.

Đừng để khu tái định cư Nam Mỹ bị bỏ hoang

.

Trong số 62 hộ dân xã Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng) được di dời từ vùng sạt lở ven sông Cu Đê lên khu tái định cư Nam Mỹ, hơn một nửa trong số đó đã bỏ đi nơi khác lập nghiệp, hoặc trở về nơi ở cũ dựng lều, trại sản xuất, chỉ trở về nhà tái định cư trú tạm những ngày mưa bão. Theo bạn đọc phản ánh, tiền của Nhà nước đang bị lãng phí nghiêm trọng do hàng chục ngôi nhà bị bỏ hoang.

Hàng chục ngôi nhà bị bỏ hoang trong khu tái định cư Nam Mỹ.
Hàng chục ngôi nhà bị bỏ hoang trong khu tái định cư Nam Mỹ.

Giữa trưa nắng như đổ lửa, vợ chồng anh Nguyễn Đình Nhân ở khu tái định cư (TĐC) Nam Mỹ, xã Hòa Bắc mới kiếm được hai bó mây nhỏ từ rừng về.

"Chừng này ngày mai bán được hơn trăm ngàn, đủ hai bữa chợ cho cả gia đình", anh Nhân chia sẻ. Sau nhiều trận lũ lớn, bờ sông Cu Đê đoạn qua xã Hòa Bắc sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đe dọa nhà cửa, đất đai của hàng chục hộ dân sống ven sông. Năm 2007, UBND huyện Hòa Vang khẩn trương đầu tư xây dựng khu TĐC Nam Mỹ, đưa dân vùng sạt lở lên sinh sống. Anh Đinh Văn Hiền đang cặm cụi sửa lại ngôi nhà xập xệ, cho biết: Hồi trước nhà anh ở thôn Giàn Bí, năm 2009, khi bờ sông sạt lở liên tục, lấn sâu vào sát nhà, anh được chính quyền xã, huyện cho chuyển về khu TĐC Nam Mỹ sinh sống.

Hồi đầu, vợ chồng phấn khởi lắm, bởi được cấp gần 400m2 đất ở, được hỗ trợ tiền làm nhà, tiền di dời... Nhưng sau một thời gian, đất tái định cư vốn là sườn đồi mới san ủi, sỏi đá khô cằn, khó có cây gì sống được, đất sản xuất không có. Các hộ gia đình ở đây chỉ được cấp đất ở và đất vườn nhưng không thể trồng trọt, phát triển kinh tế. Ruộng lúa không có, đất rẫy, đất lâm nghiệp cũng không có. Nghề chính của người dân là vào rừng lấy mây, đót, đốt củi lấy than đem bán. Học sinh thì phải đi học cách xa nhà cả chục cây số.

Cuộc sống quá khó khăn, thiếu thốn cho nên người dân lần lượt tìm cách rời bỏ khu TĐC. Vợ chồng anh Hiền thì trở lại thôn Giàn Bí sống cùng bố mẹ, nơi có đất ruộng, đất rẫy. Chỉ khi mưa gió mới về lại nhà trong khu TĐC trú tạm vài ngày. Bà Võ Thị Tuyết, người dân khu TĐC Nam Mỹ dẫn chúng tôi đi dọc con đường trải nhựa khang trang, xót xa chỉ vào những ngôi nhà đổ nát hoang phế: "Mấy ngôi nhà này bị hư hại sau các đợt bão lớn từ năm 2009 tới giờ.

Dân đã bỏ đi, vì ở lại đây cũng không có kế sinh nhai, cũng không biết họ có trở lại hay là đi luôn, nhưng mà mấy chục ngôi nhà bỏ hoang đã bốn, năm năm nay rồi".

Phó Chủ tịch HĐND xã Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng) Đoàn Quốc Việt cho biết: Khu TĐC Nam Mỹ do huyện Hòa Vang làm chủ đầu tư, được xây dựng cơ sở hạ tầng đầy đủ, như trường học, đường sá, điện, nước... như một khu phố mới giữa núi rừng. Năm 2007 và năm 2009, huyện Hòa Vang đưa 62 hộ dân vùng sạt lở sông Cu Đê lên tái định cư. Theo đó, mỗi hộ di dời năm 2007 được hỗ trợ 12 triệu đồng, năm 2009 được hỗ trợ 21 triệu đồng để xây dựng nhà cửa, được cấp 300m2 đất ở. Điều kiện bắt buộc khi nhận tiền hỗ trợ tiền và cấp đất là các hộ phải làm nhà ở ngay.

Tuy nhiên, hầu hết người dân đều là hộ nghèo cho nên ai cũng xây nhà bằng đúng số tiền được hỗ trợ. Nhà cửa xây dựng tạm bợ, đơn giản nên chỉ sau thời gian ngắn là xuống cấp, hư hỏng. Những hộ trước đây ở các thôn khác di dời về, họ còn đất sản xuất tại nơi ở cũ, nên quay về làm nhà tạm để ở và sản xuất, đến mùa mưa mới lên đây trú ngụ. Một số hộ khác bỏ đi hẳn, nhà cửa bỏ hoang năm này qua năm khác. Bởi vậy mới có cảnh hàng chục ngôi nhà khóa cửa im lìm, nhà thì không mái, hoang tàn đổ nát. Sân vườn trở thành nơi chăn thả gia súc. Nhiều ngôi nhà trở thành chuồng trâu, chuồng bò của người dân địa phương.

Ông Trần Thanh Hùng, Trưởng thôn Nam Mỹ cho biết, không chỉ thiếu đất sản xuất, người dân khu TĐC Nam Mỹ còn thiếu nước sinh hoạt. Công trình nước sạch bỏ hoang, dòng sông Cu Đê bị nhiễm độc chất xi-a-nua do nạn đãi vàng vùng thượng nguồn, người dân phải đi xa hàng cây số để lấy nước về sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.

Theo sổ sách, cả thôn có 132 hộ nhưng thực chất đã có 32 hộ bỏ nhà đi ở nơi khác. Khi xã, huyện yêu cầu thôn vận động bà con về lại khu TĐC, thì lại nảy sinh vấn đề còn bức xúc hơn nhiều. Để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân phải nộp tiền thuế đất, hộ ít nhất là 26 triệu đồng, hộ nhiều nhất hơn 80 triệu đồng. Khu TĐC hồi trước là nói cấp cho dân vùng sạt lở ven sông, hoặc những cặp vợ chồng trẻ mới tách hộ ra ở riêng.

Bây giờ thông báo đóng thuế, dân chạy ăn từng bữa còn chưa đủ, thì thôn biết vận động thế nào cho bà con thông hiểu?

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCLB TP Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng cho rằng: Theo quy định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, mức hỗ trợ di dời do sạt lở ven sông đối với người dân là quá thấp, không đủ để dân làm nhà kiên cố. Nhưng mà phải đưa đi chứ không cho phép họ ở tại nơi ở cũ bởi tình hình sạt lở và ngập lũ rất nguy hiểm.

Nhưng cũng có cái khó cho dân là đất đai sản xuất lại ở đó, mà bây giờ không còn vùng nào nữa, chỉ có vùng Nam Yên thôi.

Tiền từ ngân sách Nhà nước đang được sử dụng không hiệu quả, khi khu TĐC Nam Mỹ không gắn với định canh, đời sống khó khăn thiếu thốn đủ bề, khiến nhân dân không yên tâm "an cư", nói gì đến "lạc nghiệp".

Những người bám trụ lại không thể yên tâm sinh sống khi không có tiền nộp thuế đất, làm sổ đỏ. Chính quyền và ngành chức năng TP Đà Nẵng, huyện Hòa Vang cần sớm kiểm tra, có phương án, khắc phục, xử lý dứt điểm như miễn, giảm tiền đất, hỗ trợ khai hoang đất sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cấp cải tạo hệ thống hạ tầng như điện, nước sạch, đường giao thông... giúp người dân khu TĐC Nam Mỹ ổn định đời sống và sản xuất, nhất là khi mùa mưa, lũ đang đến.

* HỒ TĂNG PHÚC, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng:

"Đây là vấn đề nan giải của địa phương. Chính quyền xã chỉ còn cách vận động người dân quay lại sửa chữa nhà cửa để ở.

Những hộ không về, bỏ hoang nhà cửa thì chúng tôi kiến nghị huyện, thành phố thu hồi, bố trí cho hộ khác có nhu cầu để ở ổn định, thu hồi hoặc hoán đổi lại".

* ĐOÀN VĂN QUẢNG, người dân khu TĐC Nam Mỹ:

"Ở đây, dân sống bằng nghề rừng là chủ yếu, buổi sáng xách cái gùi đi, vô rừng kiếm măng, củi, mây, đót. Đất rẫy, đất rừng, ruộng nước đều không có, chỉ có cách trở lại nơi cũ làm ăn".

* TRẦN THỊ TÁM, người dân khu TĐC Nam Mỹ:

"Mùa mưa bão đến rồi, mà nhà cửa ai cũng xập xệ lắm, không biết có trụ được qua mùa này không. Nghèo nàn, cực khổ, dân chúng tôi lấy tiền đâu để làm sổ đỏ. Mong là thành phố xem xét, có chính sách miễn, giảm tiền đất, hỗ trợ dân khai hoang ruộng nước, hoặc cấp đất rừng cho bà con sản xuất, tạo thu nhập ổn định, lâu dài".

Theo Nhân dân

;
.
.
.
.
.