.

Phát triển văn hóa phải xứng tầm

.

Sáng 17-6, Ban Kinh tế-Ngân sách và Ban Văn hóa-Xã hội của HĐND thành phố làm việc với Sở VH-TT&DL về hoạt động của ngành trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề tồn đọng trong lĩnh vực văn hóa được đặt ra và đề xuất các phương án giải quyết.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một trong những công trình văn hóa cần được đầu tư, nâng cấp.Ảnh: VĂN NỞ
Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một trong những công trình văn hóa cần được đầu tư, nâng cấp.Ảnh: VĂN NỞ

Cải tạo, nâng cấp 4 công trình văn hóa

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Mai Đức Lộc, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố, đặt vấn đề với Sở VH-TT&DL về việc giải quyết nhu cầu đời sống văn hóa của người dân Đà Nẵng như thế nào. Vì sao một thành phố phát triển bậc nhất miền Trung nhưng người dân cứ loay hoay với câu hỏi cuối tuần đi đâu, nghe gì? Đồng tình với quan điểm về đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, các thành viên Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố cũng yêu cầu Sở VH-TT&DL giải trình dứt điểm về đề án nâng cấp khu vui chơi giải trí (KVCGT), trùng tu 9 di tích cấp thành phố, văn hóa ở các quán bar...

Trả lời các vấn đề trên, ông Trần Quang Thanh - Phó Giám đốc thường trực Sở VH-TT&DL, cho biết Sở đã xây dựng nhiều đề án nhưng do ngân sách thành phố còn nhiều khó khăn nên chưa triển khai thực hiện. Từ khi có Thông báo số 193-TB/TU ngày 17-2-2014 của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố về đầu tư phát triển văn hóa cho xứng tầm với kinh tế thì nhiều nút thắt đã được mở, nhiều công trình văn hóa trọng điểm đang trong tiến độ thực hiện.

Cụ thể, công trình cải tạo, nâng cấp Thư viện Khoa học tổng hợp thành Thư viện kỹ thuật số dự kiến hoàn thành vào tháng 5-2015 và sẽ xây mới thêm một thư viện nữa, qua đó giải quyết được “vấn đề đọc” của người dân thành phố. Ngoài ra, các thiết chế văn hóa như công trình cải tạo, nâng cấp Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh; cải tạo cơ sở 78 Lê Duẩn thành Bảo tàng Mỹ thuật; cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu nghe, nhìn của người dân và du khách.

Về giải quyết các KVCGT trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, báo cáo về kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến trong cuộc họp cách đó 1 tiếng đồng hồ: UBND thành phố thống nhất đề xuất của Sở VH-TT&DL và Sở Xây dựng đầu tư, nâng cấp 6 KVCGT hoạt động hiệu quả; thống nhất kế hoạch xác định địa điểm để xây dựng 16 trung tâm văn hóa-thể thao phường, xã; thống nhất chuyển đổi 11 KVCGT thành vườn đi dạo kết hợp các môn thể thao đơn giản, giao cho Công ty Công viên-cây xanh quản lý; các khu đất vừa quy hoạch sau khi di dời mồ mả, các khu đất trống (trên 70m2) sẽ được Sở Xây dựng và các quận, huyện họp bàn, nếu ở vị trí thuận lợi thì xây dựng thành công viên vườn dạo, phục vụ nhu cầu thư giãn của người dân.

Về vấn đề văn hóa trong quán bar như múa cột hay hát hò gây tiếng ồn ở các tụ điểm karaoke, trong thời gian chờ đợi thông tư hướng dẫn xử lý của Bộ VH-TT&DL, Sở sẽ tăng cường quản lý trực tiếp, tuyệt đối không để xảy ra các tệ nạn xã hội và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố đã thống nhất đề xuất của Sở VH-TT&DL và Sở Xây dựng về việc đầu tư, nâng cấp 6 khu vui chơi giải trí cho trẻ em hoạt động hiệu quả.
UBND thành phố đã thống nhất đề xuất của Sở VH-TT&DL và Sở Xây dựng về việc đầu tư, nâng cấp 6 khu vui chơi giải trí cho trẻ em hoạt động hiệu quả.

Ngành du lịch không phụ thuộc bất cứ thị trường nào

Một vấn đề khác cũng “nóng” không kém được ông Vũ Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố, đặt ra tại buổi làm việc là tình hình du lịch thành phố đã bị ảnh hưởng như thế nào từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Về vấn đề này, đại diện Sở VH-TT&DL cho biết, lượng du khách Trung Quốc đến tham quan và du lịch Đà Nẵng đã giảm đáng kể, 14 đường bay trực tiếp thuê chuyến từ Đà Nẵng đến các tỉnh Trung Quốc đang tạm ngừng hoạt động (kể từ ngày 15-5). Tuy nhiên, nếu xét trong tổng thể 6 tháng đầu năm 2014, lượng khách Trung Quốc chỉ giảm khoảng 5% so với cùng kỳ. Vì thế, trong 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 1.784.078 lượt, tăng 15,8% so với cùng kỳ (trong đó, khách quốc tế ước đạt 450.642 lượt, tăng 15,7% so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 1.333.436 lượt, tăng 15,9% so với cùng kỳ).

Trong thời gian tới, xác định ngành du lịch không phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào, Sở sẽ xúc tiến khai thác, phát triển các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc... Bên cạnh đó, tập trung phát triển thị trường nội địa, nhất là phía Bắc. Mở đường bay mới Đà Nẵng - Narita (Nhật Bản) vào ngày 16-7; chuẩn bị xúc tiến mở đường bay Đà Nẵng - Kuala Lumpur (Malaysia), Đà Nẵng - Busan (Hàn Quốc) vào tháng 8...

Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Vũ Hùng nhấn mạnh, chủ trương đầu tư phát triển văn hóa là chủ trương lớn của thành phố, thu hút sự chú ý của người dân và dư luận. 6 tháng còn lại của năm 2014, Sở VH-TT&DL cần tiếp tục triển khai đúng tiến độ các công trình trọng điểm, quản lý chặt chẽ các hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch, các cơ sở văn hóa, karaoke, quán bar, biển quảng cáo...; xúc tiến xây dựng đề án đặt tên đường cho thành phố…

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.