ĐNĐT - Ngay buổi đầu tiên đến Đà Nẵng, chiều 16-7, gần 170 thanh thiếu niên Việt Kiều có thành tích học tập và nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng cộng đồng đoàn kết ở nước sở tại đã đến tham quan Bảo tàng Đà Nẵng.
Thanh niên kiều bào tìm hiểu bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa |
Tại đây, các em đã được cán bộ bảo tàng thuyết minh, giới thiệu những tấm bản đồ, những tư liệu và hiện vật lịch sử khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xa xưa đã thuộc về Việt Nam, như: tờ bản đồ có ghi địa danh Hoàng Sa ở ngoài khơi nước ta (tr.52) trong tập Đại Nam địa dư toàn đồ, dị bản của tập bản đồ Càn không nhất lãm do Phạm Đình Hổ vẽ vào đầu thế kỷ 19; bản đồ tỉnh Quảng Đông với phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, in trong Aslat Trung Quốc địa đồ, xuất bản năm 1908.
Chứng kiến tận mắt, lắng nghe thật kỹ buổi thuyết minh, Nguyễn Huy Trường Nam (sinh ra và lớn lên tại Mátxcơva, Nga) chia sẻ: “Em vẫn theo dõi thông tin về đất nước Việt Nam qua kênh truyền hình VTV4 nên cũng hiểu phần nào về chủ quyền của đất nước đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng hôm nay, qua chương trình tham quan bảo tàng này, em càng hiểu rõ hơn. Những tấm bản đồ này là bằng chứng khá thuyết phục, là sự thật lịch sử, nhất là bản đồ của chính người Trung Quốc không hề có Hoàng Sa, Trường Sa. Như vậy, tấm bản đồ mới đây Trung Quốc vẽ lại là hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật. Sau chuyến đi này, em sẽ về nước truyền tải, chia sẻ với các bạn kiều bào Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế của em về sự thật này để mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn”.
"Vừa qua, nhiều người quen của em cũng tham gia biểu tình tại Mátxcơva để lên án hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc sau khi đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam", Trường Nam cho biết thêm.
Còn em Trần Hồng Ngọc (sinh sống tại UKraine, sinh viên ngành kinh tế tại một trường đại học ở Thượng Hải) tâm sự: “Trong chuyến tham quan này, em đã chụp lại vài tấm ảnh bản đồ thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Em sẽ chia sẻ những tấm hình này cho bạn bè của em tại Trung Quốc để họ hiểu thêm”.
Cũng trong chiều nay, ông Trần Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy Vùng Cảnh sát biển 2 và ông Vương Mạnh Hòa - trợ lý kế hoạch tổng hợp Chi đội Kiểm ngư số 3 đã trao đổi với các thanh niên kiều bào về nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển của 2 đơn vị. Qua đó, vun đắp thêm tình yêu đất nước, nâng cao ý thức quyền biển đảo của các em. Đồng thời, giúp các em hiểu rõ hơn hành động sai trái, thái độ hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Được biết, trong 3 ngày tới (từ 17-7 đến 19-7), đoàn sẽ tiếp tục tham quan các điểm du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng như Làng đá mỹ nghệ Non Nước (Ngũ Hành Sơn), biển Mỹ Khê; tham gia các hoạt động ý nghĩa khác như dự đại lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sỹ tại chùa Linh Ứng (Bãi Bụt, Sơn Trà), tham gia chương trình truyền hình trực tiếp “Biển đảo quê hương tôi” tại Công viên Biển Đông (quận Sơn Trà). Ngày 20-7, đoàn sẽ rời Đà Nẵng, tiếp tục cuộc hành trình về phía Nam.
Trại hè “Biển đảo quê hương tôi” 2014 nhằm hưởng ứng các hoạt động của cả nước vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng và chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc. Hành trình của Trại hè Việt Nam 2014 diễn ra từ ngày 8 đến 27-7, với nhiều hoạt động ý nghĩa tại nhiều địa phương trên khắp ba miền Tổ quốc. Sự kiện do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
NGỌC HÀ