.

Nhà báo quốc tế đứng về chính nghĩa

.

Hơn 10 hãng thông tấn, báo chí quốc tế đã đến Đà Nẵng để tác nghiệp xung quanh vụ việc tàu cá ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào ngày 26-5. Những nhìn nhận, đánh giá khách quan của phóng viên quốc tế cho công luận thế giới thấy rằng: hành động đâm chìm tàu cá của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam là hành động vô nhân đạo, giết người!

Ông James Borton phỏng vấn bà Huỳnh Thị Như Hoa.
Ông James Borton phỏng vấn bà Huỳnh Thị Như Hoa.

Vượt nửa vòng trái đất

20 ngày từ khi tàu cá của bà Hoa bị đâm chìm, tôi đã nhiều lần ghi nhận phóng viên quốc tế tác nghiệp tại tàu này. Người gây ấn tượng với chúng tôi nhất là phóng viên kỳ cựu của Washington Times - ông James Borton. Đã 65 tuổi nhưng khi nghe thông tin tàu cá của Đà Nẵng (Việt Nam) bị chìm, ông không quản ngại khó khăn, gian khổ, bay từ nửa vòng trái đất để tìm hiểu sự việc.

Đến Đà Nẵng vào những ngày nắng gắt nhất, đội chiếc mũ lưỡi trai mỏng không đủ che nắng, nhưng thời tiết không ngăn được sự nhiệt tình của ông James Borton. Khi đến thực địa - nơi tàu ĐNa 90152 tạm thời được trưng bày tại Công ty trục vớt, sửa chữa tàu thuyền Bắc Mỹ An, sau khi được quyền Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng Trần Văn Lĩnh thuật lại toàn bộ vụ việc, ông James Borton đã “thị sát” và thấy những “vết thương” do tàu Trung Quốc gây ra. Ông chụp ảnh rồi trèo lên boong tàu. Thấy chiếc tàu tơi tả, ông trầm ngâm...

Phóng viên James Borton gặp thuyền trưởng tàu ĐNa 90152 trên boong tàu chật hẹp. Thuyền trưởng Đặng Văn Nhân đã tường thuật toàn bộ những gì xảy ra đối với con tàu mà anh làm thuyền trưởng suốt mấy năm nay. “Tàu Trung Quốc đâm vào tàu chúng tôi to gấp 6-7 lần, tôi khẳng định đó là tàu quân sự giả tàu cá”, thuyền trưởng Nhân khẳng định. Khi James Borton hỏi rằng, Trung Quốc có hành động ngang ngược vậy thì anh có dám ra khơi không, thuyền trưởng Nhân quả quyết: “Làm thuyền trưởng thì phải ra khơi. Hơn nữa, Hoàng Sa là máu thịt của Việt Nam, ở đây cá tôm nhiều. Chúng tôi kiên quyết ra khơi cho dù Trung Quốc hung hăng, ngang ngược…”.

Trời càng về trưa, cái nắng hầm hập đổ xuống, trên boong tàu nhỏ, ông James Borton mồ hôi nhễ nhại. “Tôi sẽ gửi những thông tin này về cho chính quyền Washington cũng như bạn đọc Washington Times biết về hành động của phía Trung Quốc!”, ông nói.

Không tin những gì Trung Quốc nói!

Sau khi nắm thông tin từ thuyền trưởng Đặng Văn Nhân, James Borton quay sang thăm hỏi, chia sẻ với gia đình bà Huỳnh Thị Như Hoa. “Tôi sẽ đưa sự việc xảy ra với bà cũng như các thuyền viên trên con tàu này để Washington nói riêng, người Mỹ nói chung biết tình hình thực tế hiện nay của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông mà có những hỗ trợ cần thiết nhất”, ông nói.

Là giáo sư chuyên ngành Hàng hải của Đại học Nam Carolina (Mỹ), James Borton tìm hiểu rất rõ những gì đang xảy ra trên các vùng biển. Điều đó khiến ông càng hiểu nỗi vất vả của ngư dân. “Chị hãy tin tôi. Tôi là người bạn của chị và của ngư dân Việt Nam. Tôi hết sức quan tâm vấn đề ngư dân Việt Nam bị thiệt hại do những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông”.

Khi chúng tôi phản ánh thông tin Trung Quốc vu khống tàu cá Việt Nam có hành động gây hấn, đâm vào tàu Trung Quốc mới bị lật thì ông nói ngay: “Tôi không tin điều đó, bởi tàu Trung Quốc to gấp 6-7 lần tàu cá của Việt Nam và người Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình. Tôi nói thẳng, Việt Nam cũng như mọi người trên thế giới đều biết rằng Trung Quốc luôn “nói một đằng làm một nẻo”, nên tôi không bao giờ tin những gì họ nói!”.

Chia tay các ngư dân, ông James Borton còn nói thêm với gia đình bà Hoa: “Tôi là giáo sư chuẩn bị nghỉ hưu và sẽ dành thời gian đến Việt Nam để phản ánh sự việc tàu cá của chị bị đâm chìm”.

Sự thân thiện và nhiệt tình của người phóng viên quốc tế ấy khiến chúng tôi tin rằng, sự thật về tình hình Biển Đông sẽ được nước Mỹ cũng như cả thế giới biết đến và sẽ ủng hộ Việt Nam.

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.