.

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Italia

.

Giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình

Ngày 9-6, Thủ tướng Italia Matteo Renzi và Phu nhân bắt đầu chuyến thăm chính thức hai ngày tới Việt Nam, theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tại cuộc hội đàm diễn ra chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Renzi nhất trí sẽ nâng kim ngạch thương mại song phương lên 5 tỷ USD trong vòng hai năm tới và khẳng định quan điểm cơ sở để giải quyết vấn đề trên Biển Đông là phải dựa vào luật pháp quốc tế. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của một Thủ tướng Italia trong suốt hơn 40 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Matteo Renzi trao đổi về tình hình trên Biển Đông.  				      Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Matteo Renzi trao đổi về tình hình trên Biển Đông. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, với chủ trương kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và khu vực, Việt Nam luôn coi trọng vai trò, vị trí của Italia ở châu Âu và trên thế giới và mong muốn phát triển quan hệ Việt Nam-Italia đi vào chiều sâu và hiệu quả theo tinh thần của Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Trao đổi về quan hệ song phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Renzi nhất trí đánh giá quan hệ chính trị, ngoại giao và hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ giữa hai nước thời gian qua đã phát triển tích cực, đặc biệt là thể hiện qua việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Italia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 1 năm ngoái và khẳng định hai bên sẽ cùng nhau đưa mối quan hệ tốt đẹp này phát triển tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Trên tinh thần đó, hai bên đã thống nhất tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp; nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều hiện ở mức 3,5 tỷ USD lên trên 5 tỷ USD trong hai năm tới, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, tăng cường hợp tác kinh tế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực Italia có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: cơ khí chế tạo, dệt may, da giày, chế biến gỗ, công nghiệp phụ trợ, vật liệu xây dựng, năng lượng, chế biến thực phẩm...

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo với Thủ tướng Italia về hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 nằm sâu trong vùng biển Việt Nam, đồng thời sử dụng tàu quân sự, máy bay  hộ tống, cố tình đâm va gây hư hỏng gần 30 tàu thi hành pháp luật của Việt Nam và làm bị thương nhiều người.  Hành động này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam đã kiên trì và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế.

Lập trường của hai nước về vấn đề Biển Đông cũng được hai Thủ tướng đề cập tại cuộc họp báo ngay sau hội đàm. Đánh giá cao vai trò của Italia trong nỗ lực duy trì hòa bình trong khu vực và trên thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị nước này có tiếng nói mạnh mẽ và ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam.

Thủ tướng Matteo Renzi khẳng định Italia đồng quan điểm của Liên minh châu Âu (EU) và khối G7 được đưa ra mới đây, trong đó chia sẻ quan ngại sâu sắc với Việt Nam về tình hình hiện nay ở Biển Đông và cho rằng các bên cần kiềm chế và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Thủ tướng Italia Matteo Renzi.

TTXVN, VTV

;
.
.
.
.
.