.

Cấp bách chuyện đầu tư thiết chế văn hóa cơ sở, dự án treo

.

ĐNĐT - Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong ngày làm việc thứ ba (10-7) kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa VIII, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, các đại biểu HĐND thành phố đã chất vấn đến cùng các lãnh đạo ngành và UBND thành phố về những vấn đề liên quan đến thiết chế văn hóa ở cơ sở, dự án treo, chậm tiến độ… nhằm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

Đại biểu Cao Thị Huyền Trân chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng về tiến độ thi công các dự án trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Đại biểu Cao Thị Huyền Trân chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng về tiến độ thi công các dự án trên địa bàn huyện Hòa Vang. Ảnh: VĂN NỞ

Không nên quá dựa vào xã hội hóa

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Hoàng Sơn về tình trạng thiếu khu vui chơi cho trẻ em và giải pháp giải quyết vấn đề này, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hưởng ứng chủ trương xã hội hóa của thành phố, đến nay trên địa bàn Đà Nẵng đã có 34 điểm vui chơi, giải trí do các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư, trong đó có các khu vui chơi trong nhà và ngoài trời với nhiều loại hình hoạt động như khu vui chơi ở Siêu thị Coopmart, Lottemart, Indochina Riverside, Bana Hills…

Các bãi biển Đà Nẵng cũng thu hút nhiều trẻ em vui chơi, tắm biển. Đối với các khu vui chơi giải trí (VCGT) ở các quận, huyện, hiện có 34/56 xã, phường có khu VCGT. Trong tổng số 37 khu VCGT, có 15 khu hoạt động hiệu quả, 22 khu hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động do cơ sở vật chất xuống cấp. Sau khi khảo sát, lãnh đạo thành phố thống nhất giữ nguyên 6 khu hoạt động hiệu quả, chuyển đổi 16 khu thành điểm quy hoạch Trung tâm văn hóa - thể thao phường, xã; các khu hoạt động không hiệu quả sẽ chuyển thành công viên, vườn dạo.

Vào ngày 11-11-2013, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2030, trong đó quy định tối thiểu phải dành 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động VCGT cho trẻ em đối với các thiết chế cấp thôn, xã, phường. Đến 2020, 30% đơn vị cấp huyện có nhà thiếu nhi, 100% đơn vị cấp tỉnh, thành phố phải có cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi. Như vậy, đây là một văn bản quan trọng để triển khai các công trình văn hóa đáp ứng nhu cầu VCGT cho trẻ em. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa sẽ tạo thêm các khu VCGT cho trẻ em.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Hoàng Sơn cho rằng, những phương án của ông Vinh đưa ra là chưa ổn và nên bớt những công trình không cần thiết để xây dựng các khu VCGT cho trẻ em. ĐB Sơn đề nghị, cần có phương án cụ thể và thành phố trích kinh phí để đầu tư khu VCGT cho trẻ em.

ĐB Lê Thị Nam Phương cũng cho rằng, những giải pháp đưa ra của Sở là quá dựa vào xã hội hóa trong khi chủ trương này chỉ mang tính khuyến khích mà thôi. Theo ĐB Phương, việc bảo đảm an sinh xã hội là trách nhiệm của chính quyền thành phố, do đó cần có lộ trình rõ ràng và đưa ra những giải pháp căn cơ hơn. Bên cạnh đó, thành phố cần quan tâm hơn đến công trình Nhà Văn hóa thiếu nhi và có cơ chế vận hành hiệu quả.

ĐB Nguyễn Thị Phượng cũng bày tỏ lo lắng khi các điểm VCGT của trẻ em mà ông Vinh giới thiệu chủ yếu nằm trong các siêu thị mua sắm và liệu sẽ có bao nhiêu trẻ em có cơ hội để tiếp cận với các điểm vui chơi này. Theo ĐB Phượng, thành phố cần dành đất để đầu tư khu VCGT cho trẻ em. ĐB Nguyễn Đăng Hải cũng đề nghị thành phố cần quan tâm đầu tư xây dựng Nhà Văn hóa thiếu nhi bởi đây là nơi ươm mầm và đào tạo nhân tài cho thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, thành phố sẽ bố trí kinh phí đầu tư, duy tu các khu VCGT và giao cho Công ty Công viên cây xanh trồng và chăm sóc cây xanh, thảm cỏ. Đối với Công viên 29-3, nếu thực hiện không thành công mô hình xã hội hóa thì thành phố sẽ bỏ tiền ngân sách để đầu tư.

Từng bước chuyển đổi đối tác

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Anh Đào liên quan đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) trên địa bàn thành phố có giao thương với Trung Quốc, ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 25 doanh nghiệp có hoạt động XNK với Trung Quốc, trong đó nhập khẩu nguyên liệu lớn chủ yếu là các doanh nghiệp dệt may.

Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 đến nay vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Kha, trong thời gian tới, nếu Trung Quốc vẫn chưa rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam thì chắc chắn các doanh nghiệp XNK Đà Nẵng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, sẽ từng bước nghiên cứu chuyển đổi đối tác và tìm nguồn nguyên liêu nhập khẩu từ các nước khác; đồng thời cố gắng tìm nguồn nguyên liệu trong nước.

Tuy nhiên, do chất lượng nguyên liệu trong nước không đảm bảo nên các doanh nghiệp nước ngoài khó chấp nhận. Theo ông Kha, mỗi doanh nghiệp có những khó khăn khác nhau do đó cần phải bàn bạc kỹ để có giải pháp cụ thể. Sở sẽ chỉ đạo các bộ phận có liên quan bàn hỗ trợ tối đa để phát triển, tìm đối tác mới cung cấp nguyên liệu nhằm đảm bảo sản xuất kinh doanh; đồng thời liên kết với các thành phố lớn tìm nhà cung cấp nguyên liệu có chất lượng, có thương hiệu đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp.

Thu hồi dự án không khởi công sau tháng 6-2015

Trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND thành phố liên quan đến việc các dự án chậm triển khai trong và ngoài KCN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho biết, có 29 dự án chậm triển khai nằm ở ven biển, trong đó có 8 dự án đầu tư nước ngoài và 21 dự án đầu tư trong nước. UBND thành phố đã làm việc với tất cả các nhà đầu tư và yêu cầu các nhà đầu tư cam kết lộ trình triển khai các dự án, nếu đến hết tháng 6-2015 không khởi công xây dựng thì UBND thành phố sẽ báo cáo HĐND thành phố cho thu hồi.

Đối với các dự án có quy mô lớn ở trung tâm thành phố, UBND thành phố cũng đã làm việc vài lần với các chủ đầu tư nhưng đến nay một số dự án vẫn chưa cam kết. Tuy nhiên, thành phố đã chỉ đạo di dời các cổng rào vào sâu bên trong để chừa lối đi cho người đi bộ, trồng cây xanh và dọn dẹp vệ sinh môi trường, bảo đảm cảnh quan đô thị. Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Nho Trung đề nghị thành phố nên rà soát kỹ các doanh nghiệp không có tiềm lực và đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, tránh để lâu gây lãng phí quỹ đất. Đối với các dự án ven biển, thành phố nên nhân rộng mô hình trồng cây xanh tạo môi trường xanh-sạch-đẹp để tận dụng cảnh quan ven biển cho trẻ em vui chơi, cắm trại. 

Liên quan câu hỏi của ĐB Phan Thị Tuyết Nhung về tình hình nợ tiền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân còn rất lớn và biện pháp thu hồi nợ của thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực Võ Duy Khương cho biết, hiện nay các tổ chức, cá nhân tham gia vào dự án còn nợ tiền sử dụng đất của thành phố thì đến thời điểm tháng 6-2014, có 32 dự án đã được thành phố bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thì số tiền sử dụng đất phát sinh phải nộp cho ngân sách là 1.088 tỷ đồng. Trong đó, số nợ đến hạn trả mà chưa trả được (đến 30-6) là 688,9 tỷ đồng, còn lại xấp xỉ 400 tỷ đồng phát sinh mà chưa đến hạn nên chưa phải là nợ.

Ông Khương cho biết, có 11.277 hộ nợ 1.619 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Hiện thành phố đưa ra giải pháp để thu tiền là thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên tổ khai thác quỹ đất và rà soát những vướng mắc, kiểm tra các dự án chưa trả tiền nợ tiền sử dụng đất sau khi bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó, thành phố có chủ trương khuyến khích người dân trả nợ sớm, tức là: Nếu nộp trước 30-6 thì sẽ hỗ trợ lãi suất với mức giảm 40% tổng số tiền lãi xuất phát sinh trước đây và trả trước 31-12 sẽ giảm 35%.

Báo Lao Động đã xuyên tạc sự thật

Về vụ việc liên quan đến gia đình Mẹ VNAH Nguyễn Thị Lành trong bài báo “Đà Nẵng: Bị cưỡng chế, Mẹ Việt Nam anh hùng quyết ở Trung tâm y tế chờ tòa phán xử” trên báo Lao Động, đăng ngày 3-7-2014, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương khẳng định: “Nội dung bài báo là không chính xác, viết sai lệch sự việc, làm ảnh hưởng đến thành quả của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố đối với việc thực hiện chính sách gia đình liệt sỹ, người có công cách mạng trong thời gian qua”. Báo Đà Nẵng số ra ngày 10-7-2014 cũng đã đăng bài “Hãy để mẹ yên tuổi già!” nhằm làm rõ hơn sự việc này.

Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đã chỉ đạo UBND các cấp thực hiện tốt chính sách đối với gia đình có công cách mạng, gia đình liệt sỹ, Mẹ VNAH Nguyễn Thị Lành và xem đây là nghĩa cử “uống nước nhớ nguồn”. Ông Trần Thọ đề nghị chính quyền thành phố làm việc với phóng viên và cơ quan báo chí đính chính lại nội dung theo đúng pháp luật; đồng thời đề nghị ĐB Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam có ý kiến đối với lãnh đạo ngành về vấn đề này.

Đoàn Lương - Sơn Trung

;
.
.
.
.
.