.

Trung Quốc dùng tàu đầu kéo ngăn cản tàu Việt Nam

.

Ngày 25-6, Trung Quốc sử dụng nhiều tàu đầu kéo để ngăn các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam đến gần giàn khoan.

7 tàu Trung Quốc dàn đội hình truy cản tàu Kiểm ngư 951 của Việt Nam. (ảnh: Đức Hạnh)
7 tàu Trung Quốc dàn đội hình truy cản tàu Kiểm ngư 951 của Việt Nam. 

Khác với mọi ngày, ngày 25-6, Trung Quốc sử dụng nhiều tàu đầu kéo để truy cản các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam khi đến gần giàn khoan. Hôm nay, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tiếp tục triển khai đội hình chủ động tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 từ hướng Tây Tây Bắc để đấu tranh tuyên truyền. Khi các tàu của Việt Nam tiến vào cách giàn khoan khoảng 13 hải lý thì 14 tàu hải cảnh, hải giám và tàu đầu kéo của Trung Quốc đã giàn hàng ngang trong tư thế sẵn sàng truy cản từ xa.

Khi các tàu của cảnh sát biển và kiểm ngư tiến vào giàn khoan khoảng 12 hải lý, Trung Quốc đã cho một tàu hải cảnh mang số hiệu 1401 và 3 tàu đầu kéo chia thành hai hướng lao ra truy cản với tốc độ cao. Các tàu của Trung Quốc luôn theo sát các tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam ở khoảng cách từ 100 đến 300 mét để ngăn cản. Riêng tàu hải cảnh 1401 liên tục tăng tốc và ép sát tàu cảnh sát biển 4003 ở cự ly lúc gần nhất khoảng 100 mét và dùng vòi công suất cao để uy hiếp.

Cùng lúc đó, Trung Quốc đã sử dụng 3 tàu đầu kéo mang số hiệu 281, 284 và 1 tàu kéo không rõ số hiệu cùng một tàu hải cảnh mang số hiệu 4401 truy cản các tàu của kiểm ngư, trong đó tàu kéo mang số hiệu 284 liên tục áp sát tàu kiểm ngư 951 với tốc độ cao để tiếp tục đâm va khi có cơ hội.

Mặc dù đã bị hư hỏng nặng sau cuộc đâm va trước đó nhưng tàu kiểm ngư 951 vẫn bình tĩnh xử lý tình huống phối hợp với tàu cảnh sát biển 4003 kéo giãn đội hình truy đuổi của tàu kéo Trung Quốc và phòng tránh được đâm va trong gang tấc. Trước sự truy cản quyết liệt của tàu Trung Quốc, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ tại hiện trường, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan.

Rạng sáng nay, từ những quan sát của tàu cảnh sát biển 4033 xung quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc vẫn duy trì gần 30 tàu các loại gồm: tàu hải cảnh, tàu hải giám, tàu kéo, các tàu dịch vụ cùng tàu chiến đấu để bảo vệ giàn khoan. Những quan sát cho thấy, giàn khoan Hải Dương 981 không có sự dịch chuyển.

Hội Luật gia Việt Nam lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc

Cùng ngày, Hội Luật gia Việt Nam đã tiếp tục tổ chức họp báo lần thứ 3 để ra tuyên bố phản đối hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay.

Tuyên bố nêu rõ, ngày 9-5, trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam đã ra tuyên bố cực lực phản đối hành động này và yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Từ đó đến nay, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, bất chấp mọi nỗ lực thiện chí giải quyết căng thẳng bằng con đường hòa bình của Chính phủ Việt Nam, Trung Quốc vẫn tiếp tục ngang nhiên có nhiều hành động leo thang căng thẳng.

Các tàu của Trung Quốc được sự yểm trợ của máy bay, đã chủ động đâm thẳng vào tàu Việt Nam, làm hư hỏng thiết bị, gây thương tích cho các kiểm ngư và ngư dân Việt Nam. Ngày 26-5 tàu cá của Trung Quốc số 11209 đã đâm chìm tàu cá ĐNA- 90152 của Việt Nam, làm 10 thuyền viên trên tàu gặp nạn, toàn bộ hải sản, ngư cụ của tàu ĐNA- 90152 bị hư hỏng hoàn toàn. Ngày 1-6 tàu Trung Quốc liên tục phun vòi rồng vào tàu Cảnh sát Biển 2016 và đâm mạnh bên mạn phải của tàu làm thủng 4 lỗ, cách mép nước biển chỉ 40cm.

Trầm trọng nhất là vào ngày 23-6, cách giàn khoan Hải Dương-981 chừng 11,5 hải lý về phía Tây Nam, tàu kiểm ngư của Việt Nam mang số hiệu KN-951 đã bị 7 tàu của Trung Quốc bao vây, sử dụng tốc độ cao để áp sát, phun vòi rồng với áp lực lớn, đâm va, ngăn cản trong khi tàu Kiểm ngư 951 đang thực thi pháp luật trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Các hành vi của Trung Quốc rõ ràng là những hành vi sử dụng vũ lực, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quyền con người, bất chấp hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Hội Luật gia kêu gọi giới luật gia và toàn thể nhân dân của các nước trên thế giới lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quyền con người và vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc.

Hội Luật gia Việt Nam luôn khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân và giới luật gia Việt Nam - Trung Quốc, cùng phía Trung Quốc làm hết sức mình để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc cố tình không tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, cố tình vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam kiên quyết đề nghị Chính phủ Việt Nam sử dụng các biện pháp pháp lý hợp pháp theo pháp luật quốc tế để giải quyết tình trạng vi phạm leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Hội Luật gia Việt Nam, với số lượng hơn 46.000 hội viên luật gia yêu nước sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ để chuẩn bị các hồ sơ pháp lý cần thiết cho quá trình này, kiên quyết không để chủ quyền thiêng liêng của đất nước bị xâm phạm.

VOV/Vietnam+

 

;
.
.
.
.
.