.

Giải quyết việc làm cho người sau cai: Cần nỗ lực từ nhiều phía

.

Bên cạnh những doanh nghiệp luôn tạo điều kiện tối ưu cho người sau cai có việc làm ổn định, tái hòa nhập cộng đồng, vẫn có nhiều doanh nghiệp e ngại vấn đề này. Thêm vào đó, một bộ phận người sau cai chưa quyết tâm hoàn lương và có những việc làm sai trái trong quá trình lao động, làm chủ doanh nghiệp càng mất niềm tin.

Học viên Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06 tham gia lớp nghề xây dựng.
Học viên Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06 tham gia lớp nghề xây dựng.

Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng) cho biết, từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn thành phố có 67 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp dạy nghề, tạo việc làm cho 165 người đang quản lý sau cai và người sau cai nghiện. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã trực tiếp liên lạc, giới thiệu người sau cai làm việc tại các cơ sở hoặc tạo điều kiện để họ làm các công việc lao động phổ thông tại UBND xã, phường.

Những điểm tựa

Công ty TNHH Huỳnh Anh Khoa chuyên về dịch vụ khắc dấu, quảng cáo và sản xuất hàng lưu niệm được biết đến là nơi thường xuyên tiếp nhận đào tạo dạy nghề cho người sau cai nghiện. Ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc công ty, chia sẻ: “Tôi rất hiểu nỗi khổ của người sau cai khi đi xin việc. Với họ, có được việc làm để kiếm sống là điều rất khó, chưa kể phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội. Vì vậy, từ khi thành lập đến nay, cơ sở của tôi đã đào tạo, dạy nghề cho khá nhiều người sau cai”. Đến nay, sau thời gian học việc, nhiều người sau cai tại Công ty TNHH Huỳnh Anh Khoa thành thạo tay nghề, có công việc và thu nhập ổn định từ 3-4 triệu đồng; nhiều người đã tự mở được cơ sở sản xuất.

Cơ sở sản xuất giày dép của ông Trần Đình Hùng (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) luôn là một trong những điểm tựa vững chắc của người sau cai, hơn 30 người đã được ông chủ tốt bụng truyền nghề. Ông Hùng chia sẻ: “Rất nhiều em sau cai chịu khó học nghề, có thể làm giày thành thạo, thậm chí làm được 3-5 đôi/ngày. Nhìn sản phẩm do các em làm, tôi rất vui vì sau những dại khờ, bồng bột, các em có thể kiếm tiền từ chính sức lao động của mình”.

Người sau cai cần nỗ lực

Nhiều chủ doanh nghiệp chia sẻ, mặc dù bản thân họ rất muốn tạo điều kiện cho người sau cai có cơ hội việc làm nhưng nguy cơ tái nghiện vẫn rất cao. Chính tại cơ sở của ông Huỳnh Ngọc Hải đã có không ít trường hợp tái nghiện và có nhiều hành vi như: trộm cắp, cướp giật... để có tiền mua “hàng trắng”. Bà Nguyễn Thị Kim Chi, chủ cơ sở cà-phê Young (quận Sơn Trà) cũng gặp trường hợp này. Anh Q., một người sau cai tái hòa nhập cộng đồng, không những không đáp lại sự giúp đỡ của bà Chi mà còn có hành vi trộm cắp tài sản, tiền bạc. Dẫu rất thông cảm nhưng để bảo đảm uy tín của cơ sở, bà Chi buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với anh Q.

Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng, cho biết hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp nhận người sau cai vào làm việc còn thấp so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh lý do sức khỏe suy giảm, khó đáp ứng được yêu cầu công việc, nhiều người sau cai thích công việc nhàn hạ, lương cao nên dù được các doanh nghiệp tiếp nhận cũng sẽ dễ dàng bị sa thải. Mặt khác, sự kỳ thị đối với người từng nghiện ma túy là một rào cản rất lớn, bởi phần lớn người nghiện thường có trình độ văn hóa, tay nghề thấp hoặc từng có tiền án, tiền sự khiến chủ sử dụng lao động lo lắng, e ngại. Theo ông Hùng, để giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, cần sự chung tay của doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân để mở các lớp dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện nhằm giúp họ có việc làm ổn định, tránh tái nghiện.  

Bài và ảnh: THỦY NGÀ
 

;
.
.
.
.
.