu với nhau: vì đó là nghề báo mà!

LÊ MINH HÙNG

;
.
.
.
.
.