.

Mong gói 10.000 tỷ đồng sớm đến ngư dân

.

* Hiến tàu cá ĐNa 90152 cho Nhà nước để trưng bày

55 chủ tàu cá của thành phố Đà Nẵng nhận được sự hỗ trợ vốn với số tiền 50 triệu đồng/người cùng với chiếc thuyền thúng trị giá 6,2 triệu đồng từ bạn đọc Báo Tuổi Trẻ trao ngày 10-6 là niềm động viên lớn lao, giúp họ càng thêm yên tâm bám biển.

Lãnh đạo Báo Tuổi Trẻ và Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng trao tiền cho các ngư dân.
Lãnh đạo Báo Tuổi Trẻ và Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng trao tiền cho các ngư dân.

Ngư dân vững tâm hơn trên biển

Trong điều kiện biển giã cực kỳ khó khăn như hiện nay, việc nhận được số tiền hỗ trợ lớn như vậy từ các nhà hảo tâm là vô cùng quý báu. “Từ đầu năm đến nay, tàu chúng tôi mới ra khơi được hai chuyến, nhưng cả hai đều lỗ nặng (gần 200 triệu đồng). Tôi phải vay mượn để trang trải cuộc sống trong thời gian qua. Hiện tại, các bạn (tức lao động trên tàu-PV) cũng gặp không ít khó khăn. Sự hỗ trợ kịp thời của các tấm lòng hảo tâm từ bạn đọc Báo Tuổi Trẻ đã góp phần giải quyết những khó khăn ban đầu của gia đình cũng như các thuyền viên, để chúng tôi yên tâm ra khơi trong thời gian đến”, thuyền trưởng, kiêm chủ tàu cá ĐNa 90369 Đào Ngọc Minh Tâm (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) chia sẻ.

Tàu anh Tâm thuộc loại tàu lớn nhất nhì của quận Thanh Khê. Khó khăn là vậy, nhưng hiện giờ anh đang chuẩn bị nhiên liệu, lao động để bám ngư trường Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981, để vừa khai thác hải sản vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo. “Chúng tôi rất cảm động trước sự chung tay, góp sức của người dân cả nước, không chỉ làm ấm lòng các lực lượng chấp pháp mà làm cho ngư dân vững tâm hơn trên biển. Chúng tôi kiên quyết sẽ nỗ lực bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình”, anh Tâm bộc bạch.

Còn thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá ĐNa 90361 Hồ Ngọc Hiệp (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) sau khi nhận được 50 triệu đồng cùng chiếc thuyền thúng lớn, anh hồ hởi: “Thời gian này nếu để tàu nằm bờ thì ngư trường của mình sẽ mất. Vì vậy, phải ra khơi, trước hết là để bảo vệ biển, còn việc làm kinh tế thì để sau. Tôi kiên quyết ra khơi để giữ biển, cho dù Trung Quốc hăm dọa, đâm chìm tàu, bởi đằng sau ngư dân chúng tôi là cả một hậu phương vững chắc”.

Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua, cả hệ thống chính trị thành phố, các nhà hảo tâm gần xa đã sát cánh cùng ngư dân để họ yên tâm bám biển. “Những hỗ trợ bằng vật chất, tinh thần luôn có ý nghĩa quan trọng. Ngư dân cảm thấy mình không bao giờ cô đơn trước biển”, ông Lĩnh khẳng định.

Ngư dân cần gói 10.000 tỷ đồng đến sớm để cải hoán tàu thuyền ra khơi giữ biển.             Ảnh: AN NHIÊN
Ngư dân cần gói 10.000 tỷ đồng đến sớm để cải hoán tàu thuyền ra khơi giữ biển. Ảnh: AN NHIÊN

Mong gói 10.000 tỷ đồng sớm đến ngư dân

Những hỗ trợ vật chất vừa qua là quý báu nhưng cũng chỉ giải quyết được “phần ngọn” của ngư dân. Với họ, cần nhất là nguồn vốn để cải hoán tàu vươn khơi, chống chọi sự nguy hiểm của sóng gió, đặc biệt là sự hung hăng của tàu Trung Quốc. Thông tin gói 10.000 tỷ đồng của Chính phủ đã khơi dậy niềm tin cho ngư dân. Thuyền trưởng Hồ Ngọc Hiệp, chủ tàu ĐNa 90361 cho biết, anh cũng đang háo hức chờ dự án vay vốn cải hoán tàu. “Hiện tại, tàu tôi có công suất 450CV, đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Tuy nhiên, so với tàu vỏ sắt của Trung Quốc thì tàu mình thua xa cả chục lần. Tôi muốn vay thêm khoảng 2 tỷ đồng để nâng cấp tàu, thay đổi ngư lưới cụ để hành nghề”, anh Hiệp cho biết.

Đó cũng là mong muốn của thuyền trưởng tàu ĐNa 90325 TS Nguyễn Đình Châu. Theo anh Châu, nếu được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp như Chính phủ đã nêu, anh sẽ vay 1,5 tỷ đồng để nâng cấp và chuyển đổi từ lưới vây sang lưới bùng nhùng. “Trước đây tôi cũng đã từng vay ngân hàng, nhưng lãi suất khá cao. Những chuyến biển dài ngày, tôi đã tiết kiệm để trả cho ngân hàng. Nhưng biển giã ngày càng khó khăn, ngư dân chúng tôi ai cũng mong mỏi có nguồn vốn vay lãi suất thấp”, anh Châu ao ước. Anh Châu cũng cho rằng, ngân hàng cũng cần cho ngư dân thế chấp con tàu của mình ngoài bất động sản…

Về vấn đề này, ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, nếu gói 10.000 tỷ đồng đến sớm với người dân sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giúp họ cải hoán tàu để vươn khơi xa hơn nhằm giữ chủ quyền biển đảo. Bên cạnh cải hoán tàu vỏ gỗ, nhiều ngư dân cũng sẽ vay để đóng tàu vỏ sắt. Trong khi đó, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Đà Nẵng cho biết đang chờ thông tư hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước. Sau khi có Thông tư và các văn bản liên quan, sẽ triển khai đến các cơ quan, ban ngành và ngư dân.

Hiến tàu cho Nhà nước để trưng bày

Ngày 10-6, trước sự chứng kiến của quyền Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Trần Văn Lĩnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Nguyễn Đỗ Tám, chị Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá ĐNa 90152  khẳng định sẽ hiến tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 26-5 vừa qua cho thành phố để làm bằng chứng tố cáo hành động dã man của tàu Trung Quốc. “Tôi sẽ hiến tàu cho Nhà nước nhằm trưng bày để tố cáo tội ác của Trung Quốc, để cho các du khách trong và ngoài nước thấy rằng, hành động của Trung Quốc là muốn giết những ngư dân vô tội của Việt Nam”, chị Hoa nói.

Chị Hoa cũng cho biết, những ngày qua, các hãng thông tấn báo chí quốc tế đến để tìm hiểu sự việc tàu cá của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Chị Hoa đã tố cáo tội ác của Trung Quốc trước các phóng viên quốc tế; trong đó có phóng viên Báo Washington Times - ông James Borton, là giáo sư chuyên ngành hàng hải của một trường đại học tại Mỹ. Ông James Borton cho biết, sẽ đem những thông tin quý báu này về đăng tải cho người dân Washington nói riêng, người dân Mỹ nói chung biết được sự ngang ngược, tàn bạo của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam.

AN NHIÊN

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.