Trong thời gian tham gia hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” diễn ra từ ngày 19 đến 21-6-2014, Nhà nghiên cứu độc lập người Pháp Andre Menras (ảnh), tác giả của bộ phim tài liệu “Hoàng Sa Việt Nam-Nỗi đau mất mát” đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đà Nẵng về vấn đề liên quan đến các hoạt động tại hội thảo.
* Ông đánh giá như thế nào về hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử”?
- Những người đến tham gia hội thảo lần này có nhiều chuyên gia nổi tiếng thảo luận về vấn đề chủ quyền cũng như pháp lý đối với việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và vùng lãnh thổ của Việt Nam. Thông qua hội thảo, họ có thể đặt quan hệ với một số học giả khác để liên hệ nghiên cứu chung với nhau rất hay, có một cơ hội đoàn kết quốc tế về vấn đề đó để ủng hộ Việt Nam một cách hiệu quả.
* Ông thấy sự ủng hộ của các học giả quốc tế đối với Việt Nam như thế nào?
- Các nhà nghiên cứu có ý kiến bày tỏ ủng hộ Việt Nam và họ sẽ tiếp tục nghiên cứu để công lý và luật pháp quốc tế được tôn trọng và Trung Quốc phải tôn trọng điều đó.
* đánh giá của ông về việc đấu tranh bằng con đường ngoại giao của Chính phủ Việt Nam?
- Tôi thấy phải có đấu tranh bằng con đường này, nhưng nếu không có nhân dân thì đấu tranh ngoại giao không có hiệu quả. Việt Nam đã từng thắng Pháp, thắng Mỹ bởi vì có đấu tranh ngoại giao nhưng đồng thời cũng có đấu tranh tại chỗ có nhân dân Việt Nam, nếu mà không có điều này thì đấu tranh ngoại giao không có hiệu quả.
* Theo ông, các học giả quốc tế có cảm xúc như thế nào khi chúng ta tổ chức hội thảo tại đây thì ngoài Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục đặt giàn khoan mới?
- Tôi nghĩ phải tranh thủ những sự kiện như hội thảo lần này để cảnh báo cho dư luận biết có những nguy cơ có thể xảy ra.
* Ông nghĩ như thế nào nếu những ý kiến lên tiếng của bạn bè quốc tế bị chính quyền Trung Quốc làm ngơ?
- Càng ngày dư luận quốc tế càng biết, càng phát hiện chính quyền Trung Quốc là một chính quyền bành trướng không chỉ ở Biển Đông mà nhiều nước láng giềng của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách bành trướng đó như đối với Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ… Theo tôi, từ từ dư luận quốc tế sẽ phản ứng. Bây giờ Trung Quốc vẫn cứ vi phạm luật pháp quốc tế một cách ngang nhiên nhưng từ từ họ cũng phải hiểu và phải tôn trọng luật pháp quốc tế nếu họ không muốn chịu hậu quả về kinh tế.
ĐOÀN LƯƠNG thực hiện